'Kỳ quan của bóng bàn thế giới'

30/03/2014 03:05 GMT+7

Gặp lại tay vợt Lê Văn Tiết, người từng được báo chí thế giới tôn vinh là “kỳ quan của bóng bàn thế giới” tại nhà riêng số 187 Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú (TP.HCM), ở tuổi 76, nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Gặp lại tay vợt Lê Văn Tiết, người từng được báo chí thế giới tôn vinh là “kỳ quan của bóng bàn thế giới” tại nhà riêng số 187 Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú (TP.HCM), ở tuổi 76, nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

 


Danh thủ lừng lẫy một thời thập niên 50, 60 của thế kỷ trước - Ảnh: tư liệu

Để có được điều này, ông cho biết nhờ tập luyện thể thao hằng ngày. Nhưng điều gây bất ngờ nhất là hiện tại ông vẫn còn đứng dạy bóng bàn cho các tay vợt phong trào, các cơ quan, xí nghiệp và có cả tay vợt năng khiếu của TP.HCM. Thường thì ông dạy ở Trung tâm thể dục thể thao Tân Thới Hòa trên đường Lũy Bán Bích vào những buổi tối. Trước đây ông cũng có dạy tại câu lạc bộ bóng bàn của Nhà thi đấu Phú Thọ. Tuy nhiên do di chuyển khá xa nên hiện giờ ông ít nhận dạy ở đây hơn. “Số tiền thù lao không phải là quá lớn, chỉ đủ để đổ xăng và uống nước. Nhưng có lẽ cuộc sống của tôi không thể xa môn bóng bàn này được. Tôi nhận dạy chỉ vì niềm đam mê và giúp những người yêu thích môn bóng bàn nắm được các kỹ, chiến thuật căn bản. Bên cạnh đó cũng giúp cho tôi có thêm sức khỏe”, ông Tiết tâm sự.

Chiến tích thành huyền thoại

Có thể nói, ở thập niên 1950, Lê Văn Tiết cùng các danh thủ như Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Ðược, Trần Văn Liễu... đã đưa bóng bàn Việt Nam lên đỉnh cao nhất và khiến các tay vợt thế giới thời ấy phải nể phục. Khi được hỏi trận đấu nào làm ông nhớ nhất trong sự nghiệp của mình, ông trả lời ngay: “Đó chính là trận thắng nhà đương kim vô địch thế giới người Nhật Bản Toshiaki Tanaka tại Á vận hội năm 1958 để cùng đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch đồng đội”. Tại giải đấu ngay trên đất Nhật Bản và khi đó đội tuyển chủ nhà đang là đội thống trị làng bóng bàn thế giới, đêm 27.5.1958, ông Tiết đã cùng với những “siêu sao” của bóng bàn Việt Nam là Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Ðược gây “chấn động” khiến cả nước Nhật phải sửng sốt khi đội tuyển bóng bàn đương kim vô địch thế giới của họ bị đội Việt Nam đánh bại với tỷ số 5/3 ở trận chung kết. Hoàng thái tử Nhật Bản cũng đã lẳng lặng ra về ngay sau đó. Sau trận đấu, tờ Nhật báo Đông Kinh viết: “Trong lịch sử thể thao Nhật, có hai biến cố làm chúng ta đau lòng nhất là việc để đoàn Việt Nam đoạt huy chương vàng bóng bàn đồng đội nam ngay tại Asiad lần 3 - Tokyo 1958 và võ sĩ người Hà Lan Auton Geenik đoạt chức vô địch judo thế giới”.

Trước trận đấu, giới chuyên môn đều cho rằng chiếc huy chương vàng khó thoát khỏi tay đội chủ nhà. Vì trước đó một năm, tại giải vô địch bóng bàn thế giới 1957 diễn ra ở Thụy Điển, đội Nhật Bản đã đánh bại đội Việt Nam với Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Huỳnh Văn Ngọc trong đội hình với tỷ số 5-3. Chính vì thế, Liên đoàn Bóng bàn Nhật Bản lúc đó rất tự tin khi mời hoàng thái tử Nhật đến xem và để trao huy chương cho đội thắng trận. Cùng với hai trận thắng của Mai Văn Hòa, một chiến thắng của Trần Cảnh Được, Lê Văn Tiết cũng đã góp công với trận thắng trước tay vợt vô địch thế giới Toshiaki Tanaka với tỷ số 21/19, 21/18 và tay vợt này đã chạy đến ôm mẹ mà khóc. Sau đó ông cũng thắng luôn Sunoda 21/6, 21/11 và chỉ chịu thua trước tay vợt cựu vô địch thế giới Ichiro Ogimura (cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn thế giới) 11/21, 16/21. Đây có lẽ là một chiến tích tạo ra một huyền thoại của làng bóng bàn Việt Nam mà không biết đến bao giờ mới có thể lập lại được.

Không chỉ vậy, một năm sau, ngoài chiếc huy chương đồng giải vô địch bóng bàn quốc tế tại Dortmund (Đức), ông còn giành thêm chức vô địch đơn nam giải bóng bàn Pháp mở rộng (giải đấu nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ) sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên đánh bại tay vợt số 1 thời bấy giờ là Teruo Murakami (vô địch Nhật Bản) trong trận chung kết khi vừa tròn 20 tuổi. Đây thật sự là một trận đấu không thể nào quên trong sự nghiệp của ông Tiết. Bởi sau khi bị dẫn trước hai ván đầu tiên, ông đã có cuộc “lội ngược dòng” thành công để thắng lại với tỷ số 3-2. Kể lại trận đấu dường như đã in sâu trong ký ức này với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, ông nói: “Tôi đã có sự khởi đầu không tốt vì đánh hỏng khá nhiều và bị Murakami thắng liền hai ván với tỷ số 21/17, 21/15. Dù bối rối nhưng trong thời gian nghỉ của hai ván tôi đã tự nhủ là phải tấn công liên tục để “mở đường máu” và chiến thuật này đã giúp tôi thắng lại hai ván liền 21/16, 21/12. Ở ván đấu quyết định mới thật sự kịch tính khi Murakami liên tục dẫn trước tôi 5/0 rồi 10/5. Nhưng tôi đã kiên trì gỡ hòa 10/10 để rồi thắng luôn với tỷ số 21/17”. Chính nhờ vào những thành tích này, ông Tiết đã được xếp hạng 6 thế giới vào năm 1959, còn danh thủ Mai Văn Hòa xếp hạng 12. Ngoài hai chức vô địch đáng nhớ trên, ông còn cùng đồng đội ba lần đoạt huy chương vàng SEAP Games (tiền thân của SEA Games) vào những năm 1961, 1965 và 1967. Ông Tiết đã được giới báo chí quốc tế lúc bấy giờ gọi là “kỳ quan bóng bàn thế giới”. Bởi ông là một trong những người khai sinh ra lối đánh phản công độc nhất vô nhị.

“Bóng bàn Việt Nam đã đứng lại quá lâu”

Trong số 7 người con của ông Tiết, Lê Ngọc Phương Lan, Lê Ngọc Phương Thảo, Lê Ngọc Phương Trang đã từng có các thành tích ở giải trong nước vào những năm 1990. Một người con khác của ông là Lê Trung Thành đoạt giải vô địch thiếu niên toàn quốc năm 1987, nhưng không ai đủ duyên nợ để theo đuổi nghiệp của ông. Nói về những hậu duệ ngày nay, ông ngậm ngùi tâm sự: “Bây giờ, các em có điều kiện tập luyện và thi đấu tốt hơn thời chúng tôi rất nhiều. Nhưng sau những ngày vang bóng, bóng bàn Việt Nam đã đứng lại quá lâu. Để trở lại những thành tích đó dù vẫn biết rằng rất khó, nhưng không lẽ lại chịu bó tay. Tôi chỉ mong sao lãnh đạo của ngành thể dục thể thao có sự quan tâm, đầu tư tốt và có những huấn luyện viên tâm huyết để bóng bàn nước ta có thể trở lại thời kỳ vàng son”.  

 
Ông Lê Văn Tiết tại nhà riêng - Ảnh: Minh Tân

  

Giờ đây, ngoài những giờ quây quần bên con cháu và làm “gia sư” bóng bàn, ông Tiết còn dành thời gian để viết sách. Và sau nhiều năm khó khăn trong việc xuất bản, cuối cùng quyển sách nói về kỹ thuật bóng bàn, cách thức tổ chức thi đấu cùng những bài báo viết về thời vang bóng của bóng bàn Việt Nam trước năm 1975 Lê Văn Tiết giúp bạn hoàn thiện kỹ năng bóng bàn cũng được ra đời vào tháng 2.2006. Hiện ông đang ấp ủ để cho ra đời một quyển sách khác với nội dung kể về chi tiết các trận đấu hay và những chiến thắng quan trọng trong quá khứ với mong muốn kể lại cho các con cháu những chiến tích của đàn anh. 

Lê Văn Tiết sinh ngày 13.7.1939 tại Gia Định. Năm 1947, ông bắt đầu cầm vợt do chính người cha của mình là ông Lê Văn Gặp hướng dẫn. Ông là anh cả của bốn tay vợt tài danh của bóng bàn Việt Nam trước đây là Lê Văn Inh, Lê Văn Tân, Lê Thị Kim Tiếng và Lê Thị Kim Hoàng. Ông đã ngự trị làng bóng bàn đỉnh cao trong 2 thập niên 1950, 1960. Sau khi giã từ sự nghiệp, ông tiếp tục huấn luyện cho các vận động viên của quận Tân Bình và Công an Nhân dân cho đến năm 1990 thì nghỉ hẳn để dạy ở tư gia.

Những thành tích đáng nhớ: Huy chương đồng đồng đội giải vô địch bóng bàn quốc tế tại Dortmund (CHLB Đức) 1959; huy chương vàng đồng đội tại Đại hội Thể thao châu Á ở Tokyo (Nhật Bản) 1958; vô địch đơn nam giải bóng bàn Pháp mở rộng 1959; 3 huy chương vàng đồng đội tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1961, 1965, 1967; huy chương đồng đôi nam tại Đại hội Thể thao châu Á ở Jakarta (Indonesia)1962.

Minh Tân

 >> Thần đồng bóng bàn
>> Ảnh “khó đỡ” bộ môn bóng bàn
>> Robot Việt Nam chơi bóng bàn tại Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.