Ký sự Mauritius - Kỳ 2: Xứ sở nhà giàu

25/02/2012 03:27 GMT+7

Dù đã tìm hiểu về Mauritius, nhưng khi đặt chân đến đất nước này, tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy châu Phi - như cách nghĩ của tôi, đã phần nào nhạt nhòa ở đây.

Dù đã tìm hiểu về Mauritius, nhưng khi đặt chân đến đất nước này, tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy châu Phi - như cách nghĩ của tôi, đã phần nào nhạt nhòa ở đây.

>> Kỳ 1: Gặp người Việt duy nhất ở đảo quốc

Thuộc châu Phi nhưng khác châu Phi

Nằm ở Đông Phi cách Madagascar 900 km về phía nam và dù ngoài khơi Ấn Độ dương nhưng Mauritius vẫn thuộc về châu Phi từ địa lý cho đến chính trị vì Mauritius là thành viên của Tổ chức Thống nhất châu Phi.

Theo trí tưởng tượng của tôi, thì giữa biển khơi cùng đại ngàn, Mauritius sẽ hiện lên là một xứ sở mà ở đó có nhiều bí hiểm với những người da đen phóng khoáng và mạnh mẽ, với nhiều loài động, thực vật hiếm thấy, kể cả một chút nghèo đói, chiến tranh mà hằng ngày tôi thấy trên ti vi. Không, tôi đã lầm. Đây không phải là Ethiopia hay Somalia mà là Mauritius - nơi được mệnh danh là xứ sở nhà giàu của châu Phi.

Những khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho các siêu sao, những xa lộ cuồn cuộn xe hơi đời mới, cuộc sống không vội vã vì miếng cơm manh áo. Người ta như sống chậm lại để hưởng thụ những gì mà thượng đế đã ban tặng cho họ. Điều này bắt nguồn từ lịch sử của đất nước Mauritius. Suốt từ thế kỷ thứ 10 cho đến năm 1968, hết người Ả Rập, rồi đến người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Pháp, người Anh đều muốn sở hữu vùng đất màu mỡ này. Và những người nô lệ được đưa từ Nam Phi sang để trồng mía (hiện nghề trồng mía và làm đường vẫn là chủ lực của ngành nông nghiệp của Mauritius) thực sự là bài ca bi tráng của những  người da đen châu Phi. Họ đã dám đứng lên “thà chết chứ không làm nô lệ”, dám nhảy xuống vực sâu từ núi Le Morne Brabant để được làm người (địa danh UNESCO công nhận là di sản của nhân loại), để rồi có một đất nước Mauritius hiện nay, dù ở đó dấu ấn của người Ấn, người châu u, kể cả người Hoa gần như “lấn lướt” những gì thuộc về châu Phi.

 
Một góc Port  Louis - Ảnh: C.M.H

“Bạn thấy đó ngay cái tên Mauritius cũng lấy từ cái tên của vị  hoàng tử của Hà Lan thế kỷ 16 đó thôi...” - cô hướng dẫn viên người Mauritius cho biết bằng giọng trầm ngâm.

Không sao. Bởi tôi biết ở đâu cũng có những người yêu từng nắm đất của quê hương mình, như Jimmy và Ron Iohanz Bhoyroo - hai anh bạn người Mauritius mà chúng tôi có dịp ngồi với nhau trong một buổi tối đầy gió trên bãi biển Le Méridien. Ron đã có 6 năm học hành và thành danh ngành nhiếp ảnh ở Pháp, nhưng vẫn quyết quay về vì “không thể quên được vị mặn của biển và những cánh đồng mía bát ngát nơi quê nhà”, Ron nói mà ly rượu rum mùi mía quê anh cứ sóng sánh ánh vàng như một niềm hy vọng của những người trẻ. 

Thủ đô resort

Mauritius tên đầy đủ là Cộng hòa Mauritius, diện tích: 2.040 km2, dân số khoảng hơn 1,2 triệu người. Thủ đô: Port Louis; GDP năm 2009: 15,273 tỉ USD. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, ngoài ra còn có tiếng Hindi, Creole, tiếng Pháp. Ngày độc lập: 12.3.1968. Mauritius cách Việt Nam hơn 9 giờ bay và đi sau Việt Nam 3 giờ.

Là một đảo quốc chỉ rộng 2.040 km2, dân số khoảng hơn 1,2 triệu người, nhưng Mauritius sở hữu đến 150 khu resort mà mỗi khu có diện tích lên đến vài chục héc ta. Thiên nhiên đã ban tặng cho Mauritius một “vành đai san hô” có một không hai bao bọc toàn bộ đảo quốc. Cho nên dù ngoài kia sóng to gió lớn thì những bãi biển vẫn êm ru với những làn nước trong xanh. Có lẽ chính vì vậy mà du khách từ châu u đến đây rất đông, đặc biệt là người Pháp.

“Chỉ trong năm 2011, có đến 300.000 người Pháp đến với đất nước chúng tôi”, ông Hon Michael Yeung Sik Yuen, Bộ trưởng Du lịch của Mauritius cho biết, khi tiếp chúng tôi tại thủ đô Port Louis. Ông nói thêm, mỗi năm ngành du lịch Mauritius đón khoảng hơn 1 triệu khách quốc tế (có nghĩa là một người dân Mauritius mỗi năm đón một du khách) và 45% quay lại đảo quốc xinh đẹp này. Một con số lý tưởng cho bất cứ ai muốn làm du lịch.

Nghe ông Hon Michael Yeung Sik Yuen nói, tôi chợt nghĩ đến ngành du lịch quê nhà cứ loay hoay dù chỉ với một câu slogan cho ngành mình. Chia sẻ với tôi, ông cho biết câu slogan đó phải hàm chứa điều kiện cần và đủ để du khách thấy là mình đã đến đúng nơi mà câu slogan thể hiện. “Năm 2008 chúng tôi đã dùng câu slogan: Mauritius - niềm vui sướng và năm đó lượng du khách tăng lên đến 65%” - ông Hon Michael Yeung Sik Yuen tiết lộ. Ông cũng cho biết, ngành du lịch nước ông đang hướng đến thị trường đầy tiềm năng của châu Á, trong đó có Việt Nam. “Việc Hãng hàng không quốc gia Air Mauritius chỉ định Công ty Vector  Aviation là đại diện cho hãng tại Việt Nam là một thuận lợi cho việc 2 nước xúc tiến hợp tác để phát triển du lịch. Tôi hy vọng một ngày không xa sẽ có rất nhiều người Việt Nam biết đến đảo quốc xinh đẹp của chúng tôi và ngược lại nhiều người Mauritius sẽ đến với đất nước các bạn” - ông Hon Michael Yeung Sik Yuen nói trước lúc chia tay chúng tôi. Bà Kiều Chinh - đại diện của Air Mauritius tại Việt Nam, người đã dám làm một “cú liều mạng” khi đưa đoàn nhà báo chúng tôi khám phá một vùng đất mới, tâm sự: “Sứ mệnh của công ty chúng tôi là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách Việt Nam có cơ hội khám phá đất nước xinh đẹp này. Cụ thể là tăng tần suất bay trong tuần đến Mauritius, được phép trực tiếp nhận hồ sơ làm visa cho du khách”.

Hoàng Nhật, một thành viên trong đoàn, trên chuyến bay về Việt Nam cứ thẫn thờ: “Đẹp thế này sao mình không quay trở lại nhỉ?”. Vâng, biết đâu được.

Port  Louis - TP.HCM

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.