TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 9: Nỗi niềm nan giải

28/03/2015 19:33 GMT+7

(iHay) “Sếp nhất” nghiêm với “con đầu đàn” tôi chứ không nghiêm với những con chó khác.

(iHay) “Sếp nhất” nghiêm với “con đầu đàn” tôi chứ không nghiêm với những con chó khác. Miễn là “con đầu đàn” tôi nghiêm với lũ chó thì sự không nghiêm kia có thể chấp nhận được, nó chỉ làm cho không khí nhộn nhịp thêm mà thôi.

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 9: Nỗi niềm nan giải 

Thằng Chuối nguyên là con một, khi thằng Bim mất, thằng Ổi và những đứa khác chưa ra đời. Chuối suốt ngày ngóng đợi bố Bim, tâm trạng đó hình thành một tính cách. Khi các em nó lần lượt sinh ra, nó ít khi chơi đùa với chúng. Có lẽ vì vậy mà bọn nhỏ cũng không quấn quýt với nó, nhưng mỗi khi gặp sự cố gì nó sủa một tiếng lao đi là bọn nhỏ lao theo. Vì vậy, ngăn đàn chó cắn heo cắn gà phải ngăn từ thằng Chuối.

Mấy tháng nay thằng Chuối với thằng Ổi đang tranh hùng bất phân thắng bại. Thằng Chuối là anh cả, tuy được đàn em nể phục nhưng mới là sự nể phục mặc nhiên, chưa phải nể phục từ chiến tích. Đám chó nhỏ không đứa nào dám vô phép với thằng Chuối, cho đến khi thằng Ổi lớn lên. Thời gian đầu, mỗi lần thằng Ổi vô phép là thằng Chuối xông lại cắn, Ổi cũng cắn lại một miếng mới cụp đuôi chạy. Đáng lẽ như vậy là Ổi thua, Chuối nghiễm nhiên khẳng định vị trí là sếp, chỉ đứng dưới “con đầu đàn” tôi một bậc.

Nhưng thằng Ổi vốn là đứa có cá tính mạnh nhất trong đàn. Lúc mở mắt mới được mấy ngày nó đã biết sủa khi có người lạ, “người lạ” ở đây là tất cả người và chó, chỉ trừ mẹ và anh chị em của nó đang nằm trong ổ. Cho đến khi biết ăn nó mới không coi “con đầu đàn” này là người lạ, một thời gian lâu sau nó mới chấp nhận thêm “sếp nhất”. Từ đó ngoài chúng tôi ra, không có bất kỳ ai khác có thể chơi thân được với thằng Ổi. Nó không giành ăn, không cắn lộn, nó bảo vệ mọi con chó trong đàn, hễ con nào bị uy hiếp là lập tức nó chồm tới, như trường hợp mẹ dê húc con Tu-ti mà tôi đã kể. Đặc biệt, khi có người lạ, nó không rời xa chúng tôi, có lẽ nó đề phòng chúng tôi gặp bất trắc. 

Một cậu bạn ở gần nhà tôi thỉnh thoảng đến chơi, dù đã quen biết lâu ngày nhưng thằng Ổi vẫn cảnh giác. Một hôm tôi cho cậu ấy một củ gừng gió “sếp nhất” mang từ Côn Đảo về, củ gừng để trên bàn, ngồi chơi một hồi, trong khi tôi xuống bếp, cậu bạn chào tôi ra về, vừa chào vừa lấy củ gừng cho vào túi. Lập tức thằng Ổi xông tới lấy chân trước giật lại. Theo quán tính, cậu bạn tôi lấy tay đẩy nhẹ nó ra thì 4 con chó lớn còn lại tưởng cậu ấy đánh thằng Ổi nên đồng loạt chồm tới, những con chó này đối với bạn tôi đều là chỗ đã thân tình.


Chó Phú Quốc thỉnh thoảng lội xuống ao săn cá

Thằng Ổi giờ đã tuổi rưỡi, nhiều khi tôi nghĩ dại, nếu như chúng tôi có mệnh hệ gì thì thằng Ổi chắc sẽ không còn nơi nương tựa. Những con chó khác có thể sẽ quen dần với chủ mới, còn thằng Ổi thì không. Em tôi, sống ở đây cả năm trời, nhưng tối ngủ nếu nằm im thì thôi, hễ cựa quậy là nó sủa. Một con chó gắn bó với bạn và bạn yêu thương nó như là con của mình, bạn nhất định phải tìm cách sống cho thật lâu, đừng để con chó của bạn phải hàng ngày ra ga chờ bạn suốt 9 năm ròng rã như con Hachico của ông giáo sư người Nhật, cũng đừng để cho con chó của bạn ra nằm bên mộ bạn nhịn ăn mà chết như nơi này nơi kia người ta vẫn kể. Con chó nào cũng có thể là những con chó trung thành như thế, nhưng bạn đừng nên mong và đừng để xảy ra, tội nghiệp nó lắm !

Trở lại cuộc “tranh hùng” giữa thằng Chuối và thằng Ổi. Ổi tuy thua nhưng đâu có chịu, hôm trước cắn lại một miếng, hôm sau cắn hai miếng, hôm sau nữa giằng co không bỏ chạy. Cuối cùng thì thằng Chuối yếu thế hơn, nhưng đương nhiên nó không chịu thua, là do bao giờ tôi cũng phải can thiệp dừng cuộc đấu nửa chừng. Thằng Ổi không gây sự, nhưng thằng Chuối lâu lâu gần thằng Ổi là gầm gừ, khi không có tôi Ổi thấy Chuối gầm gừ thì xông vào cắn. Có hôm Chuối gầm gừ, Ổi xông tới thì Chuối sà luôn vào chân “sếp nhất” để được che chở, thằng Ổi thấy thằng Chuối dựa “ô dù” càng thêm tức, lao tới cắn luôn một phát chảy máu mồm. Thằng Chuối có “ô dù” bên cạnh nên tự tin hơn, cắn trả liền hai ba phát khiến thằng Ổi chảy máu mũi. "Sếp nhất" thấy cả hai thằng đều máu me thì khóc thét lên, nhìn thằng Chuối thì quát thằng Ổi, nhìn thằng Ổi lại quát thằng Chuối, thấy thằng nào cũng không đáng quát thì quay sang quát “con đầu đàn”. Khi “con đầu đàn” tôi có mặt thì cả hai đứa đều quấn vào chân sếp, mỗi thằng định nấp một bên,  tôi phải quát to một tiếng mới cụp đuôi chạy mỗi thằng mỗi ngả.

Có lẽ phải để cho hai thằng này cắn nhau một trận tới cùng, không can, không che chở cho thằng nào, để cho thằng thua tự biết thân phận mà thần phục thằng thắng thì mới bình yên được. Biết là phải làm như vậy, nhưng tôi vẫn hoang mang. Chúng không khác gì những đứa con máu mủ của chúng tôi, làm sao chúng tôi có thể cam lòng …

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

 

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 6: Lãnh thổ của con chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 6: Lãnh thổ của con chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.