Chia sẻ tại tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27.12, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá với thế và lực sau 40 năm đổi mới tích lũy được, đây là thời điểm chín muồi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Phân tích cụ thể hơn về quan điểm này, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận dù đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, với rất nhiều thách thức đón đợi, song sau gần 40 năm đổi mới, đã đến lúc chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình.
"Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ", ông Đáng nói.
Không đột phá sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Dẫn ra ví dụ của các nước trong khu vực đã đi trước và phát triển trước Việt Nam vài thập kỷ, nhưng sau đó rơi vào vòng luẩn quẩn, bẫy thu nhập trung bình, theo ông Đáng, nếu không bứt phá vươn lên, chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Khi đó, GDP bình quân đầu người có thể lên 8.000 - 9.000 USD nhưng không thể vượt qua 10.000 USD - tức chỉ ở mức thu nhập trung bình cao mà không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000 USD.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cụm từ "vươn mình" mà Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng như một sự nhắc nhở, cảnh báo chúng ta phải bứt phá, để hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 là thay đổi hẳn vị thế của quốc gia, của dân tộc trên trường quốc tế.
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phải nhận diện được các điểm nghẽn của điểm nghẽn, nếu không vượt qua thì "chẳng có kỷ nguyên nào cả, chẳng có vươn mình".
Song ông cũng cảnh báo, thoát khỏi cái cũ chưa chắc đã có cái mới. "Chúng ta biết là bỏ cơ chế xin - cho khó như thế nào, vẫn còn nhiều lắm, vẫn còn nặng nề lắm. Chưa bỏ được thì chẳng có cái mới nào thay cả", ông Thiên nói.
Từ Singapore, GS-TS Vũ Minh Khương chia sẻ "vươn mình" khiến ông liên tưởng đến hình tượng Thánh Gióng với 3 điểm: thứ nhất phải tìm đến người tài, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, phải suy nghĩ đột phá; thứ hai là phải dựa vào dân; thứ ba là dựa vào thế hệ trẻ", ông Khương nói.
Một ví dụ ông cho rằng rất hay là việc đưa tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son vào đội tuyển quốc gia Việt Nam. Điều đó làm cho mọi người cảm thấy có trách nhiệm với quê hương, đất nước và cũng tự vươn lên học tập người giỏi. Cũng như việc chúng ta mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để cộng hưởng hơn trong bối cảnh của từng lĩnh vực cụ thể.
Chúng ta thấy khóa XIII xử lý rất nhiều cán bộ đảng viên các cấp, kể cả cán bộ chủ chốt vi phạm kỷ luật phải xử lý. Thứ hai, trước đây lấy người để bố trí việc nên bộ máy cứ phình ra liên tục. Mỗi lần hô hào tinh giản biên chế nhưng lại "tăng ghế nhà ăn", càng ngày càng tăng. Rõ ràng vấn đề đặt ra hàng đầu là Đảng phải tự chỉnh đốn mình quyết liệt, đồng bộ để thực sự trở thành bộ tham mưu chính trị, là trí tuệ, là văn minh như Bác Hồ nói.
Đảng phải tự đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, không thể lãnh đạo theo cách cũ nữa. Vấn đề rất lớn cấp thiết khác là cùng với quá trình "vừa chạy vừa xếp hàng" về cải cách tinh gọn bộ máy, thì cũng phải làm rất quyết liệt, rất khẩn trương việc đổi mới phương thức lãnh đạo của từng cấp ủy, của từng bí thư đến từng đảng viên, từng tổ chức đảng.
(PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư)
Bình luận (0)