(iHay) “Con đầu đàn” tôi đúng là ngu đần vô tích sự, nhưng cũng có lúc được việc. Đó là khi tôi cứu được con Tu-ti bị bệnh thập tử nhất sinh.
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
Khi ấy thằng Bim và con Tu-ti chưa lên cái vườn này. Chúng tôi đi công tác xa một thời gian, phải gửi chúng đến chỗ dịch vụ giữ chó, rồi chuyển đến nhà em tôi ở Củ Chi khoảng vài tuần. Có lẽ thời gian đi ở trọ do thay đổi thức ăn và không gian sống nên khi mang về, thằng Bim thì không sao nhưng con Tu-ti thì bỏ ăn, vừa nôn vừa tiêu chảy, nó lại đang có dấu hiệu động dục lần đầu. Chó Phú Quốc nếu nuôi thả tự do trong vườn thì bệnh đó sẽ tự khỏi, vì chúng sẽ tìm cây cỏ ăn để tự chữa. Nhưng nó đang ở với chúng tôi trong một chung cư, đâu có thể mặc kệ mà ngồi nhìn.
Đưa nó đến bác sĩ thú y thì tôi dứt khoát không. Vì trước đó mấy ngày bạn tôi cũng có một con bị tiêu chảy, đưa đến bác sĩ tiêm thuốc và truyền dịch, hai ngày sau thì nó chết. Tôi nghe nói phần lớn các bác sĩ chữa bệnh cho chó đều chỉ “cam kết” 50/50, nghĩa là đưa chó đến thú y cũng giống như chơi xóc dĩa, thua nhiều hơn thắng.
Tôi dùng thuốc trị tiêu chảy đông y không ăn thua. Nó nôn và tiêu chảy đến ngày thứ hai thì trong bụng không còn gì, uống nước vào cũng nôn. Buộc phải cho nó uống sữa, tôi cẩn thận đến đường Cách mạng tháng Tám mua sữa bò tươi nguyên chất không thanh trùng hay tiệt trùng về hâm nóng lên cho uống. Uống bao nhiêu nôn bấy nhiêu. Tôi hỏi mọi nơi có thể hỏi. Có người bảo rang gạo cháy sém rồi nấu cháo lấy nước đổ cho nó, dù nó nôn cũng còn chút ít trong bụng, nếu ngừng nôn trong vòng 8 tiếng thì sẽ sống. Tôi thấy có lý, vì ngày xưa bà nội tôi cũng thường lấy lúa trùm mễ (lúa để lâu năm) rang lên nấu cháo lấy nước cho con cháu uống lúc bị kiệt sức. Tôi áp dụng ngay, nhưng nó vẫn nôn không dứt. Đến ngày thứ tư thì nó nằm bẹp không đứng dậy được. Tôi vẫn tiếp tục đổ nước cháo gạo rang cho nó, cứ 1 tiếng đổ vài muỗng, ngày cũng như đêm, cũng không ăn thua. Đến ngày thứ năm, nó vẫn nằm bẹp, mắt nhắm nghiền, thỉnh thoảng mới mở ra he hé.
Tôi lục mọi ngóc ngách trong trí nhớ và phát hiện ra một mối liên quan. Lúa gạo là thức ăn chính của người Việt chúng ta, khi bị kiệt sức thì dùng lúa gạo rang cháy lên nấu lấy nước làm hồi sức, nhưng con chó thì thức ăn chính là thịt chứ đâu phải là lúa gạo. Tôi lập tức lấy thịt heo nạc nướng cháy lên nấu lấy nước đổ vào miệng nó. Đầu tiên đổ hai muỗng. Nó không nôn. 1 tiếng đồng hồ sau đổ hai muỗng nữa, nó vẫn không nôn. Tôi tiếp tục đổ 1 tiếng 1 lần, sau 1 ngày thì nó đứng dậy được và tự liếm nước thịt. Thật là kỳ diệu. Đến ngày hôm sau thì nó bắt đầu ăn và khỏi bệnh. Cả nhà tôi mừng hết lớn.
Tôi không dám nói đó là kinh nghiệm có thể áp dụng cho những con chó khác, bởi vì bệnh tiêu chảy và nôn có nhiều nguyên nhân khác nhau. Con Tu-ti nhà tôi bị bệnh là do cơ thể thay đổi (động dục), thức ăn và không gian sống thay đổi và tôi nghĩ bệnh của nó trầm trọng thêm do uống sữa. Sau này tôi đưa hai con chó của tôi lên cái vườn này, loại bệnh như vậy không còn xảy ra nữa, nếu chớm xảy ra thì chúng đã sớm tự chữa, vì tôi để ý thỉnh thoảng đang ăn mà nôn, chúng chạy ngay ra vườn nhai mấy cọng cỏ rồi vào ăn lại, khi thì nhai lá sả, khi thì nhai cỏ mần trầu, cỏ ống, lá cứt lợn, cỏ mực …, tùy con và tùy thời điểm, tùy sự bất ổn trong cơ thể của mỗi con. Các vị danh y ngày xưa không bao giờ có một thang thuốc áp dụng đồng loạt cho nhiều người dù cùng một bệnh, cùng một triệu chứng.
Cùng một bệnh, cùng một triệu chứng, cùng một tác nhân gây bệnh nhưng tác nhân gây bệnh vào buối sáng khác với buổi chiều, nam khác nữ, trẻ khác già, miền ngược khác miền xuôi, thể hiện ở mạch. Các bậc thần y bắt mạch có thể biết được những diễn biến khác nhau đó. Cho nên mỗi người phải có một thang thuốc khác nhau. Có lẽ các vị học từ những con chó, con heo hay con vật quen thuộc, thế hệ này theo dõi khảo nghiệm đúc kết rồi truyền cho thế hệ khác, thông qua các truyền nhân chứ không phải bằng sách vở, một số được lan truyền trong dân gian.
Tôi cũng thử áp dụng cách chữa bệnh cho con Tu-ti để chữa cho một con chó con, nhưng chỉ thành công một nửa. Đó là trường hợp của thằng Đậu.
Thằng Đậu cũng cùng lứa với thằng Ổi và con Na. Nó là con bạch hổ lông sát, hai tháng tuổi đã dựng tai, hứa hẹn thành một anh chàng đẹp trai thanh thoát. Nó là đứa tự ra vườn đi vệ sinh sớm nhất. Nó biết ăn cùng lúc và ăn uống bình thường như những đứa khác, nhưng khoảng hơn 2 tháng tuổi nó yếu dần và bắt đầu nôn, tiêu chảy, dù không có sự thay đổi bất thường nào về thức ăn. Nó bỏ ăn, ban đầu vẫn còn bú, nhưng sau đó thì không đủ sức dành tí. Tôi phải “xếp hàng” với mấy đứa nhỏ để dành tí giữ cho thằng Đậu bú, được vài hôm nó cũng không bú nổi, tôi phải vắt sữa mẹ nó để bón cho nó. Khi tôi nướng thịt nấu lấy nước bón kèm thì nó hết nôn, hôm sau giữ tí nó bắt đầu bú lại được. Nhìn nó nằm dúi đầu vào lòng mẹ thấy thương quá. Thương nhất là dù đi không vững nhưng vẫn cà nhắc ra vườn đi vệ sinh, khi vào nhà không bước được lên bậc thềm tôi phải bế nó lên. Dần dần nó khỏi bệnh, nhưng khỏi vài tuần thì tái phát. Biện pháp của tôi hết tác dụng, nó chết khi chưa đầy 3 tháng tuổi.
Người ta bảo trong một đàn chó con, thường có con bẩm sinh bị khiếm khuyết một cái gì đó trong cơ thể, trong tự nhiên nó sẽ bị thải loại. Có lẽ thằng Đậu là một con như vậy, bản năng của nó không phát triển đủ để có thể tự đề kháng. Bạn phải chấp nhận thôi, chẳng còn cách nào khác.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Đến Phú Quốc nhớ ăn bún kèn, bún nhâm
>> Đến Phú Quốc tắm suối Đá Bàn
>> Phú Quốc: Biển, sóng và san hô!
>> Tinh hoa 'đảo ngọc' Phú Quốc
>> Ngon, bổ ốc Hương Phú Quốc
>> Ra Phú Quốc làm "chúa đảo
Bình luận (0)