Kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

28/04/2018 07:14 GMT+7

Lần đầu gặp nhau, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng trò chuyện rồi ra tuyên bố chung hai miền.

Đúng như kế hoạch, hôm qua Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim đã chính thức gặp nhau tại làng Bàn Môn Điếm. Theo Reuters, 9 giờ 30 phút (giờ Hàn Quốc), lãnh đạo Kim một mình bước đến, mỉm cười và bắt tay Tổng thống Moon ở bên kia giới tuyến tạm thời.
Cái bắt tay lịch sử được truyền hình trực tiếp, mang lại nhiều hy vọng cho quan hệ hai miền. Ông Kim cũng chủ động nắm tay ông Moon mời bước qua phía miền Bắc trước khi sang bên kia tham gia lễ đón long trọng bằng nghi thức triều đình Joseon.
Tiến đến chấm dứt tình trạng chiến tranh
Ngày hôm nay làng đình chiến Bàn Môn Điếm, từng là biểu tượng của sự chia cắt, trở thành nơi sản sinh hòa bình thế giới
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Trước sự chứng kiến của tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo Kim để lại thông điệp đầu tiên trên cuốn sổ lưu niệm ở Nhà Hòa Bình với nội dung: “Lịch sử mới bắt đầu, kỷ nguyên của hòa bình, từ điểm khởi đầu của lịch sử”. Hai ông đã có rất nhiều cử chỉ thân thiết, dù khẳng định nói chuyện thẳng thắn với nhau đằng sau cánh cửa đóng kín. Những người theo dõi qua truyền hình không thể rời mắt khi hai người cùng vun đắp “hòa bình và thịnh vượng” tại cây thông cũng mang tính lịch sử từ năm 1953, sau đó là những phút ngồi thưởng trà cùng nhau, đàm đạo rồi đi bộ một vòng tại Bàn Môn Điếm. Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, cởi mở hơn cả mong đợi.
Năm 1953, hai bên chỉ mới đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng chưa ký kết hiệp định hòa bình, nên về mặt lý thuyết thì chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đến nay vẫn chưa kết chúc.
Đây thật sự là khung cảnh
đầy cảm xúc, tái khẳng định sự thật rằng chúng ta là một, không thể
bị chia cắt và điều này khiến trái tim tôi rung động
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo nhất trí mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên thống nhất tổ chức đàm phán về thiết lập hiệp định hòa bình lâu dài và bền vững nhằm chính thức chấm dứt chiến tranh sau 65 năm. Bên cạnh đó, hai miền sẽ hợp tác giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo và lãnh đạo quốc phòng sẽ gặp nhau trong tháng sau.
Từ ngày 1.5, mọi hoạt động tuyên truyền bằng loa phát thanh và truyền đơn sẽ chính thức chấm dứt. Tuyên bố Bàn Môn Điếm cũng nêu rõ: “Hai lãnh đạo tuyên bố trước 80 triệu dân và toàn thế giới rằng sẽ không có thêm cuộc chiến nào trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình đã bắt đầu”.
Ngoài ra, hai bên sẽ giải quyết khẩn cấp các vấn đề nhân đạo của những gia đình bị ly tán. Tổng thống Moon cũng nhận lời mời thăm Bình Nhưỡng trong năm nay. Hai bên thống nhất thành lập văn phòng liên lạc chung tại thành phố giáp giới Kaeseong.
Cái nắm tay lịch sử của lãnh đạo liên Triều Ảnh: Reuters

Xua tan mây mù
Mì lạnh làm ấm quan hệ liên Triều
Trong lần đầu đặt chân sang miền Nam, lãnh đạo Kim mang theo món quà đặc biệt là mì lạnh, đặc sản của miền Bắc. “Chúng tôi đã ráng mang mì lạnh naengmyeon từ tận Bình Nhưỡng tới đây. Món mì lạnh Bình Nhưỡng đã đi quãng đường xa như vậy, à tôi không nên dùng từ “xa”. Tôi hy vọng ngài tổng thống sẽ thích", ông Kim nói với ông Moon.
Món đặc sản này được phục vụ trên bàn tiệc tối, do đích thân đầu bếp Triều Tiên làm. Cảm hứng từ cuộc gặp thượng đỉnh đã giúp mì lạnh trở nên đắt hàng tại Seoul khi rất nhiều người xếp hàng gọi món này cho bữa trưa, theo BBC.
Sau đó, trong buổi quốc yến đầy cảm xúc, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã nâng ly chúc mừng và cùng nhau thưởng thức những món ăn mang tính biểu tượng cho thống nhất và hòa bình, theo Hãng tin Yonhap. Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook và đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju cùng tham dự buổi tiệc trong lần gặp gỡ đầu tiên. Nắm lấy tay nhau, hai lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu chung là đảm bảo hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.
“Ngày hôm nay làng đình chiến Bàn Môn Điếm, từng là biểu tượng của sự chia cắt, trở thành nơi sản sinh hòa bình thế giới. Lãnh đạo Kim và tôi đã thảo luận với nhau bằng tất cả sự chân tình và chúng tôi có tiếng nói chung. Hôm nay, chúng tôi mở ra chặng đường mới nhằm xua đám mây mù chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo hòa bình, thịnh vượng”, Tổng thống Moon phát biểu trong quốc yến.
Đáp lại, lãnh đạo Kim nói: “Đây chính là nơi người dân hai miền quây quần bên nhau, nhưng tôi thật sự không thể phân biệt được ai đến từ Hàn Quốc và ai từ Triều Tiên. Đây thật sự là khung cảnh đầy cảm xúc, tái khẳng định sự thật rằng chúng ta là một, không thể bị chia cắt và điều này khiến trái tim tôi rung động. Tôi có cảm giác như đây là một giấc mơ và tôi thật sự rất hạnh phúc”.
Tiệc chiêu đãi kết thúc với bài hát truyền thống Arirang vang lên và hai lãnh đạo cùng hát.
Thế giới hoan nghênh
Cũng giống như hàng triệu người Hàn Quốc, lãnh đạo và dư luận thế giới đều dõi theo cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Ngay khi tuyên bố Bàn Môn Điếm được đưa ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi cuộc gặp trên là bước đi tích cực, đồng thời nhấn mạnh mong muốn Bình Nhưỡng có động thái cụ thể để thực hiện cam kết của mình. Điện Kremlin cũng ca ngợi cuộc hội đàm liên Triều là một tin tốt và Nga hoan nghênh mọi nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố ủng hộ bước đi lịch sử của hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên. Trước đó, Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump mong đợi cuộc đối thoại sẽ đạt những bước tiến về tương lai hòa bình và thịnh vượng, đồng thời khẳng định đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
 
Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc tổ chức thành công Hội đàm thượng đỉnh liên Triều ngày 27.4, góp phần quan trọng vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, trong đó có việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Việt Nam tin tưởng Triều Tiên và Hàn Quốc cùng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua. (Vũ Hân)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.