1. Nhà tôi ở ngay mặt tiền con phố lớn của thủ đô - phố Huế. Căn gác gỗ của gia đình ba thế hệ chúng tôi ở tầng trên của căn nhà có tới bảy hộ cùng sinh sống. Hồi đó tôi thích nhất là mỗi lúc tan trường về, leo qua thang gỗ ọp ẹp, cọt kẹt là bước vào nhà với sàn gỗ lát toàn bộ mặt sàn gần bốn mươi mét vuông mát rượi dưới chân, để rồi tót ra ngồi ngoài ban công trước nhà ngắm đường phố.
Thời chiến tranh xe chưa nhiều như bây giờ, nổi bật giữa con phố là đường ray tàu điện chạy từ chợ Mơ lên bờ hồ Hoàn Kiếm. Cũng ngay trước cửa nhà là hai cây to quanh năm tỏa bóng mát, một cây phượng vĩ và một cây sấu già, thân to chắc khỏe.
Thời gian đó cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ xuống miền Bắc đã bước sang năm thứ ba. Hà Nội rất cảnh giác song vẫn tương đối bình yên, còn các tỉnh thành phố khác đạn bom ngày đêm cày xới. Và chiến công bắn rơi máy bay, bắt sống phi công nhảy dù luôn là tin tức nóng, với những con số dày lên mỗi ngày.
Cũng đã hơn năm mươi năm qua đi song tôi vẫn nhớ như in buổi tối mùa thu năm ấy, tin về một sự kiện đã được truyền tai mọi người hết dọc con phố. Hồi đó báo đài rất ít, chỉ có mấy tờ báo chính là Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới. Truyền thanh chỉ mấy cái loa công cộng chủ yếu báo tin báo động máy bay. Đã làm gì có điện thoại, truyền hình cũng không. Vậy mà tin sốt dẻo lan với tốc độ chóng mặt qua mỗi nhà, mỗi người (mà ai cũng thì thầm “tin mật”), đó là sẽ có một cuộc dẫn giải phi công Mỹ bị bắt qua một số trục đường chính của thủ đô.
2. Bọn trẻ chúng tôi cũng háo hức, tò mò muốn thấy tận mắt sự kiện đó, song người lớn đâu cho tự do chạy chơi thế được. Vậy là tôi lại trở về với thói quen mọi ngày, bắc cái ghế gỗ nhỏ ra ban công nhìn xuống phố. Cả con phố tối đó vắng hẳn tiếng tàu điện leng keng, những dòng xe đạp mọi khi qua lại cũng như biến đi đâu hết.
Và rồi từ phía phố Hàng Bài, một đoàn người lặng lẽ bước từng bước ngắn qua con phố, dưới ánh đèn đường vàng vàng. Tôi dụi mắt nhìn cho rõ khi nhận ra đó chính là những người mặc áo sọc, xếp thành hàng ngay ngắn, lầm lũi bước giữa hai hàng bộ đội cầm súng tuốt lưỡi lê. Lần đầu tiên thấy những người nước ngoài, mà họ lại đang trong đồng phục áo tù, cúi đầu lặng lẽ bước. Có lẽ họ chắc cũng chẳng mong nhìn lên để đụng phải ánh nhìn giận dữ của những người dân chứng kiến lúc đó.
Truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta là không trả thù những người bại trận nên dù căm hờn đến mấy cũng không bao giờ trút hận lên những người bại trận. Chắc chắn những người lính quen lao đi cùng tốc độ trên trời cao cũng chẳng thể quên được quãng đường dạo bộ không mong đợi đó. “Khách sạn” Hilton Hà Nội còn đón tiếp những người khách không mời đó cho đến tháng chạp năm 1972, song không có thêm những cuộc dạo chơi bất đắc dĩ như vậy nữa.
Chỉ gần một năm sau sự kiện đó, một trái bom đã san bằng cả góc phố, trong đó có căn nhà nhỏ nơi tôi sống những năm đầu đời và có kỷ niệm như tôi vừa kể. Thời gian qua cùng bao sự kiện song có lẽ quãng đời niên thiếu mãi in đậm trong tâm trí tôi.
|
Bình luận (0)