TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 24: Thầy phong thủy của tôi

22/01/2016 14:38 GMT+7

(iHay) Tôi tin vào cảm giác của mình về sự an lành của nơi ở. Và thầy tôi – chữ thầy không để trong ngoặc kép – trong lãnh vực này chính là những con chó của tôi.

(iHay) Tôi không tin mấy lý sự của sách vở phong thủy về hướng nhà và các vị trí trong nhà ở, về sự tương hợp của tuổi tác với việc xây cất nhà cửa cùng những chuyện đại loại như thế. Tôi tin vào cảm giác của mình về sự an lành của nơi ở. Và thầy tôi – chữ thầy không để trong ngoặc kép – trong lãnh vực này chính là những con chó của tôi.

Con Ớt sinh 8 cháu đúng vào hôm trời mưa, sau khi nó đẻ ngoài hang, tôi đưa vào một gian phòng, trước là nơi ngủ và đẻ của đám gà được sửa lại, sau khi đàn gà theo chân đàn heo đến cư ngụ ở khu vực khác. Gọi là gian phòng nhưng bốn vách đều lửng, lúc nào mưa to gió lớn mới kéo bạt che lại. Những ngày đầu, ban đêm tôi mắc võng ngủ trong căn phòng này, ngay phía trên ổ đẻ, đề phòng đêm hôm có gì bất trắc xảy ra với mẹ con nó. Những đêm đó tôi ngủ không yên, sáng dậy trong người khó chịu, tôi nghĩ là do mình quá lo lắng cho lũ chó con, nên không nghĩ có nguyên nhân nào khác.
Gian phòng không đóng cửa, chó mẹ hàng ngày muốn đi đâu thì đi, khi thì đi vệ sinh, khi thì ra nằm phơi nắng hoặc rúc vào cái hang cũ, nhưng bất cứ lúc nào lũ con khóc là vào ngay trong ổ cho bú hay dọn vệ sinh nếu có đứa nào phóng uế, tối vào nằm ngủ với con. Còn lũ con thì không đủ khả năng ra khỏi ổ khi chưa tới 3 tuần tuổi. Sau 3 tuần tuổi, chúng mới bắt đầu biết ăn và biết đi, lúc ấy cả mẹ lẫn con không nằm trong ổ nữa, chúng rời xa luôn gian phòng này, nếu đưa chúng vào và đóng cửa lại thì chúng cào cấu la khóc ỏm tỏi. Chúng vào nằm ở hai gian phòng bên cạnh hoặc ngoài hành lang của hai gian đó, tôi phải trải chiếu và chăn vào một góc hành lang cho chúng ngủ.
Tôi bỗng nhớ lại cảm giác khó chịu khi ngủ trong gian phòng đó, thì ra ở đây có vấn đề. Tôi thử mắc võng ngủ thêm một đêm nữa, vẫn có cảm giác khó chịu như trước. Hôm sau tôi mắc võng ngoài hành lang gian phòng bên cạnh, phía trên chỗ lũ chó nằm, đêm ngủ rất ngon, sáng dậy trong người vô cùng dễ chịu. Con chó đúng là bậc thiên tài về phong thủy.
Ký sự Người nuôi chó Kỳ 24 : Thầy phong thủy của tôi
Có những khí “lạ” gì trong gian phòng, tôi không tài nào biết được. Và vì sao trong ba gian kế nhau chỉ duy nhất gian phòng này có thứ khí “lạ” đó tôi cũng không có cách gì lần mò ra. Nhưng điều chắc chắn đó không phải là khí lành. Dọc bên ngoài phía sau dãy nhà ba gian tôi trồng một hàng dâm bụt, hàng dâm bụt phía ngoài gian phòng nói trên phát triển èo uột, trong khi số dâm bụt phía ngoài hai gian phòng còn lại thì xanh mướt, mặc dù mức độ chăm sóc là ngang nhau.
Cái thứ khí không lành kia có thể từ dưới đất bốc lên hay do gió mang đến hàng ngày từ một nơi xa xôi, hoặc là do một chất gì đó tiết ra từ một loại cây cỏ hay côn trùng quanh quẩn đâu đây. Nó có thể tồn tại lâu hay mất đi, con người không có khả năng nhận biết, chỉ có lũ chó mới nhận ra.
Bạn cũng cần lưu ý, trong cả một khu vườn, dù rộng hay hẹp, và ngay cả trong bất cứ một căn nhà nào, nếu bạn quan sát động thái của con chó, bạn sẽ thấy có chỗ tốt, có chỗ không tốt. Chỗ tốt là chỗ lũ chó hay nằm, còn chỗ không tốt là nơi chúng tránh xa. Vì vậy, đặt giường ngủ hay bàn làm việc ngay chỗ chó hay nằm là tốt nhất. Và nếu treo võng ngoài vườn, bạn hãy treo ở những gốc cây chó thường nằm, bạn sẽ có một giấc ngủ an lành hơn ở những nơi khác.
Thế giới xung quanh ta, ngay cả một khu vườn hay trong căn nhà chúng ta đang ở, cũng có vô vàn những điều kỳ ảo. Đất lành hay đất dữ chỉ là tương đối. Hàng tỷ tỷ những sinh linh có mặt trong sự sống cùng với chúng ta, lành đối với sinh vật này nhưng dữ đối với sinh vật kia và ngược lại, con người chẳng biết đâu mà lần. Người ta thường nói “rừng thiêng nước độc”, “lam sơn chướng khí”, là nói dưới góc độ của con người, còn đối với các sinh vật hoang dã thì đó là nơi an lành tuyệt hảo.
Tự nhiên thiên biến vạn hóa, còn tri thức của con người thì rất hữu hạn. “Am trung bất kiến am tiền vật/Thủy tự mang mang hoa tự hồng” (*)(Ngồi trong am không thể thấy được vật ở ngoài am/Sông thì tự chảy còn hoa thì tự hồng). Nhưng ngay cả ngồi trong một cái am hay trong 4 bức tường, chúng ta cũng không thể biết, không thể “thấy” hết được vũ trụ vận hành như thế nào trong đó. Kinh Dịch được coi là cuốn sách mênh mông như biển cả, những người viết ra cuốn sách này có tham vọng thâu tóm mọi sự biến hóa của nhân sinh và đất trời sông biển, nó được người xưa (và cả ngày nay) ứng dụng để nắm bắt sự tuần hoàn của vũ trụ, sự thăng trầm của thế sự, của mệnh nước, của phận người. Thuật phong thủy và bói toán cũng lấy nó làm nền tảng. Nhưng dù có mênh mông bao quát tới đâu thì Kinh Dịch vẫn là sản phẩm của trí não con người, nó vẫn không thoát khỏi tình cảnh “am trung bất kiến am tiền vật”.
Cho nên, để ăn ở sao cho an lành, “con đầu đàn” tôi nhận lũ chó làm thầy. Dựng nhà chỗ nào, đặt giường ngủ ở đâu, vị trí nào là nơi làm việc, vị trí nào làm chỗ nghỉ ngơi…, mọi thứ cứ theo những vệt chó nằm mà thực hiện. Con chó đã chung sống hàng vạn năm với con người, nên điều dễ hiểu là những gì tốt lành đối với con chó đều tốt lành đối với chúng ta.
Chỗ nằm của sếp nhất và tôi lành đến mức khi nào sếp cho phép lên giường thì cả lũ chó to thi nhau chen lấn. Dưới bàn làm việc của chúng tôi thằng Bầu chiếm chỗ, dưới ghế thì thằng Bí. Đám trẻ con giờ đã hơn 3 tháng tuổi, trước chúng ngủ ở hành lang, sau đó nằm ôm nhau dưới gốc cây sến, khi sếp nhất trồng dây lan vani cho bò lên cây sến thì tôi phải rào cây sến lại, giờ thì đêm đêm chúng ngủ an lành dưới tán cây dầu cạnh bụi tre và những gốc dâu.
(còn tiếp)
(*) Thơ của Quách Am thiền sư

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 23: Bàn về xiềng xích
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 22: 'Thiếu nữ' ngồi thiền
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 21: Khi con chó bị liệt cả 4 chân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.