Kỷ niệm 1.010 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Hoàn

26/04/2015 20:10 GMT+7

(TNO) Hôm nay 26.4 (8.3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Lê Hoàn (xã Xuân Lập, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã diễn ra lễ Kỷ niệm 1.010 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Hoàn - Lê Đại Hành Hoàng đế (8.3 năm Ất Tỵ 1005-8.3 năm Ất Mùi 2015) và khai mạc Lễ hội Lê Hoàn 2015.

(TNO) Hôm nay 26.4 (8.3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Lê Hoàn (xã Xuân Lập, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã diễn ra lễ Kỷ niệm 1.010 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Hoàn - Lê Đại Hành Hoàng đế (8.3 năm Ất Tỵ 1005-8.3 năm Ất Mùi 2015) và khai mạc Lễ hội Lê Hoàn 2015.

Hàng vạn du khách thập phương tham dự lễ hội Lê Hoàn năm 2015 - Ảnh: Ngọc MinhHàng vạn du khách thập phương tham dự lễ hội Lê Hoàn năm 2015 - Ảnh: Ngọc Minh
Các sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách thập phương và nhân dân địa phương. Phần lễ kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Hoàn bắt đầu bằng lễ dâng hương, rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Hoàn và các tướng lĩnh.
Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc mang tên "Lê Đại Hành Hoàng đế - Chiến công ghi mãi ngàn năm" do các diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa và các đội văn nghệ quần chúng H.Thọ Xuân trình diễn.
Chương trình nghệ thuật đã nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn, chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững mạnh, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội...
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội Lê Hoàn 2015 - Ảnh: Ngọc MinhCác tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội Lê Hoàn 2015 - Ảnh: Ngọc Minh
Lễ hội Lê Hoàn diễn ra trong 3 ngày (từ 25 đến 27.4) với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: hội thi dựng trại binh thời Lê, các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu vật, kéo co, cờ tướng, thi làm bánh lá răng bừa.
Theo sử sách để lại, Lê Đại Hành Hoàng đế (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm 941 tại làng Trung Lập thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, H.Thọ Xuân). Năm 16 tuổi, ông tham gia giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã phong ông chức Thập đạo tướng quân, chỉ huy toàn bộ quân đội.
Năm 979, sau khi Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, con trai vua Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, Lê Hoàn được triều đình cử làm nhiếp chính. Khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, Lê Hoàn được tướng sĩ ủng hộ và được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào, suy tôn ông lên ngôi Hoàng đế năm 980.
Lê Đại Hành Hoàng đế là người đã có công lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng chính quyền nước Đại Cồ Việt vững mạnh ở thế kỷ X. Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Hằng năm cứ vào ngày 8.3 âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn của vị vua hiền có công “phá Tống, bình Chiêm”, giữ vững giang sơn, xã tắc. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất ở Thanh Hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.