Nhiều công ty và tổ chức hàng không, bao gồm NASA, đang phát triển công nghệ cho phép con người một lần nữa du hành ở tốc độ nhanh hơn vận tốc âm thanh.
Khái niệm máy bay N+2 của Lockheed Martin - Ảnh: Lockheed Martin |
Hơn 10 năm kể từ khi máy bay thương mại Concorde về hưu, du hành siêu thanh đang có dấu hiệu trở lại, với lứa đầu tiên của dòng máy bay mới có thể cất cánh vào đầu thập niên 2020. Concorde bắt đầu chở khách từ năm 1976 nhưng đối mặt vô số lời than phiền vì quá ồn.
Kết quả là phi công chỉ có thể điều khiển máy bay vượt qua bức tường âm thanh khi bay trên đại dương. Mặt hạn chế này đã thu hẹp phạm vi hoạt động của dòng máy bay siêu thanh đời đầu, và chỉ có 2 hãng British Airways và Air France sử dụng cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.
Mô hình máy bay S-512 của Spike - Ảnh: Spike
|
Tuy nhiên, đối với những người đang mong sự trở lại của máy bay chở khách siêu thanh, công nghệ hiện tại đã phát triển đến mức có thể cho ra đời hậu duệ của Concorde. Sau đây là những ứng viên tiềm năng trên đường đua siêu thanh:
Aerion AS2
Hợp tác với Airbus Group, Aerion đã khởi động dự án chế tạo AS2, máy bay 20 chỗ ngồi với chuyến bay đầu tiên dự kiến vào năm 2021. Theo ước tính của Aerion, thị trường máy bay chở khách thương mại toàn cầu có thể tăng lên 600 chiếc trong 20 năm nữa.
Spike S-512
Vào hè năm nay, Spike Aerospace đã hoàn tất giai đoạn thiết kế ban đầu kéo dài 2 năm. Kết quả là dòng máy bay S-512 có thể lướt trên không ở vận tốc Mach 1,6 và chở tối đa 18 khách VIP với nội thất sang trọng.
Hãng quyết định loại bỏ mọi ô cửa sổ trên máy bay mà thay vào đó đặt màn hình khổ rộng liên tục truyền hình ảnh thu được từ các camera đặt xung quanh thân máy bay. Nếu mắc chứng sợ độ cao, hành khách có thể chuyển màn hình sang chế độ TV, xem phim ảnh và chơi game các loại.
Lockheed Martin N+2
Nhà thầu vũ khí số 1 của Mỹ đã đưa ra thiết kế về mặt khái niệm cho dòng máy bay 80 chỗ ngồi. Hình dạng máy bay được điều chỉnh để giảm tiếng nổ không khí khi máy bay vượt bức tường âm thanh. Nếu làm được điều này, máy bay có thể được chấp nhận cho bay qua đất liền.
Lockheed Martin đã thử nghiệm một mô hình trong các ống dẫn khí, đồng thời phát triển phần mềm để dự đoán mức độ ồn của tiếng nổ không khí. “Các công cụ mà chúng tôi đang triển khai thật sự có thể mở ra những cơ hội mới trong tương lai”, theo Michael Buonanno, Giám đốc chương trình NASA N+2 của Lockheed Martin.
Concorde-2
Vào tháng 7, Airbus đã được cấp bằng phát minh nhờ vào khái niệm máy bay vô cùng ấn tượng. Cất cánh từ đường băng thông thường, Concorde-2 có thể nâng lên theo hướng thẳng đứng giống như tên lửa đẩy trong chương trình không gian.
Điều này có nghĩa là khi đột phá bức tường âm thanh, tiếng ồn không khí tạo ra sẽ lan tỏa theo phương ngang trong không gian, chứ không ập xuống đất như trường hợp Concorde. Với tốc độ tối đa Mach 4,5 (hơn gấp 2 Concorde), hậu duệ của Concorde chỉ mất 3 giờ để đưa hành khách từ London đến San Francisco.
Bình luận (0)