>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 5: 20 năm làm “người rừng”
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 4: Nhà thơ “quái”
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 3: Người không tay chơi đàn và nhà thơ mù
Dùng lưỡi xỏ kim
Năm 2010, Nguyễn Phi Châu được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao giấy xác lập và biểu tượng kỷ lục: Người có khả năng vẽ tranh kết hợp giữa tay - chân - miệng cùng lúc nhiều nhất. Chưa thỏa chí khám phá bản thân, Châu tiếp tục rèn luyện và sáng tạo thêm nhiều khả năng “kỳ dị”. Một trong những khả năng “quái” nhất mới được Châu công bố là xỏ kim bằng các bộ phận cơ thể như: chân, cùi chỏ, khuỷu gối, cần cổ..., đặc biệt là xỏ nhiều kim cùng lúc bằng lưỡi.
Để chúng tôi được “mục sở thị”, Châu mở tủ lấy 3 cây kim (loại nhỏ dùng để may quần áo bằng tay), xếp ngay ngắn rồi đưa đầu có khe luồn cùng một cọng chỉ vào miệng. Sau vài giây bặm môi, mắt lim dim, lưỡi lia qua, lia lại Châu đã xỏ được cọng chỉ qua 3 cây kim. Cứ như thế, như một trò ảo thuật, trong vòng 1 phút Châu đã lần lượt xỏ chỉ được 15 cây kim bằng lưỡi.
|
Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, Châu hóm hỉnh nói: “Tôi cũng không nhìn thấy và không biết cọng chỉ xỏ qua kim thế nào. Để tôi biểu diễn xỏ kim bằng chân và cùi chỏ, khuỷu gối cho dễ thấy”. Nói xong, Châu lấy chân phải quắp cây kim, chân trái quắp cọng chỉ rồi xỏ qua lỗ kim một cách dễ dàng. Rồi Châu cắm cây kim xuống bàn, dùng cùi chỏ, khuỷu gối kẹp cọng chỉ và luồn qua lỗ kim. Thao tác của Châu diễn ra rất thuần thục, thậm chí nhanh hơn người bình thường xỏ kim bằng tay.
Kể về quá trình tập luyện này, Châu chia sẻ: “Sử dụng chân để xỏ kim thì tôi làm được ngay vì tay làm được gì thì chân cũng làm được đó. Còn xỏ bằng lưỡi, nhìn đơn giản vậy chứ phải tập gần 2 năm mới làm được. Khi xỏ phải tập trung tinh thần và cảm giác được khoảng cách giữa chỉ và kim mới có thể lùa cọng chỉ chính xác theo ý mình”. “Quái chiêu” này đã được Châu đăng ký kỷ lục Guinness Việt Nam và hiện đang chờ Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xét chọn.
Vẽ tranh trên hạt gạo
Biểu diễn xỏ kim xong, Châu tiếp tục giới thiệu: “Mới đây tôi đã tập vẽ tranh bằng cách dùng cùi chỏ, khuỷu gối cặp cây cọ, bịt mắt vẽ tranh hay kết hợp vẽ cùng lúc bằng cả hai tay, hai chân và miệng”. Châu mở tủ, khệ nệ ôm ra hàng trăm bức tranh được thể hiện bằng đủ các chất liệu như sơn nước, chì sáp, bút chì, bút bi... Nhìn những bức tranh có đường nét mềm mại, tỉ mỉ như: Rồng phụng, Long hổ tranh hùng, Mục đồng thổi sáo, Chân dung thiếu nữ, Đồng quê Nam bộ..., ít ai nghĩ nó được vẽ bằng miệng, chân, cùi chỏ, khuỷu gối. Đặc biệt có khoảng 10 bức tranh phong cảnh được Châu vẽ bằng chân, hai tay trong khi mắt bị bịt kín.
Để trổ tài, Châu bày đồ nghề ra nền nhà, dùng chân pha màu sơn, sau đó dùng hai chân quắp 2 cây bút chì, hai tay cầm 2 cây viết, miệng ngậm thêm 1 cây nữa rồi cùng vẽ. Với 5 ngòi bút chì cùng vẽ, chỉ trong 15 phút Châu đã phác thảo xong bức Chúa sơ lâm. Đến công đoạn tô màu, hai tay Châu cầm 10 cây cọ, chân 2 cây, miệng 1 cây để cùng tô. Sau khoảng 2 giờ miệt mài, Châu đã hoàn thành bức tranh khổ 40x60 cm đầy màu sắc và đẹp mắt.
Bộ sưu tập độc nhất của Nguyễn Phi Châu gồm những bức tranh, thư pháp thể hiện trên hạt gạo. Bộ sưu tập có khoảng 200 tác phẩm (điêu khắc và vẽ siêu nhỏ) được thể hiện bằng những dụng cụ tự chế độc đáo. Mỗi tác phẩm được Châu lưu giữ cẩn thận trong các keo lọ mini xinh xắn. Để làm được những tác phẩm tí hon này phải rất tỉ mỉ, chính xác. Có tác phẩm như thư pháp, hoa hồng… Châu chỉ mất 15 phút, nhưng những tác phẩm về Bác Hồ, chùa Một Cột, Lý Thái Tổ… phải mất 3 ngày. Ngoài ra, độc đáo không kém là bộ sưu tập tranh, thư pháp trên sỏi; trong đó có các tác phẩm độc đáo như tranh phong cảnh núi rừng, văn miếu Quốc Tử Giám, chùa Một Cột...
Cùng với xỏ kim bằng nhiều bộ phận, Châu cũng đang chờ xét kỷ lục Guinness Việt Nam về điêu khắc trên gạo bằng chân. “Nhiều người thấy tôi được công nhận kỷ lục tưởng được thưởng nhiều lắm. Thật ra tôi làm vì niềm đam mê thôi chứ lần nào đi biểu diễn đều phải tự bỏ tiền túi ra. Tôi chưa có điều kiện làm riêng nên thu nhập hằng tháng chỉ đủ sống, nhưng bù lại là được thỏa đam mê, sáng tạo của mình”, Châu chia sẻ.
Nhờ có những biệt tài khéo léo, kỳ dị nên Châu sống bằng nghề liên quan đến hội họa, điêu khắc. Thậm chí Châu còn bỏ luôn công việc của một kỹ sư tin học để làm trang trí cho các công ty xây dựng. Châu hiện là một trong những người làm tranh sỏi, đá, cát; khắc phù điêu trên tường; đắp tượng xi măng; làm hòn non bộ… có tiếng ở Cần Thơ.
Đình Tuyển
Bình luận (0)