Kỷ niệm 50 năm "Đề cương Cách mạng miền Nam", nhớ đồng chí Lê Duẩn

15/08/2006 22:45 GMT+7

4. Tiếp tục tìm tòi và suy nghĩ về con đường xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo Di chúc của Bác Hồ Tôi nhớ mãi hình ảnh đầy xúc động của anh Ba khi xuống thang máy bay tại Tân Sơn Nhất, anh Ba Duẩn dừng lại nói to với mọi người ra đón anh và Bác Tôn: "Chiến công này là chiến công chung của cả dân tộc, của các anh hùng, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã hy sinh. Không của riêng ai".

Lời nói ấy chứa đựng tinh thần của toàn dân phấn đấu hy sinh vì độc lập thống nhất, có âm vang của thiên anh hùng ca bằng lòng nhân ái bao la. Đó là lời nói thấm trong hành động, từng ngày đêm trên rừng núi chiến khu, ngoài bưng biền kinh rạch, nơi làng xóm thôn ấp, trong phố phường thành thị, ở chính giữa lòng dân.

Chặng đường tiếp theo, anh Ba tiếp tục những tìm tòi, suy nghĩ, thử nghiệm từ hàng chục năm trước ngay trong thời chiến về con đường và cách làm của dân tộc Việt Nam ta để xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trăn trở để cải thiện đời sống của đồng bào vốn đã phải chịu đựng thiếu thốn, hy sinh quá lớn trong chiến tranh, bù đắp những hy sinh mất mát của mọi tầng lớp nhân dân ở cả hai miền Nam, Bắc. Đáp ứng và cải thiện đời sống của dân đối với anh Ba là yêu cầu cháy bỏng, làm sao sớm ra khỏi cái nghèo, anh luôn nhắc nhở phải lo từ miếng cơm manh áo cho mọi người, hộp sữa cho trẻ em, thuốc thang cho người già... Đất nước bao nhiêu năm mới ra khỏi cái nghèo, 15 năm hay 20 năm, và bằng cách nào theo kịp thiên hạ. Nhưng anh Ba lại không khuyến khích dập khuôn theo mô hình sẵn có nào. Ngay như hợp tác hóa ở miền Bắc, anh cũng nhắc không nên áp dụng ở miền Nam.

Chúng tôi là người trong cuộc, phải lo toan gánh vác công việc của những người giữ trọng trách ở một thành phố lớn với mấy triệu dân những năm đầu sau giải phóng, tôi hiểu rõ những cam go khó vượt qua một cách suôn sẻ, thậm chí có lúc tưởng như không thể vượt qua nổi. Trong bối cảnh đó, tôi hiểu được những tìm tòi của anh Ba nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình hình kinh tế và đời sống quá khó khăn sau ngót nửa thế kỷ chiến tranh. Trong nhiều lần nhận xét và chỉ đạo những công việc chúng tôi đang tiến hành tại TP.HCM, anh Ba nêu rất nhiều gợi ý hết sức mạnh dạn. Những ý kiến chỉ đạo của anh thể hiện rõ anh đang trăn trở về con đường phát triển của đất nước. Cũng như trước đây trong chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng, anh thường tự nhủ và nhắc chúng tôi: lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề.

Anh không tán thành mô hình Xô viết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em và suy ngẫm về lý luận, anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà nước "chuyên chính vô sản" khi mà nhân dân đã giành được quyền làm chủ đất nước bằng những hy sinh không sao kể xiết. Không thể "vô sản" lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân. Tư tưởng về "làm chủ tập thể" mà anh nung nấu chính là sự cố gắng tìm đường bứt phá ra khỏi những công thức giáo điều không phản ánh được sự vận động và biến đổi của cuộc sống, xa rời ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đọc lại những bài viết của anh Ba Duẩn từ sau năm 1975, nhớ lại những quan điểm và ý tưởng mà rất nhiều lần anh nói đi, nói lại trong khi làm việc với cấp ủy Đảng, với các cán bộ những nơi anh tới thăm, tôi nhận thấy trong tư duy của anh đã và đang có phần hình thành một hệ thống suy nghĩ về đường lối xây dựng đất nước. Đó là đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, vận dụng các giá trị tốt đẹp của dân tộc và các thành quả tinh hoa của loài người. Có thể tóm tắt một số ý để minh chứng những suy nghĩ đó của anh:

- Dân chủ đến mức thực sự nhân dân làm chủ, con người làm chủ tập thể.

- Phát huy dân tộc và phát huy cá nhân từng người.

- Vận dụng thị trường để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cả giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa đều là mục đích của hoạt động kinh tế. Rất coi trọng giá cả, tài chính, tiền tệ, thương nghiệp.

- Quá trình tạo dựng xã hội mới là quá trình nảy sinh chứ không phải chỉ là quá độ. Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Bừng nở toàn thân nền kinh tế và xã hội ở mọi cấp độ. Có những ngành (như nông nghiệp, nhiều ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp) đi lên CNXH theo một con đường mới, không qua quốc doanh, không tập thể hóa kiểu nông trang tập thể Liên Xô hoặc công xã nhân dân Trung Quốc, cũng không phải kiểu hợp tác xã nước ta như ở miền Bắc trước khi giải phóng miền Nam.

- Cách mạng khoa học kỹ thuật (nay ta nói là cách mạng khoa học và công nghệ) là then chốt, nhiều thành quả lớn là ở phương Tây, cần tranh thủ nắm và vận dụng những thành quả ấy.

- Kinh tế và thị trường toàn thế giới là một thực tế đang phát triển, phải sống với thực tế ấy, biết thích nghi, tranh thủ mọi thời cơ và nguồn lực. Chủ nghĩa tư bản hiện đại có những thành quả rất quan trọng. Phải tìm cách học nhanh những thành quả ấy.

- Văn hóa và tri thức của loài người giàu có, phong phú lên rất nhiều, rất nhanh, tạo ra những chuyển biến lớn, thấm sâu vào chính trị và kinh tế, vào đời sống xã hội. Phải vươn lên văn hóa và tri thức tiên tiến.

- Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng và an ninh bằng lòng dân, sức dân, bằng dân làm chủ, bằng chiến tranh nhân dân, bằng chính sách đối ngoại vững vàng, mềm dẻo.

- Đảng lãnh đạo, Đảng không cai trị, Đảng phát huy Nhà nước là công cụ chủ yếu, sắc bén nhất để dân làm chủ. Người Tổng bí thư suốt đời chỉ làm công tác Đảng lại luôn luôn tôn trọng và đòi hỏi phát huy Nhà nước.

- Đảng viên nhất thiết không được quan liêu, sách nhiễu và ăn cắp của dân. Đưa ngay những kẻ như vậy ra khỏi Đảng.

- Con người Việt Nam là con người của lẽ phải và tình thương, tình thương và lẽ phải.

Qua quá trình dài làm việc dưới sự lãnh đạo và được gần gũi anh Ba Duẩn, tôi chứng minh thêm về dòng suy nghĩ gần như nhất quán trong tư duy của anh: Anh là người đứng đầu của Đảng, nhưng chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là sự quan tâm nhiều của anh, và anh cũng không coi đó là một thứ động lực cho sự phát triển, là nhân tố đưa đất nước ra khỏi cái nghèo và lạc hậu. Thực tế lại ngày càng ngược lại, làm nỗi băn khoăn của anh càng nhiều hơn. Trong hoàn cảnh gần như bế tắc đó, anh là người khuyến khích những mô hình tháo gỡ, cởi trói trong công, nông nghiệp. Trước những bức xúc gay gắt ở TP.HCM phải lo từng bữa ăn cho dân mặc dù nằm bên cạnh vựa lúa, vựa cá và vựa rau (Đà Lạt), chúng tôi, một số đồng chí Trung ương ủy viên trong vùng, bàn nhau, anh em cử tôi ra Trung ương đề nghị cho khoán thử 3 năm, đóng góp đủ theo những chỉ tiêu gộp lại của cả vùng từng năm cho Trung ương. Tôi gặp, trình bày với anh Ba. Anh tán thành và bảo nên trình bày với số anh lãnh đạo khác, kết quả không được đồng ý. Sau đó, Thành ủy giao tôi tranh thủ báo cáo xin cho thành phố và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ khoán riêng về lương thực, anh Ba tán thành nhưng số anh lãnh đạo khác cũng không đồng ý.

Khi tôi ra Trung ương phụ trách kế hoạch, tuổi tác anh Ba đã cao, sức khỏe anh đã sút nhiều. Người lãnh đạo kiệt xuất với tư duy khám phá và sáng tạo, với lòng tin mãnh liệt đất nước phải sánh vai với thiên hạ, không chịu theo khuôn mẫu sẵn của bất cứ thứ giáo điều nào, vậy mà đành chấp nhận không thành công trong xây dựng đất nước.

Lúc đó, một yêu cầu hết sức tối thiểu được đặt ra là nhân dân thủ đô Hà Nội "phải có dự trữ gạo đủ 2 tháng ăn". Đó như một mệnh lệnh thiết tha cho Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đó là nỗi đau còn lại ở tôi đối với anh Ba, trước khi anh ra đi, tôi vẫn chưa lo nổi 2 tháng dự trữ gạo cho thủ đô Hà Nội. Đó là sự bất lực một cách vô lý, hậu quả của một cơ chế giáo điều - tự mình "ngăn sông cấm chợ". Đến khi đất nước bắt đầu đổi mới, chỉ một cái lệnh xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, lưu thông tự do thì tức thời Hà Nội không cần dự trữ 2 tháng ăn, từ đó đến nay, không lúc nào lương thực thiếu cho Hà Nội.

Với bằng ấy sự việc tóm tắt nêu trên, tôi xin được khẳng định đồng chí Lê Duẩn không phải là nhà lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, qua thực tiễn xuyên suốt đủ chứng tỏ anh là người luôn tìm tòi sáng tạo và tư duy luôn đổi mới. Nhưng với vị trí Tổng bí thư của mình, anh cũng không đột phá nổi độ dày của bảo thủ, giáo điều, đường mòn, xơ cứng như ý kiến của anh Việt Phương trong bài Thủ tướng giữ bản thảo cho nhà triết học trên Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ra ngày 4/6/2006, đó là chưa kể lại thêm mấy cái mũ "xét lại" trong "phe" như Nam Tư, Khơrusốp...

Ngay như TP.HCM có lúc chỉ tháo gỡ, cởi trói chưa là cái gì, mà đã có luồng dư luận "bước xuống Tân Sơn Nhất là bay mùi Nam Tư". Mãi đến sau này, gần chục năm đổi mới, hệ thống XHCN, Liên Xô, Đông u đã tan rã, vẫn còn cái bóng đen vô hình và một "thế lực" cùng số "ăn theo" luôn đe dọa nhịp độ đổi mới...

Nhớ anh Ba, cảm thông sâu sắc với người lãnh đạo kiệt xuất đáng được tôn kính, người học trò tuyệt đối trung thành và xuất sắc nhất của Bác Hồ kính yêu, chúng ta cần đánh giá đúng về anh. Nhưng cũng không thể xem nhẹ trách nhiệm của anh về những sai lầm sau 10 năm đất nước thống nhất. Đó là những bài học rất đau của Đảng, đã kéo dài thêm cái nghèo của đất nước. Chắc chắn rằng ở nơi chín suối anh Ba còn đau gấp bội, bởi lúc ấy anh là người đứng đầu, càng đau hơn bởi đó không phải là tư duy của anh. Để làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lớn ấy trong lịch sử (kể cả một số vấn đề trong Đại hội lần thứ IV của Đảng), nhằm đúc kết bài học cho những thế hệ hôm nay và mai sau, không thể là những phát biểu tùy tiện, mà phải là những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc với tinh thần trung thực và khách quan.

Năm tháng đã trôi qua, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động nghĩ đến một con người mãi mãi chiếm giữ trong tim óc tôi một vị trí thật thiêng liêng và gần gũi, những hình ảnh thân thiết nhất, cảm phục nhất, có sức động viên và nâng tôi lên chính là hình ảnh của đồng chí Lê Duẩn, anh Ba Duẩn kính mến.

Võ Văn Kiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.