Kỳ nhân làng võ - Kỳ 15: Cao thủ Tây Sơn Nhạn

18/05/2014 00:24 GMT+7

Vào thập niên 1960 - 1970 của thế kỷ trước, võ đường Nguyễn Văn Mách nức tiếng làng võ Sài Gòn - Chợ Lớn bởi đào tạo nhiều võ sĩ giỏi. Không ít tay đấm khi bắt thăm biết sẽ phải “đụng” cao đồ Tây Sơn Nhạn đành “cáo bệnh” xin rút lui.

Vào thập niên 1960 - 1970 của thế kỷ trước, võ đường Nguyễn Văn Mách nức tiếng làng võ Sài Gòn - Chợ Lớn bởi đào tạo nhiều võ sĩ giỏi. Không ít tay đấm khi bắt thăm biết sẽ phải “đụng” cao đồ Tây Sơn Nhạn đành “cáo bệnh” xin rút lui.

>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 14: Thầy 'võ gà' ở chợ Rạch Ông
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 13: Tay đấm hạ knock-out võ sĩ Thái Lan
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 12: Độc chiến giang hồ cầu Muối

 
Võ sư Nguyễn Văn Mách - Ảnh: tư liệu

Quyền sư Mười Mách tên thật là Nguyễn Văn Mách sinh năm 1921 tại Bình Đăng (Q.8 ngày nay), tính vốn cương trực và “nóng như Trương Phi”. Ham thích võ thuật từ bé, gia đình lại khá giả nên Mười Mách học với nhiều thầy võ từ võ Hẹ, võ Tiều, võ Kinh đến Võ Lâm (môn võ miệt vườn không phải võ Thiếu Lâm) trước khi bái cao thủ Tây Sơn Nhạn Bùi Văn Hóa (Chín Hóa) làm sư phụ tại ga Xóm Thuốc (Q.Gò Vấp).

Nhằm trau dồi kỹ năng đấu đài, Mười Mách học thêm quyền anh với võ sư Din Chi Fong (gần Bệnh viện Chợ Rẫy) và trận thượng đài đầu tiên, ông đã oanh liệt hạ K.O tay đấm kỳ cựu Hồng Sơn tại rạp hát Cách Chung (Xóm Củi, Q.8). Lối thi đấu trầm tĩnh, khôn ngoan, đòn thế là sự pha trộn giữa “boxing” và cước pháp Tây Sơn Nhạn, võ sĩ trẻ Nguyễn Văn Mách đã lần lượt hạ bệ nhiều tượng đài lúc bấy giờ như Dương Văn Quảng, Cao Thành Sang, Trịnh Tấn Mùi, Lê Quang Đại, Huỳnh Long bằng tuyệt kỹ Bình Sa Lạc Nhạn danh bất hư truyền, hòa “trên cơ” các tay đấm đàn anh Hổ Bạch Ân, Nguyễn Son, La Khôn, Trịnh Thiếu Anh và chỉ chịu thua điểm sít sao danh sư Lư Hòa Phát trong một trận quyền tự do “máu loang sàn đấu” tại võ đài Lệ Chí năm 1949.

Tháng 4.1954, ông Mười Mách lúc này là nhân viên Sở Cứu hỏa Đô thành rước sư phụ Chín Hóa về phụng dưỡng tại 258/5 Trần Hưng Đạo, Q.1. Tại đây, danh sư Tây Sơn Nhạn tiếp tục đào tạo nhiều môn đệ giỏi. Bốn năm sau (1958), cao thủ Bùi Văn Hóa qua đời, trưởng tràng Ba Liễn đảm nhiệm chưởng môn được hai năm (1960 - 1962) thì phát nguyện đi tu, quyền sư Mười Mách được hội đồng Tây Sơn Nhạn bầu làm chưởng môn đời thứ hai.

Năm 1964, quyền sư Mười Mách gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật VN và sáng lập võ đường Nguyễn Văn Mách (143 Mạc Vân - gần cầu Nhị Thiên Đường và 279 bến Nguyễn Văn Thành) đào tạo võ sĩ đấu đài. Ông đã cho ra “lò” nhiều tay đấm lừng lẫy và đều kèm chữ “Nhạn” như Cao Sơn Nhạn, Phi Sơn Nhạn (Lê Văn Lắm), Lâm Nhạn, Hồng Yến Nhạn, Hồng Vân Nhạn, Hùng Nhạn (HCV quyền anh 1970), Cường Nhạn, Hắc Nhạn, Hồng Huệ Nhạn, Hồng Ẩn Nhạn, Hồng Liệt Nhạn, Cẩm Nhạn, Hà Quang Nhạn, Phong Nhạn, Hồng Có Nhạn, Bảo Sơn Nhạn (vô địch quyền tự do 1973), Văn Ba (vô địch quyền anh 1970), Văn Dũng… Thời gian đầu, chưa có võ sĩ giỏi, sư đệ Mười Mách là Đặng Văn Anh qua đánh tăng cường với biệt danh Phi Vân Nhạn.

Thế hệ võ sĩ đầu tiên của võ đường Nguyễn Văn Mách là Bửu Long Tam Nhạn gồm Hồng Nhạn (Nguyễn Văn Điều, con trai thứ tư của quyền sư Mười Mách), Tam Nhạn (Ba Nhạn, hiện định cư ở Đồng Nai) và Bạch Nhạn (tài xế kiêm cận vệ Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu), lớp tiếp sau gồm Đông Nhạn (Nguyễn Văn Quang), Tây Nhạn (Nguyễn Văn Hảo), Nam Nhạn (Nguyễn Văn Nam), Nguyễn Văn Hoài (người Việt lai Ấn).

Võ sư Tô Đình Thanh (tức cựu võ sĩ Xuyên Sơn Nhạn) cho biết: “Võ đài sân Tinh Võ giai đoạn 1960 - 1970 lừng lẫy danh tiếng “Nhất Hổ, nhì Miêu, tam Trừ, tứ Tính” - bốn “sát thủ” của “lò” Nguyễn Văn Mách. Nếu Nhất Hổ (Lý Sơn Phi Hổ) có lối tấn công bạo liệt như hổ vồ mồi thì Tám Miêu (Nguyễn Văn Miêu) áp dụng kiểu đánh mưu mẹo, rình rập như “mèo vờn chuột”, Sáu Trừ (Ngô Văn Trừ) thường khai triển ngọn cước uy lực dũng mãnh “nhanh như điện” thì Tư Tính (Nguyễn Văn Tính) có độc chiêu “bay người cắm gối” khiến nhiều tay đấm sừng sỏ dính cú này đều bị đo đài!”.

Nếu như danh sư Bùi Văn Hóa có công khai hóa Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn thì võ sư Nguyễn Văn Mách là người có công lớn phát dương võ phái lớn mạnh. Trước 1975, chỉ riêng tại Sài Gòn có đến 6 hệ thống võ đường Tây Sơn Nhạn, thu hút hàng ngàn môn sinh tham gia tập luyện. Sau ngày đất nước thống nhất, quyền sư Nguyễn Văn Mách lập nghiệp tại huyện Long Thành (Đồng Nai) cho đến khi tạ thế vào năm 1990, hưởng thọ 69 tuổi. Võ sư Tô Đình Thanh kế thừa chức chưởng môn đời thứ 3, tiếp tục phát dương võ phái Thiếu Lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn 

Ngọc Thiện

>> Lê Văn Nghĩa: Võ sư - Diễn viên - Doanh nhân
>> Cố võ sư Quách Văn Kế và... Lam Sơn võ đạo
>> Nữ võ sư đoạt cúp vàng vì cộng đồng
>> Lão võ sư Phạm Đình Trọng: Một thời ngang dọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.