Kỷ niệm Cứu quốc quân: Vượt sông Văn Mịch

19/12/2021 08:30 GMT+7

Sâm sẩm tối, chúng tôi xuống mảng. Lại nảy ra vấn đề: Ai chở mảng? Chở giỏi chỉ có đồng chí Tài. Tôi thì không thạo lắm. Bàn tính một lúc rồi phân công: mảng trước đồng chí Tài chở, đồng chí Lâm đứng đằng đuôi. Mảng sau tôi chở, anh Vân đứng đuôi. Tôi vừa chở vừa bảo vệ. Bốn chân sào không có người thay đổi.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trên sông nước, đồng chí Tài bảo chúng tôi:

- Nhỡ có bị lật thì cứ bám lấy mảng, không được bỏ mảng mà bơi. Bỏ mảng, nước cuốn mình đi mất!

Tượng đồng Thượng tướng Chu Văn Tấn tại nhà lưu niệm (Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên)

Khải Mông

Con sông Văn Mịch có nhiều mỏm đá, nhiều thác, nhiều ghềnh, vòng đi vòng lại quanh co. Hai cái mảng đi trong đêm tối luôn luôn bập bềnh, nghiêng ngả. Mỗi lần mảng va vào sườn núi, người ngồi trên mảng xô đi xô lại, đổ xiêu đổ vẹo. Mỗi lần qua thác là một lần thử thách. Cuộn nước réo ào ào. Dòng nước ánh mây trời đêm vẫn lang láng. Hai cái mảng tựa như hai chiếc lá trên dòng sông. Mảng tôi theo mảng đồng chí Tài. Đứng chở mảng, luôn tay luôn chân, căng mắt ra mà nhìn phía trước mới thấy được tài chèo chống, cưỡi sóng của đồng chí Tài: cái bóng người thâm thấp, mập, ngày thường trông không có gì đặc biệt, nay trông vững chãi, đĩnh đạc, đôi chân nhún lên nhún xuống theo sóng nước bồng bềnh. Mỗi lần sắp qua thác, anh Tài lại làm hiệu cho chúng tôi. Nhiều đồng chí phải cúi rạp xuống, níu chặt lấy cây nứa ngộ. Sóng réo ồ ồ, mảng vục xuống nước lại chồm lên. Nước xô ào ào, ào ào...

Cứ đi như thế đến nửa đêm thì tới một bến cách đồn Văn Mịch độ vài trăm thước. Để tránh đồn Văn Mịch ở ngay vệ sông, chúng tôi chuyển lên bờ đi bộ vòng qua một làng nhỏ, theo đường cái, vượt lên núi, rẽ xuống Hát Quang. Còn đồng chí Tài chống hai mảng làm một, chở anh Ninh theo dọc con sông đến Hát Quang chờ sẵn.

Đường vòng chỉ hơn một cây số mà thật là vất vả. Nửa đêm, không ai quen đường, vừa đi vừa dò dẫm theo lời đồng chí Tài dặn. Lúc qua sát làng, ai nấy nín thở, rón rén cho nhẹ bước. Gần một tiếng đồng hồ sau mới tới Hát Quang. Men xuống sông đã thấy đồng chí Tài ngồi chờ sẵn. Chúng tôi mừng quá, vừa bước chân xuống mảng vừa hỏi: “Có anh Chính chưa?”. Thường chúng tôi rất lo cho anh Chính: mắt anh kém, chân tập tễnh, độ này anh lại không được khỏe. Điểm lại thấy thiếu anh Chính thật. Cả đoàn đều hoảng sợ. Không khí im lặng quá, tôi nghe cả tim mình đập thình thình. Các đồng chí cử tôi và đồng chí Lâm đi tìm.

Mò mẫm một hồi lâu hết bụi này bụi khác không thấy, hai chúng tôi lại quay về mảng báo cáo. Mọi người thất vọng, nhìn nhau, cổ nghẹn như muốn khóc. Có đồng chí nêu ý kiến:

- Chờ đến sáng ở chỗ này nhất định là lộ. Sẽ hỏng toàn bộ công việc lớn. Hay là đành...

Nhưng các đồng chí T.Ư quyết định để tôi đi tìm một lần nữa. Anh Vân nhắc thêm tôi :

- Dù nguy hiểm cũng cố tìm cho được!

Tôi coi đó là một chỉ thị. Thêm nữa cái tình giữa người cách mạng với nhau, sự giúp đỡ tận tình của anh Chính đối với phong trào ở Bắc Sơn đã đem lại cho tôi thêm sức và thêm trí minh mẫn. Tôi nhớ lắm. Từ những ngày mà bầu trời và núi rừng Bắc Sơn còn âm u tăm tối, anh Chính đã đến vùng tôi. Anh là người miền xuôi, thế mà đi vào đâu, dù nơi đó là vùng người Tày, người Nùng hay người Mán (người Dao), anh vẫn đứng vững chân ở chỗ rừng núi tưởng như khó khăn hết sức ấy. Anh làm công tác quần chúng đối với các vùng dân tộc ít người còn giỏi hơn cả chúng tôi nữa. Khi phong trào ở Đình Cả được đẩy mạnh, anh còn cùng chúng tôi vào Tràng Xá rồi xuống huyện Đại Từ, đến La Bàng để xây dựng cơ sở...

Tôi quay vào con đường vòng, dò đến tận bến đằng kia, chỗ ở mảng bước lên bờ. Đến một ngã ba có lối rẽ vào làng, tôi nằm phục xuống đất nghe ngóng: có tiếng chó sủa gióng một! Đoán là có người ở phía hàng rào, tôi bò thẳng tới. Khi còn cách rào độ dăm chục bước thấy có bóng người trong bụi cây, tôi tắc lưỡi làm hiệu. Có tiếng tắc lưỡi trả lời. Đúng rồi! Đúng người của ta rồi!

Mừng hết chỗ nói, tôi bò nhanh tới, nắm lấy cánh tay thân thiết, khẽ kêu lên:

- Ấy, ấy! Anh Chính!... Các đồng chí chờ anh muốn nổ con mắt đấy!

Rồi để khỏi chậm và khỏi lạc lần nữa, tôi vừa xốc anh Chính lên lưng vừa nói: “Mau lên! không anh em chờ!”. Tôi cõng anh chạy thẳng một mạch về phía mảng.

Anh em đang nóng lòng chờ. Thấy anh Chính và tôi về, mọi người hoạt bát hẳn lên. Có đồng chí quên cả có địch ở gần, vỗ tay hoan hô. Tiếng vỗ tay vang đi rất xa. Có tiếng xuỵt xuỵt khe khẽ, nhắc mọi người phải giữ bí mật.

Đồng chí Tài giục mọi người xuống mảng. Anh em chẳng kịp hỏi gì thêm nữa, vội vàng chèo chống đi ngay, cho mau ra khỏi khu vực đồn Văn Mịch trước khi sáng rõ.

Cả ngày hôm sau vẫn đi trên mảng. Người nào cũng mệt bã. Nhất là mấy chân sào suốt ngày suốt đêm không được nghỉ tay phút nào. Mệt thì mệt, lo thì lo, nhưng vẫn vui. Đến mỗi khúc sông vắng, đồng chí Sơn bảo ai biết bài hát nào thì hát cho vui hoặc kể chuyện. Anh Vân kể nhiều mẩu chuyện rất lý thú trong cuộc Vạn lý trường chinh và các trận Giải phóng quân Trung Quốc đánh Nhật. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.