Kỷ niệm Cứu quốc quân: Bắc Sơn khởi nghĩa

16/12/2021 07:00 GMT+7

Thượng tướng Chu Văn Tấn , nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên (8.1945), là một trong những người chỉ huy quân sự thế hệ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội Cứu quốc quân do ông làm Chỉ huy trưởng, là một trong những tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, được sự đồng ý của gia đình Thượng tướng Chu Văn Tấn, Thanh Niên xin trích đăng hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân của ông.

Ngày 22.9.1940, phát xít Nhật đem quân tiến đánh Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân đổ bộ lên Đồ Sơn (gần Hải Phòng). Sau vài trận thử sức ở vùng biên giới Việt - Trung, quân đội Pháp ươn hèn bỏ chạy. Tên toàn quyền Đờ-cu vội vã theo gương đồng bọn của chúng ở Pháp quỳ gối đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật. Từ đây, nhân dân Việt Nam bị hai kẻ thù là phát xít Pháp và phát xít Nhật thống trị. Đứng trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam chỉ có một con đường là vùng lên đấu tranh để tự cứu mình.

Tượng đài Du kích Bắc Sơn

Tư liệu

Vùng Bắc Sơn - Võ Nhai, nơi có phong trào cách mạng từ lâu, cũng bị khủng bố. Một số đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Nhưng cơ sở Đảng và tổ chức cách mạng vẫn tồn tại và phát triển.

Khi quân Nhật đánh Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy qua đường Bình Gia, Bắc Sơn, về Thái Nguyên. Hệ thống chính quyền của địch ở những vùng quân Pháp chạy qua đều lung lay dữ: tri châu Thất Khê bỏ trốn; tri châu Na Sầm bị dân bắt; tên đại lý Pháp ở Bình Gia vứt cả súng đạn, bỏ đồn, chạy trốn. Khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục. Nhiều người phục kích lính địch để cướp súng. Một số tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng, lính khố xanh, khố đỏ ngả theo cách mạng. Một số đảng viên cộng sản người Bắc Sơn - Võ Nhai bị giam trong nhà tù Lạng Sơn từ năm 1939 như các đồng chí Nông Thái Long, Vương Văn Nè (tức Thánh), Ruệ, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư… vượt ngục, thoát về. Các đồng chí này cùng với các đồng chí ở địa phương họp vào sáng 27.9.1940 để nhận định tình hình, quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang, thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa, chỉ định Ban phụ trách đánh đồn Mỏ Nhài.

Đúng 8 giờ tối, quân khởi nghĩa chia làm 3 mũi tiến công đồn Mỏ Nhài (tức châu lỵ Bắc Sơn). Cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Sau hơn 10 phút kịch chiến, tri châu và lính đồn chạy trốn, quân khởi nghĩa chiếm được châu lỵ.

Được tin chiến thắng, đồng bào các dân tộc nô nức kéo tới chân đồn Mỏ Nhài, họp thành một cuộc mít tinh lớn. Đồng chí đại diện Ban chỉ huy khởi nghĩa báo cáo trước quần chúng kết quả trận đầu, tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc. Tức khắc, bao nhiêu sổ sách, giấy tờ, bằng, triện của địch được đem ra đốt ngay trước quần chúng. Ai nấy vô cùng sung sướng hò reo vang dậy.

Ngày 28 và 29.9, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích ở đèo Canh Tiếm và đèo Sập Rì, diệt hơn chục tên Pháp, trong đó có một quan ba, tước được một số súng.

Đứng trước cuộc khởi nghĩa, cả Nhật lẫn Pháp đều hoảng sợ.

Thực dân Pháp cho quân chiếm lại đồn Bình Gia, đồn Mỏ Nhài. Quân khởi nghĩa phải rút vào rừng. Cuộc khủng bố trắng bắt đầu.

Được báo cáo về cuộc khởi nghĩa, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn trực tiếp lãnh đạo phong trào.

Trung tuần tháng 10.1940, Ban chỉ huy Khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ban chỉ huy nêu cao khẩu hiệu đánh Pháp đuổi Nhật, tuyên bố giải tán ngụy quyền địa phương, tịch thu bằng, triện và đốt sổ sách của tổng lý, kỳ hào, thành lập đội du kích, diệt mật thám đầu sỏ, tuyên truyền giải thích chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng sẵn sàng đối phó với địch.

Thực dân Pháp tập trung khoảng 100 lính dõng chiếm đóng trường học Vũ Lăng, thực hiện âm mưu mở rộng khủng bố. Ngày 25.10.1940, quân cách mạng chia làm hai mũi tiến đánh trường Vũ Lăng. Trước khí thế uy hiếp của quân cách mạng, lính địch bắn chỉ thiên vài phát, rồi tìm đường chạy trốn.

Ba hôm sau... Ngày 28.10.1940, quần chúng cách mạng tổ chức một cuộc mít tinh ở sân trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhài.

Sau khi nắm lại được một số lớn dõng và tổng đoàn, thực dân Pháp dùng bọn mật thám địa phương để dắt đội quân của tên Boóc-di-ê, chủ đồn điền ở Dinh Cả, và lính tập từ Mỏ Nhài đi theo đường tắt vào, đánh úp ta. Quần chúng cách mạng tản vào rừng. Đội du kích bị phân tán mỗi người một ngả.

Địch tiến vào Vũ Lăng, bắn giết quần chúng cách mạng, đốt phá làng bản. Chúng “sức” cho nhân dân phải “lập công chuộc tội”, cắt đầu cán bộ nộp cho chúng. Bọn tổng, xã đoàn vác loa đi các làng, các xóm, các lân, đòi “Cộng sản” phải ra đầu thú chính phủ Pháp.

Tháng 11.1940, Hội nghị lần thứ bảy của T.Ư họp. (…). Đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo, Hội nghị quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du kích, dùng hình thức vũ trang công tác khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm, do T.Ư trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trách nhiệm cùng các đồng chí ở địa phương thực hiện nghị quyết này.

Ban chỉ huy khu du kích Bắc Sơn lúc này có anh Vân (một bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ), anh Giáo (một bí danh của đồng chí Lương Văn Tri, tức Huy) và tôi; anh Vân phụ trách chung. Cơ quan Ban chỉ huy lúc đầu đóng ở Đon Úy (gần Vũ Lăng), sau rút dần dần về Vũ Lễ, Khuổi Nọi.

(còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động 2010)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.