Kỷ niệm Cứu quốc quân: Tin tức quê nhà

Bà Sao đi rồi. Chúng tôi ngày đêm vừa mong tin vừa lo; không hiểu bà đi có trót lọt không?

Bà Sao không biết nói tiếng Kinh, gặp tình huống phức tạp sẽ xử trí ra sao; ra ngoài, lại đi xa, một thân một mình. Lo canh cánh bên lòng, nhưng chúng tôi vẫn cứ hoạt động như thường. Vẫn đi các nơi. Ở cơ sở nào cũng lao động cùng nhân dân địa phương, tuyên truyền cách mạng Việt Nam.

Nửa tháng sau được tin bà Sao trở về. Chúng tôi thở phào sung sướng như trút được gánh nặng. Anh Quốc Hưng và tôi vội sang gặp. Cô cháu đều mừng rỡ vì công việc trót lọt.

Bà Sao kể lại là Cứu quốc quân rút đi được vài hôm thì lính lê-dương, khố đỏ cũng rút đi, chỉ còn lại lính khố xanh và phần lớn là dõng. Chúng tuyên truyền là Cứu quốc quân đã tan rã, trốn lên núi thành người rừng cả rồi. Hiện nay, chúng chỉ đóng vài bốt lẻ, việc càn quét cũng giảm nhiều. Dân làng chỉ còn tập trung ở Nà Pheo, nhưng cũng đã lục tục được về làng cũ làm ăn. Cả những gia đình bị giam vì tình nghi hoặc có người nhà thoát ly làm cách mạng cũng đã được về làng cũ làm ruộng làm nương, nhưng chiều vẫn phải về trại tập trung. Các đồng chí ở lại đã bí mật lãnh đạo bà con đấu tranh, kéo nhau lên châu, lên đồn xin cho các gia đình bị giam đó về hẳn nhà cày cấy cho kịp thời vụ. Giặc đã phải nhượng bộ. Cả bác Khăm, chị gái tôi, và vợ anh Quốc Hưng cũng đã được trở về làng. Tuy mật thám vẫn còn lùng sục, cường hào tổng lý trở lại phá hoại, nhưng tình hình nói chung là dịu hơn. Ông bố tôi thì đã chết ở trại giam Chợ Chu. Việc bắt mối liên lạc với các đồng chí Cứu quốc quân ở Đại Từ, Sơn Dương, Phú Bình, Hữu Lũng... mới đang bắt đầu.

Tin bố chết ở trại giam của địch làm tôi xúc động và đăm chiêu. Tôi nhớ lại những ngày thơ ấu: tôi là con út nên bố tôi rất thương... Tôi đi rồi, ở quê nhà ông bị thằng trưởng đồn bắt. Nó đánh ông, tra khảo ông, bắt ông gọi con về. Ông chửi lại nó. Gặp người có thể gửi gắm lòng ông được, ông nói : «Nói cho con tôi nó biết là bố nó không sợ đau. Tôi chỉ lo ngoài ấy các con làm không ra gì. Tôi không lo gì cho tôi hết ! Chỉ lo cho các con thôi, lo cho cách mạng nhiều!».

Tôi càng nghĩ lời cha dặn lại, càng thấy tội ác của đế quốc chồng chất thêm. «Chúng nó sẽ phải đền tội ». Nhất định là như vậy.

Bằng kỷ niệm chiến sĩ Việt Bắc dành tặng Thượng tướng Chu Văn Tấn. Ảnh tư liệu gia đình.

Cuối cùng bà Sao nói:

- Anh Đủ, cô Thu, bà Sáng có nhắn là các cháu có thể cho cán bộ trở về ít được rồi đấy. Và có về thì cũng phải đợi hết mùa mưa lũ. Gặt xong lúa sớm mới có lương ăn.

Nghe lời bà Sao kể lại, chúng tôi càng thấy phấn khởi, càng tin tưởng ở lực lượng cách mạng.

Chúng tôi phổ biến tình hình quê nhà cho anh em Cứu quốc quân. Ai cũng vui vẻ, muốn chắp cánh bay về ngay. Nhưng từ nay đến lúc về được, còn phải nỗ lực làm nhiều việc nữa, không thể nôn nóng.

*

* *

Vấn đề qua lại giữa nhân dân hai nước có biên giới chung là một chuyện không thường mà cũng lại rất bình thường. Đây là biên giới của hai nước; dân hai bên sang với nhau là không hợp pháp vì bọn thống trị của chế độ đó không cho phép làm tự do. Nhưng lại bình thường ở chỗ bên này bên kia biên giới đều có họ hàng, thông gia với nhau hoặc quen thuộc nhau: núi này sang núi kia có khi chỉ cách một quả đồi, ông em bên này gọi ông anh bên kia cũng nghe thấy tiếng nhau...

Cứu quốc quân sang bên đó, được anh em bên đó giúp đỡ. Cứu quốc quân làm công tác quần chúng, giúp đỡ nhân dân làm nhà làm cửa, đi cày đi bừa, nhổ mạ gánh phân rất thạo v.v. nên được sự yêu thương của nhân dân Trung Quốc. Quần chúng bàn bạc về cách mạng Việt Nam, về chế độ của Tưởng và cách mạng Trung Quốc. Quần chúng hiểu Cứu quốc quân làm gì, sự thông cảm với nhau càng tăng lên và sự tin tưởng của họ đối với cách mạng Trung Quốc càng bền chặt... Địch không dễ gì mà tranh giành ảnh hưởng với ta được. Tuy vậy chúng còn hy vọng, trong quá trình liên hiệp với ta, chúng có thể lôi kéo được cán bộ, tách quần chúng ra khỏi Đảng. Chúng muốn cuối cùng ta sẽ dẫn đường cho chúng thay chân Pháp, Nhật vào làm chủ Đông Dương, như bọn Việt-quốc, Việt-cách, Phục-quốc... Những biện pháp cụ thể để thực hiện những chủ trương trên của chúng cũng lại tùy nơi, tùy lúc, tùy người mà đổi khác, nhiều khi trái ngược lẫn nhau, trên dưới mâu thuẫn. Cho nên, về mặt sách lược, ta cũng cố gắng tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của chúng đến một mức nhất định. Và trong những hoàn cảnh cụ thể, nếu khéo biết lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ chúng, thì ta cũng có thể làm được nhiều việc có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Một trong những thủ đoạn của bọn Quốc dân đảng đối với cán bộ ta lúc đó là gây khó khăn về đời sống. Chúng muốn đẩy anh em ta vào thế cùng quẫn, cuối cùng phải đi làm việc cho chúng. Trừ những học sinh quân của ta được bố trí đi học ở Nam Ninh có đời sống tạm gọi là ổn định, tuy rằng mức sống cũng rất thấp, còn tất cả những anh em hoạt động lẻ tẻ ở biên giới thì khá lúng túng về kinh tế. Những đồng chí có nghị lực, có kinh nghiệm hoạt động thì vẫn lăn lộn với phong trào. Họ vừa làm lụng kiếm ăn vừa tuyên truyền tổ chức quần chúng. Cuối cùng chính những cơ sở quần chúng lại giúp đỡ các đồng chí đó sinh sống được dễ dàng. Nhưng cũng có vài anh em vì thiếu khả năng độc lập công tác hoặc cầu an đã đi làm việc cho chính quyền Quốc dân đảng. Số người phản bội thì rất ít. Phần nhiều là để kiếm miếng ăn qua ngày, chờ thời hoặc hoạt động cầm chừng. (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.