Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN: Ký ức của một phóng viên chiến trường

20/06/2014 08:58 GMT+7

Trong chiến tranh, những người phóng viên cũng là những người lính. Vũ khí của họ chính là những tin chiến thắng, những bài ghi nhanh về trận đánh, những bài viết ca ngợi lòng dũng cảm, mưu trí, gan dạ của của cán bộ chiến sĩ trên khắp các mặt trận.

Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN: Ký ức của một phóng viên chiến trường
Ông Bảy với niềm đam mê chụp hình - Ảnh: Huy Anh

Trong căn nhà rợp bóng cây xanh tại P.Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), ông Nguyễn Trung Hiếu, năm nay tròn 70 tuổi (tên thường gọi thân mật là ông Bảy) nguyên giám đốc Đài PT-TH Bình Dương rất hào hứng khi nói về những năm tháng làm báo thời chiến tranh. Với ông, đó là cả một quãng đời hừng hực khí thế, hừng hực tuổi xuân cống hiến cho quê hương, đất nước.

Thoát ly theo cách mạng, ông Bảy được chuyển về đơn vị thông tin của Quân khu VI. Ông là phóng viên chiến trường, kiêm trưởng phân xã Thông tấn xã (TTX) Giải Phóng, điện báo viên, kiêm trưởng đài vô tuyến điện thuộc Phân khu 10. Mỗi lần có sự kiện gì ở chiến trường hay trên mặt trận ngoại giao, binh vận thì ông trực tiếp đánh lên máy và truyền về phát sóng trên Việt Nam TTX (nay là TTX Việt Nam) và TTX Giải Phóng (LPA) lúc bấy giờ. Những công cụ phục vụ cho công việc  như máy chụp hình, máy quay phim luôn được ông giữ gìn cẩn thận bên mình và coi như báu vật.

Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN: Ký ức của một phóng viên chiến trường
Ông Bảy bên chiếc máy vô tuyến điện thời chiến tranh - Ảnh: Huy Anh

Trầm ngâm một lúc, ông Bảy nhớ đến chiếc máy vô tuyến điện 15W hiệu RT77 – GRC915W  được cấp trên cấp giao cho ông sử dụng (năm 2012, ông đã hiến tặng chiếc điện đài này cho Bảo tàng lịch sử Quân sự VN). Đây là chiến lợi phẩm thu được của quân địch trong chiến dịch Xuân – Hè 1965 tại trận đánh Tánh Linh – Hoài Đức (Bình Thuận). Ông Bảy kể: “Bộ đội ta thường làm máy điện đài bằng cách lấy những trái bom địch ném xuống, cưa lấy sắt, gò thân máy, nhờ bà con mua linh kiện điện tử về lắp ráp. Một máy điện đài tự chế như vậy có công suất khoảng 5W, đường truyền thông tin có thể từ trong Nam ra Bắc được nhưng hơi yếu và hay bị lộ tin”. Chiếc máy điện đài được nhận từ cấp trên ngoài việc giúp ông nhận, phân tích, xử lý thông tin một cách nhanh chóng còn giúp ông “chèn sóng” của địch. Nhờ đó, thông tin được truyền đi nhanh, đảm bảo bí mật tuyệt đối. “Một phóng viên chiến trường ngoài nhiệm vụ ghi nhận thông tin thực địa chính xác thì cần biết cách truyền tin đi nhanh nhất để đài T.Ư phát tin chiến thắng cho toàn quân, toàn dân biết. Đây không chỉ là sự cổ vũ tinh thần chiến sĩ trên các mặt trận mà còn giúp các nhà quân sự nhanh chóng đưa ra phương án tác chiến tiếp theo”, ông Bảy chia sẻ.

Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông Bảy luôn ghi nhớ những lời căn dặn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Làm báo chiến trường ngoài việc truyền tin chính xác, kịp thời thì cần bình luận. Trong bình luận cần đánh giá ý nghĩa, tầm vóc của trận đánh, khẳng định vai trò, ý ngĩa thắng lợi của trận đánh để cổ động tinh thần quân dân và làm cho đối phương hoang mang”. Ông Bảy cho biết chính nhờ được tiếp xúc với một vị đại tướng tài ba Nguyễn Chí Thanh mà ông hiểu rằng mỗi phóng viên chiến trường ngoài sự dũng cảm, tiên phong trên mọi tuyến lửa còn phải hiểu rõ về cuộc chiến tranh và nghệ thuật quân sự. Mỗi tin bài của phóng viên chiến trường phải thực sự là vũ khí lợi lại góp phần làm lung lay ý chí chiến đấu của đối phương.

Huy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.