Ngày 16.12.2014, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đã đến nhà riêng, thành kính dâng hương tưởng niệm thượng tướng Chu Văn Tấn (1910-1984), đồng thời tưởng nhớ tới công lao, sự hy sinh và đóng góp vô cùng to lớn của bậc tiền bối cách mạng nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, người đặt nền móng vững chắc cho sự vững mạnh của Quân đội nhân dân VN ngày nay.
Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc (2.1951) - Ảnh: Chu Vân Anh
|
Về chính trị, thượng tướng Chu Văn Tấn là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ (1941-1945); Ủy viên BCH T.Ư Đảng khóa I, II và III (1945-1976); đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V (1960-1976) trong đó từ khóa III đến khóa V làm Phó chủ tịch Quốc hội. Về quân sự, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Tư lệnh kiêm Bí thư Liên khu 1, Tư lệnh kiêm Bí thư Khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc...
Xuất thân trong một gia đình thổ hào người Nùng yêu nước, thuộc tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), cụ thân sinh là Chu Văn Hòa đã tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp nhiều năm. Khi biết Chu Văn Tấn hoạt động đánh Tây, cụ đồng tình tạo mọi điều kiện cho con đi công tác. Mãi năm 1944, khi thực dân Pháp cho quân bao vây, càn quét căn cứ Bắc Sơn, cụ nói với con: “16 tuổi tao đã cầm cái súng chống thằng Tây, ở đội quân của cụ Đề Thám. Giờ tao già không làm được thì chúng mày làm đi...”.
Chu Văn Tấn tham gia quân sự từ Chỉ huy phó Đội Du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ, do Lương Văn Tri (bí danh Huy Còm) làm chỉ huy trưởng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị phục kích hy sinh, tiểu đội do ông chỉ huy thoát khỏi vòng vây về được Pác Bó. Từ đây, đội chuyển thành đơn vị vũ trang bảo vệ căn cứ. Một thời gian sau, nhận chỉ thị của T.Ư Đảng, Chu Văn Tấn về lại Võ Nhai để xây dựng và làm Chỉ huy trưởng Trung đội Cứu quốc quân thứ hai, với 47 chiến sĩ. Cùng với Đội VN Tuyên truyền giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Cứu quốc quân nhanh chóng phát triển lực lượng, xây dựng Chiến khu Nguyễn Huệ. Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (5.1945), VN Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành VN Giải phóng quân.
Tháng 8.1945, trong Chính phủ lâm thời, Chu Văn Tấn được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước ta.
Người được Hồ Chủ tịch chọn mặt gửi vàng
Đại tá Kim Sơn (tức Nguyễn Huy Văn), chiến sĩ VN Giải phóng quân, lão thành cách mạng, Ủy viên thường trực Ban Liên lạc VN Giải phóng quân kể lại:
Năm 1956, khi thành lập Khu tự trị Việt Bắc theo quyết định của Đảng và Chính phủ, với cương vị là Bí thư Đảng bộ và Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu tự trị, tướng Chu Văn Tấn đã không phụ lòng tin cậy của T.Ư Đảng, Bác Hồ và sự tin yêu của đồng bào các dân tộc, luôn luôn chăm lo thực hiện lời dạy của Bác Hồ làm cho đồng bào Việt Bắc tiến kịp miền xuôi.
Do vậy mà ông lặn lội, sâu sát nắm bắt nguyện vọng của đồng bào các dân tộc: Mở trường học để nâng cao dân trí, mở mang đường sá vào các vùng sâu vù̀ng xa, lên các vùng đồng bào ít người của Hà Giang, Cao Bằng... đến các bản làng cùng với cán bộ địa phương tìm ra cách làm ra nhiều sản phẩm để đời sống nhân dân các dân tộc ngày càng no ấm và giàu có hơn.
Căn cứ Việt Bắc có vị trí địa lý chính trị quan trọng bậc nhất trong Cách mạng Tháng Tám, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bác Hồ, T.Ư Đảng đã chọn mặt gửi vàng và Chu Văn Tấn đã không phụ lòng tin cậy của Bác, của T.Ư, đã góp phần rất tích cực trong việc xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng và dựng nên nhà nước của dân, vì dân.
Công lao của ông xứng đáng để toàn Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta kính trọng và học tập.
Hùm xám Bắc Sơn
Năm 1948, Chu Văn Tấn là 1 trong 9 vị thiếu tướng đầu tiên. 10 năm sau, năm 1958, Chu Văn Tấn cùng Văn Tiến Dũng là hai thượng tướng đầu tiên, được phong vượt cấp từ thiếu tướng lên.
Có một điều ít ai biết rằng, người Pháp luôn đặt câu hỏi về vị tướng mang biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn” đã từng khiến họ mất ăn mất ngủ. Năm 1967-1968, đạo diễn người Pháp, ông Gérald Guillaume, sang VN làm bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Hồ Chí Minh, ông Gérald Guillaume đề đạt nguyện vọng muốn dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất VN”.
Nghe xong, Hồ Chủ tịch vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!
Đạo diễn Gérald Guillaume lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân ông đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng quê hương ông, rồi dẫn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội Du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân từng chiến đấu.
Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”.
Người anh cả du kích VN
Ngày 1.1.1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các anh hùng và đại biểu của các đơn vị anh hùng vừa được tuyên dương. Cùng tham dự cuộc đón tiếp này, có mặt thượng tướng Chu Văn Tấn, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phóng viên Đài tiếng nói VN, nhà báo Lê Tiến tham dự cuộc gặp mặt hôm đó đã ghi lại: “Chu Văn Tấn, người anh cả của lực lượng du kích quân VN”. Bài ghi chép này với nhan đề Năm mới các anh hùng đến “xông nhà” Bác Hồ hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
|
Bình luận (0)