TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó

24/03/2015 15:35 GMT+7

(iHay) Chó Phú Quốc con nào cũng bơi giỏi, giữa các ngón chân chúng nó có màng như chân vịt.

(iHay) Chó Phú Quốc con nào cũng bơi giỏi, giữa các ngón chân chúng nó có màng như chân vịt. Đặc tính đó hình thành do tổ tiên chúng sinh ra trên đảo, thường xuyên phải săn mồi dưới nước, rồi di truyền lại cho con cháu.

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh

 
Chó Phú Quốc bơi giỏi

Một con chó con chưa hề xuống nước, nếu bạn ném nó xuống ao hồ, lập tức nó nổi lên và bơi vào bờ liền, lần nào cũng như lần nào. Nhưng bạn chớ dại làm như vậy, vì làm như vậy con chó sẽ sợ hãi và từ đó sẽ không tự mình xuống nước nữa, trừ những trường hợp bức thiết không còn đường nào khác. Tôi đã dại dột ném thằng Chuối và thằng Ổi xuống ao khi chúng hai tháng tuổi, hậu quả là từ đó tới giờ hai thằng này không bao giờ tự mình xuống nước trong khi đàn em của chúng con nào cũng đi bơi ầm ầm. Cưỡng bức thực hiện một hành vi thuộc bản năng con chó, bạn sẽ triệt tiêu bản năng đó.

Nhưng chó Phú Quốc bơi là đi săn mồi chứ không phải đi bơi để tắm cho sạch sẽ, để tăng cường sức khỏe hay vui chơi giải trí khơi khơi như con người. Bản thân nó không thích tắm rửa và không cần phải tắm rửa.

Tắm cho sạch cơ thể là một trong những điều kỳ lạ nhất của con người. Trong thiên nhiên có nhiều loài vật tắm, nhưng cũng có nhiều loài vật không tắm. Những loài tắm, có con tắm nước, có con tắm bùn, có con tắm đất, có con tắm cát..., nhưng dù là tắm gì thì mục đích cũng là để cân bằng thể trạng, để giải quyết một vấn đề gì đó trong cơ thể chứ ít có con nào tắm để cho sạch như chúng ta. Cơ thể của chúng có khả năng tự làm sạch mà không cần tắm rửa. Nếu có con nào tắm để cho sạch thì khái niệm sạch của nó cũng khác với khái niệm sạch của con người, tất nhiên chúng ta không biết khái niệm đó là gì vì chúng không biết nói. Riêng con chó, theo tôi để ý thì chúng thường tắm đất, tắm cỏ và tắm… phân, chứ không tắm nước. Tắm nước là do con người tắm cho nó, tắm riết thành quen, chứ trước sau đều không thích.

Con chó khỏe mạnh sống trong môi trường tự nhiên bình thường vốn không hôi. Chúng hôi có hai nguyên nhân chính: do tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm hóa chất và do… tắm. Da của con chó có một lớp màng bảo vệ rất mỏng, khi lớp màng bị tổn thương bởi hóa chất trong môi trường hay hóa chất trong nước tắm, dù là nước tắm dành riêng cho chó, cơ thể con chó sẽ tiết ra một chất tự vệ. Chính chất đó gây hôi. Cho nên chó càng bị tắm sẽ càng hôi.

Hai con chó đầu tiên khi mới mang về tôi tắm cho chúng 2 ngày 1 lần. Chúng hôi không chịu nổi. Giảm tần suất tắm đi, chúng bớt hôi. Khi đưa lên cái vườn này, chúng không bị tôi tắm nữa, mùi hôi hết hẳn. Các con của chúng chưa con nào bị tắm (trừ khi bị vấy chất quá bẩn, nhưng chỉ tắm nước lã, không dùng nước tắm hoặc xà phòng), không có con nào hôi. Một số con thỉnh thoảng tối vẫn nằm ngủ với tôi, nhưng trên giường không hề có “mùi chó”.

Thỉnh thoảng những con chó của tôi lăn vào phân bò (tắm phân), đương nhiên là người chúng không thể không hôi mùi phân bò, khi ấy chúng phải bị tắm. Nhưng khi tôi thử để nguyên không tắm, chỉ một hôm sau không còn mùi phân nữa, từ đó ngay cả khi chúng lăn vào phân bò tôi vẫn không tắm. Heo, bò và dê trong vườn nhà tôi cũng rất sạch. Bò chỉ ăn cỏ và rơm rạ, heo cũng ăn cỏ và ăn dặm thêm chuối cây, rau, cám gạo. Phân heo phân bò nuôi tự nhiên đó không những không bẩn mà còn có tác dụng khử uế môi trường, thậm chí có thể dùng làm thuốc khử độc (phân heo) hoặc trị vết thương (phân bò).

 
Chó Phú Quốc xuống nước bơi không phải để tắm

Chúng thỉnh thoảng mới tắm phân thôi, chứ không thường xuyên. Chúng tắm phân bò có cái lý của chúng. Trong dân gian, người ta lấy phân bò bôi vào chính vết thương của con bò sẽ khỏi. Một số nghiên cứu gần đây trên thế giới cũng cho thấy những tác dụng trị liệu của phân và nước tiểu bò. Tôi đã hỏi một số người có kinh nghiệm nuôi chó ở quê, người ta bảo con chó lăn vào phân bò để cân bằng thể trạng và để chống tổn thương da do bị xây xước hay côn trùng cắn. Còn tại sao chỉ một ngày sau thì không còn mùi phân bò trên cơ thể chúng thì chắc có một cơ chế tự làm sạch nào đó nhưng tôi không biết, vì tôi tuy danh nghĩa tự phong là “con đầu đàn” nhưng phấn đấu còn lâu mới thành một con chó.

Ai cũng biết chó thích ăn phân. Có lẽ chúng ta phải minh oan cho con chó về chuyện “nhạy cảm” này. Ngày xưa dân quê ta nhà nào có trẻ con đều phải nuôi chó. Chó ăn phân trẻ con ngày xưa không sao cả, nhưng phân trẻ con ngày nay thì nhất định có vấn đề. Vì ngày xưa dù nhà nghèo hay giàu thì thức ăn của trẻ con cũng thường là thực phẩm tự nhiên không có hóa chất. Theo y lý của Đông y, phân trẻ con cũng như phân heo, không những không bẩn mà còn là vị thuốc giải độc, chẳng hạn ngộ độc nấm đốt lên uống sẽ khỏi. Nhưng ăn uống có hóa chất thì phân, dù là phân trẻ con hay phân heo, phân bò, đều rất độc hại. Riêng về vấn đề sán lãi, nếu người hay gia súc ăn thức ăn có hóa chất sán lãi phát triển đột biến bất bình thường, còn ăn uống thực phẩm tự nhiên sán lãi chỉ tồn tại ở “mức cho phép” vô hại.

Tóm lại, con chó ăn phân chính là để tự phòng và giải độc, nhưng vì bản năng con chó không thể nào thích nghi với một thế giới ăn uống đầy hóa chất của con người, cho nên tốt nhất là để cho con chó tránh xa tất cả các thứ phân thải ra từ thức ăn nhiễm hóa chất.

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.