Hai tuần kể từ sau khi siêu bão Sandy tràn vào Bờ Đông nước Mỹ, hàng chục ngàn người dân tại khu vực này vẫn phải chịu cảnh mất điện.
|
Nhiều gia đình có trang bị máy phát điện, nhưng vẫn không dùng được vì nguồn cung cấp xăng dầu trong khu vực bị thiên tai vẫn còn rất hạn chế.
Dùng rác thải sinh hoạt để tạo ra nhiên liệu
Tiến sĩ Philip Laible thuộc Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne cho biết, ông đã có giải pháp cho vấn để nói trên.
“Hãy hình dung là chúng ta có thể sở hữu lò phản ứng nhỏ, có khả năng tạo ra nhiên liệu. Số lượng nhiên liệu này có thể không hoàn toàn đủ cho toàn bộ hệ thống điện trong nhà, nhưng ít ra nó cũng sẽ giúp các nạn nhân chịu được thêm một khoảng thời gian nữa, và giảm khối lượng nhiên liệu phải chuyên chở đến chỗ họ”, tiến sĩ Laible phát biểu.
Tiến sĩ Laible và nhóm nghiên cứu của ông hiện đang nghiên cứu chế tạo một lò phản ứng sinh học, có khả năng sản xuất ra loại nhiên liệu giống với dầu diesel thông qua việc dùng vi khuẩn phân hủy rác thải mà nhóm nghiên cứu tạo ra.
“Loại vi khuẩn này ăn carbon từ môi trường và dùng năng lượng mà nó sản sinh trong quang hợp hoặc từ các nguồn khác từ môi trường để chuyển hóa thành nhiên liệu theo cơ chế mà chúng tôi đã thiết kế. Vi khuẩn này sẽ không giữ lại nhiên liệu mà chúng tạo ra bên trong cơ thể, chúng sẽ phun ra ngoài. Lượng nhiên liệu này sau đó sẽ được dùng cho các thiết bị chạy dầu diesel”, ông Philip Laible nói.
Hướng đi cho kỷ nguyên sản xuất nhiên liệu tại gia
Ông Laible cũng nói thêm rằng, không giống như các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống, loại nhiệu liệu do vi khuẩn tạo ra không cần phải tinh lọc lại, chúng có thể dùng ngay.
Ngoài ra, còn có một lợi thế khác là lò phản ứng sinh học tạo điện này có thể dùng rác thải sinh hoạt để tạo ra nhiên liệu.
Tiến sĩ Philip Laible cho hay: “Việc có thể sử dụng nhiều loại carbon khác nhau là một trong những thế mạnh của phương pháp sản xuất nhiên liệu này. Vi khuẩn mà chúng tôi tạo ra có thể tạo ra nhiên liệu từ rất nhiều thứ khác nhau”.
Vị tiến sĩ này còn cho biết quá trình biến rác thải thành nhiên liệu mất khoảng từ hai đến bốn ngày; tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông sẽ hoàn thiện một hệ thống có khả năng liên tục tạo ra nhiên liệu.
Hiện nghiên cứu của tiến sĩ Laible vẫn cần thêm vài năm nữa mới có thể thành một sản phẩm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường, nhưng ông khẳng định kỷ nguyên sản xuất nhiên liệu tại gia đang đến.
Hoàng Uy
Bình luận (0)