Kỷ nguyên 'tái chế' trên không gian

20/04/2021 10:00 GMT+7

Giờ đây, các vệ tinh có thể kéo dài tuổi thọ trên quỹ đạo trái đất nhờ một loạt công nghệ mới đã được nhà thầu quân sự Mỹ Northrop Grumman thử nghiệm thành công.

Đầu tuần trước, một phi thuyền rô bốt kích thước cỡ một xe du lịch nhỏ tiến gần một vệ tinh 6 tấn có tên IS-10-02 của Hãng Intelsat, đang hoạt động ở độ cao 36.000 km cách mặt đất. Khoảng cách của chúng thu hẹp dần cho đến khi kết nối với nhau. Phi thuyền tiếp cận là MEV-2 của Northrop Grumman, và vệ tinh của Intelsat thuộc dạng cung cấp dịch vụ viễn thông thương mại.

Kéo dài tuổi thọ cho vệ tinh

Theo chuyên trang Space, IS-10-02 là vệ tinh thuộc nhóm “cao tuổi”, được phóng lên quỹ đạo 17 năm trước và cung cấp dịch vụ truyền tải băng thông rộng cũng như những dịch vụ truyền thông khác tại khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, nó đang cạn kiệt nhiên liệu nghiêm trọng và khó có thể duy trì độ cao lâu hơn. Nếu không sớm được can thiệp, vệ tinh sẽ sớm bị Intelsat xử lý bằng cách đẩy vào quỹ đạo “nghĩa địa”, nơi tập trung các vệ tinh chết của địa cầu.

Nhật Bản phát triển vệ tinh bằng gỗ để giảm rác thải vũ trụ

Vì thế, Intelsat ký hợp đồng với Northrop để sử dụng dịch vụ kéo dài thời gian hoạt động cho các vệ tinh. Kết quả, MEV-2 ngày 15.8.2020 được phóng lên. Đến ngày 14.4, MEV-2 kết nối thành công với IS-10-02. Nhờ đó, vệ tinh của Intelsat sẽ tiếp tục hoạt động trong 5 năm tới. Ông Jean-Luc Froeliger, Phó tổng giám đốc Intelsat, cho hay bên cạnh chi phí thấp, việc chờ thêm 5 năm còn cho phép Intelsat thay thế vệ tinh IS-10-02 bằng phương tiện hiện đại và hiệu quả hơn.
Nếu Intelsat có thể tiếp tục sử dụng vệ tinh trong vài năm tới, Northrop đã trở thành hãng đầu tiên cung cấp dịch vụ “tiếp nối” sự sống cho các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất. Hồi năm ngoái, nhà thầu quân sự Mỹ đã ghi tên vào lịch sử khi phi thuyền đầu tiên MEV-1 kết nối một vệ tinh khác của Intelsat, đưa nó ra khỏi quỹ đạo “nghĩa địa” và hồi sinh thành công mục tiêu.

Cánh cửa mới

Điểm khác biệt giữa sứ mệnh MEV-1 và MEV-2 là phi thuyền thứ hai kết nối một vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo tấp nập hơn. Cả hai phi thuyền sẽ tách khỏi các vệ tinh của Intelsat vào năm 2025 và di chuyển đến những mục tiêu khác, trước khi về hưu vào năm 2035.

Mối đe dọa mới trên không gian: nổ rác thải vũ trụ

Northrop dự kiến nhắm đến những khách hàng kế tiếp sẽ là các chính phủ, đang tìm cách bảo vệ và kéo dài thời gian hoạt động của các tài sản có giá trị nhất (đồng thời nhiều khả năng thuộc nhóm hoạt động bí mật như tình báo, quân sự) trong không gian.
Để phục vụ mục tiêu trên, Northrop năm 2024 lên kế hoạch phóng một dạng phi thuyền rô bốt mới là MRV, có năng lực sửa chữa và kiểm tra các vệ tinh. Kế tiếp, hãng phát triển năng lực tiếp liệu và dọn rác xung quanh các vệ tinh có giá trị cao. Cuối cùng, vào thập niên 2030, nhà thầu Mỹ muốn sản xuất các linh kiện và lắp ráp cho các vệ tinh tại chỗ, trên quỹ đạo trái đất.
Nga rút khỏi ISS năm 2025
Đài Rossia 1 dẫn lời Phó thủ tướng Nga Yury Borisov cho hay Moscow sẽ rút khỏi dự án Trạm không gian quốc tế (ISS) vào năm 2025 và sẽ thông báo cho các đối tác về quyết định này. ISS đã được các cơ quan hàng không vũ trụ Nga và Mỹ phóng lên quỹ đạo năm 1998 và dự kiến sẽ về hưu vào khoảng năm 2030. Còn theo Interfax, Nga có kế hoạch xây dựng trạm không gian riêng với chi phí dự kiến khoảng 6 tỉ USD (138.444 tỉ đồng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.