(iHay) Sau khi con Nghệ lành bệnh, con đầu đàn tôi chưa kịp… lên cân, thì tai họa lại giáng xuống đầu con Mướp. Nó bị liệt cả 4 chân, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ nguyên nhân.
Mướp là một trong những thiếu nữ đẹp nhất nhà, nếu sau này gia nhập làng Showbiz (của chó) chắc nổi đình nổi đám. Nó cũng là con chó năng động nhất nhà, không bao giờ ở yên một chỗ, nó còn là con chó phát ra nhiều âm thanh nhất, những âm thanh sếp nhất cảm nhận rõ hơn tôi, sếp bảo nó là con chó nói được tiếng người. Sếp nhất cũng có biệt tài nhìn thần sắc của con chó, có thể biết trước nó có vấn đề về sức khỏe trước khi con đầu đàn tôi nhận ra khoảng vài ngày. Tất nhiên chúng tôi thương các con chó bằng nhau, không một bên trọng một bên khinh con nào.
Lúc nào gần đến giờ ăn Mướp ta cũng quay tít cái đuôi và híc, hứ, hức, như bảo với cả đàn “đến giờ ăn rồi” và dĩ nhiên có mặt đầu tiên khi thức ăn cho vào bát. Nhưng một hôm, đến giờ ăn tôi không thấy nó đâu cả. Nhìn ra sân thì thấy nó đang lết vào như đang bơi. Hai chân trước của nó không đứng lên được. Nó vẫn lết được đến chỗ để bát ăn và ăn hết. Tôi nghĩ có lẽ nó bị con chó nào cắn hoặc đùa giỡn nhiều nên chân trước bị thương, nhưng khi bế nó lên kiểm tra thì không có bất cứ vết tích gì. Buổi tối, nó vẫn lết ra vườn đi vệ sinh, hai chân sau còn khỏe nên nó cứ chống hai chân sau mà trườn tới.
Người ta bảo liệt chân là do thiếu can-xi. Tôi bổ sung can-xi bằng cách cho ăn thêm trứng vịt lộn trộn cả vỏ được nhiền nát và gặm cù lẳng xương ống. Nó vẫn ăn bình thường, nhưng hai chân trước không có dấu hiệu gì được cải thiện. Đến ngày hôm sau, hai chân sau bị liệt luôn, nó không còn lết đi đâu được nữa. Mỗi khi muốn vệ sinh, nó kêu lên, tôi bế nó ra vườn. Giữa đêm nó kêu, tôi phải thức dậy. Từ đó, nó nằm yên một chỗ, đến giờ ăn tôi mang thức ăn tới, lúc bài tiết thì kêu lên. Ban ngày tôi bế nó ra sân nằm phơi nắng một lúc rồi cho nằm dưới vạt cỏ có bóng che, tối bế vào nhà nằm trên chăn.
Không thể nhìn nó liệt luôn, tôi buộc phải mời thầy thú y tới. Ông ấy cũng bảo nó thiếu can-xi, phải chích thuốc truyền can-xi, chất khoáng và vitamine. Tôi hỏi thầy có chắc nó khỏi không, ông ấy nói để trị mới biết. Ông ấy chích thuốc được 3 hôm, tình trạng tồi tệ hơn, không những bị liệt hẳn 4 chân không nhúc nhích được mà còn bỏ ăn, đi tiêu chảy. Tôi phải bón sữa dê cho nó, cứ hai tiếng bón một lần. Ông thú y đến nhìn và lắc đầu, chịu thua. Tôi mời tiếp một ông thú y khác, ông này là thầy dạy của ông kia. Ông ấy bảo ông thú y trước chích thuốc đúng rồi, nhưng còn thiếu chất và chưa đủ độ. Lại chích thuốc thêm 3 ngày nữa, mỗi lần chích 2 mũi, vẫn không có kết quả.
Tôi lục tìm và hỏi khắp mọi nơi quen biết, nhưng không ai có kinh nghiệm gì về việc chữa chó bị liệt. Mỗi người nói một kiểu, mỗi nơi chỉ một phách. Đọc kinh nghiệm trên các diễn đàn nuôi chó cũng vậy, đều thấy năm ăn năm thua. Có người đã buộc phải đau đớn chích cho con chó liệt một “mũi thuốc nhân đạo”, nhiều người đã làm xe lăn cho con chó liệt vĩnh viễn của mình.
Vấn đề của con Mướp phức tạp hơn nhiều. Nó vừa liệt, vừa không ăn, vừa đi tiêu chảy. Tôi dùng mọi thứ “phương ngoại” mà tôi biết để chữa cả 3 chứng cho nó, kèm theo việc bóp chân bằng rượu thuốc, co duỗi 4 chân cho nó, phơi nắng và cho nằm trên bãi cỏ dưới gốc cây. Tôi tạo điều kiện tối đa cho nó được hấp thụ khí thiêng của đất trời cây cỏ. Ngoài trời nó còn có cơ hội liếm sương, liếm đất.
Khoảng 1 tuần sau, con Mướp không tiêu chảy nữa. Nhưng vẫn nằm bất động, vẫn không tự mình trở qua trở lại được. Chúng tôi tính, nếu may mắn con Mướp sống được thì nó cũng bị liệt 4 chân vĩnh viễn. Nó sẽ sống cả đời với chúng tôi. Tôi định nghiên cứu làm cho nó một cái xe đẩy, chuẩn bị cuộc sống tương lai của nó.
Nghĩ đến cảnh mười mấy năm phải chăm một con chó bị liệt, con đầu đàn tôi không khỏi cảm thấy nặng nề. Nhưng chuyện nặng nề từ từ sẽ tính, tới đâu hay tới đó, mục tiêu trước mắt là phải làm cho nó sống.
Sau khi ngừng tiêu chảy, ban đêm nó không còn kêu nữa. Chúng tôi được ngủ yên, không phải thức dậy đưa nó đi vệ sinh. Lại lo nó bị táo bón. Nhưng không, nó vẫn đi vệ sinh, nhưng đi vào ban ngày, lúc đặt nằm trên bãi cỏ, có lẽ nó biết thương chúng tôi đêm hôm vất vả.
Tôi cho uống sữa dê nhiều hơn, nhìn thần sắc của nó thấy mỗi lúc một tươi tỉnh. Đến ngày thứ 20 kể từ khi bị liệt, một chân trước, rồi hai chân trước bắt đầu cử động. Hôm sau, nó bắt đầu trở được người. Đuôi vẫy mạnh hơn khi tôi hoặc sếp nhất lại gần. Chúng tôi tràn trề hy vọng. Hôm sau nữa, nó có thể bò bằng hai chân trước. Hai hôm tiếp theo thì một chân sau, rồi hai chân sau cử động. Nó có thể chuyển dịch vị trí nằm ngoài sân từ nơi này đến nơi kia. Một tuần sau nữa thì nó có thể đi lững chững, đưa chén sữa dê vào có thể tự uống, song chưa tự ăn bất cứ thứ gì. Vài ngày sau đó mới tự ăn, ăn mỗi ngày một nhiều, rồi hoàn toàn khỏi bệnh, trở lại sự năng động láu táu như cũ.
Giống như trường hợp của con Nghệ, tôi cũng không thể nói được điều gì về kinh nghiệm chữa bệnh cho con Mướp, vì tôi không biết nguyên nhân. Cũng như con Nghệ, thực chất là con Mướp đã tự chữa bệnh cho mình, tôi chỉ là người tiếp sức. Thường những trường hợp như vậy, cơ thể nó đã tạo ra những chất tự đề kháng, bệnh không bao giờ tái phát nữa. Sách vở thú y nói những trường hợp như vậy là do tụt can-xi, thiếu can-xi, do bệnh care, hay do virus, siêu vius gì đó. Tiêm can-xi, tiêm thuốc diệt virus, chữa bệnh care…, ở khắp mọi nơi đều như chơi xóc đĩa, không thầy nào bảo đảm chữa lành. Tôi đã chứng kiến thêm một sự hồi sinh kỳ diệu. Điều kỳ diệu không bao giờ có công thức.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 20: Một chuyện tốt lành
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 19: Câu chuyện giun sán
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 18: Triết lý về con bọ chét
Bình luận (0)