Ngày 17.12, tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản.
Đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả
Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định coi trọng quan hệ đoàn kết hợp tác với Nhật Bản, đối tác lâu đời, đáng tin cậy nhất của ASEAN, cùng đóng góp cho sự phát triển của mỗi bên cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả khu vực. Đáng chú ý, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Nhật Bản đạt 268,5 tỉ USD, vốn đầu tư đạt 26,7 tỉ USD trong năm 2022. Nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa, hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng, được triển khai mạnh mẽ đã góp phần củng cố vững chắc sự gắn kết giữa hai bên.
Tại hội nghị, Nhật Bản và ASEAN nhất trí đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng với tầm vóc của đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực, tạo thuận lợi hơn cho hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau. Đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Nhật Bản coi ASEAN là một trong ưu tiên chính sách đối ngoại nói chung và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (FOIP) của Nhật Bản; cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực.
Chia sẻ với lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác hai bên, điển hình là trong những thời điểm khó khăn như khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á (1997 - 1998), Covid-19 hay thảm họa, thiên tai ở mỗi khu vực. Quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thành công nhất của ASEAN. Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều "cơn gió ngược" với nhiều thách thức chưa có tiền lệ, hai bên cần tăng cường hợp tác, phấn đấu đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản trở thành một biểu tượng của đoàn kết và hợp tác quốc tế.
3 phương hướng "từ hành động tới hành động"
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ này trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực. Theo đó, hai bên cần tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mê Kông, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng nhấn mạnh về đầu tư cho nhân tố con người - chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển nói chung và của quan hệ ASEAN - Nhật Bản nói riêng. Đặc biệt, cần cụ thể hóa quan hệ "từ trái tim đến trái tim" trở thành quan hệ "từ hành động đến hành động", và "từ cảm xúc đến hiệu quả" với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
Nhấn mạnh tới 4 kết nối, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, thương mại, đầu tư coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh… Đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác ASEAN - Nhật Bản thời gian tới; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Trên tinh thần lấy tin cậy chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng con thuyền ASEAN - Nhật Bản sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua "Tuyên bố Tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản: Đối tác tin cậy" và "Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn", làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản thời gian tới.
Nhân hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố khoản hỗ trợ trị giá 40 tỉ yen cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa giáo dục và 15 tỉ yen cho các chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu quốc tế. Đây là khoản tiếp theo khoản đóng góp thêm 14,2 tỉ yen cho Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản (JAIF) đã được công bố từ đầu năm.
Đẩy mạnh kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan
Sáng 17.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Thủ tướng Lào và Campuchia ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thiết lập cơ chế họp 3 Thủ tướng nhằm hiện thực hóa các kết quả đã đạt được tại Cuộc gặp cấp cao người đứng đầu 3 đảng VN - Lào - Campuchia.
Ba Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục có các chính sách, biện pháp tạo thuận lợi và khuyến khích hơn nữa thương mại, đầu tư; chú trọng thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa 3 nước; đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, mở thêm các chuyến bay giữa 3 nước; kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng, hợp tác phát triển năng lượng sạch… Đặc biệt, hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Campuchia về sớm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Du lịch 3 nước tại Campuchia nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác du lịch giữa ba nước, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch "một hành trình, ba điểm đến".
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, hai bên thống nhất sớm đưa kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 25 tỉ USD thông qua tạo thuận lợi cho thị trường hàng hóa; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh, trong đó có hợp tác xuất khẩu gạo. Thủ tướng đề nghị Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch và phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác kết nối 3 nước, 4 nước trong lĩnh vực này. Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Thái Lan cho biết sẽ thăm chính thức VN trong năm 2024 và đồng chủ trì họp nội các chung lần thứ 4 giữa hai nước.
Ngày 17.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước ASEAN đang tham dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bày tỏ đang cho dịch những bài thơ hay của Hồ chủ tịch sang tiếng Malay. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ gửi tặng Thủ tướng Malaysia sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh và phát triển của VN.
Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah bày tỏ vui mừng sẽ thăm VN trong năm 2024, nhằm trao đổi về phương hướng tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và các biện pháp tăng cường hợp tác.
Bình luận (0)