Cách mạng tháng Tám qua hồi ức nhân sĩ trí thức Nam bộ:

Kỹ sư Nguyễn Đăng - Nho tướng trấn giữ Cần Thơ

28/08/2024 06:00 GMT+7

'Ở Cần Thơ, lính Nhật đông vì có cả số lính đóng ở các tỉnh khác của miền Tây được gom về, do đó dự tính có khả năng chúng bắn vào đoàn biểu tình sẽ gây ra đổ máu phức tạp, vì vậy cử anh Huỳnh Phan Hộ và tôi cùng với một phiên dịch đến Ban Tham mưu quân đội Nhật, yêu cầu họ án binh bất động và không gây trở ngại cho đoàn biểu tình', kỹ sư Nguyễn Đăng nhớ lại.

Giữa tháng 8.1945, ông Nguyễn Thanh Sơn tổ chức một cuộc họp bí mật ở xóm Thầy Cầu, Cần Thơ. Đại diện các tổ chức chính trị và tôn giáo sau khi nghe ông Thanh Sơn nhận định tình hình thời sự và yêu cầu cách mạng, tất cả đều thống nhất thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ, ông Nguyễn Đăng là một thành viên.

Nhận được tin Sài Gòn đã giải phóng (25.8.1945), Cần Thơ quyết định hôm sau (26.8) khởi nghĩa giành chính quyền. Ông Nguyễn Đăng và ông Huỳnh Phan Hộ nhận nhiệm vụ giao thiệp với quân Nhật, để họ án binh bất động, không cản trở quần chúng khởi nghĩa.

Kỹ sư Nguyễn Đăng - Nho tướng trấn giữ Cần Thơ- Ảnh 1.

Kỹ sư Nguyễn Đăng (1921 - 2008)

ẢNH: THANH SƠN CHỤP LẠI

"Đề phòng họ trở mặt, cầm giữ đoàn không cho về, bên ta bố trí một lực lượng thanh niên cứu quốc và thanh niên tiền phong có vũ trang chiếm lĩnh các nhà chung quanh Ban Tham mưu để gây thanh thế", ông Nguyễn Đăng kể tiếp trong hồi ức: "Bọn Nhật điện xin chỉ thị cấp trên của họ, nhưng mãi đến gần 16 giờ, chúng vẫn trả lời chưa nhận được chỉ thị. Đoàn ta ra về và bên ta quyết định cứ tiến hành".

Ngày 26.8.1945, từ thành thị đến nông thôn, từ các quận, các xã, dưới một rừng cờ đỏ sao vàng, người dân Cần Thơ kéo về tổ chức mít tinh tại nhà thông tin. Quần chúng diễu hành có trật tự, hào hứng hô vang các khẩu hiệu, chào mừng Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Cần Thơ được thành lập.

Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Cần Thơ đứng trước nguy cơ vụ lúa mùa bị mất lớn. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho gọi ông Nguyễn Đăng - người phụ trách nông nghiệp các tỉnh miền Tây Nam bộ về trao đổi. Hai ông bàn bạc, rồi ông Nguyễn Đăng lên Sài Gòn gặp ông Huỳnh Phú Sổ - người đứng đầu đạo Hòa Hảo - bàn phương hướng cùng giải quyết để không ảnh hưởng đến đời sống của tín đồ vùng Hòa Hảo. "Cuộc gặp gỡ đã diễn ra suôn sẻ, ông Huỳnh Phú Sổ hứa ra thông tư cho các cấp đạo và nhờ tôi về nói lại để các anh lãnh đạo yên tâm", ông Nguyễn Đăng kể trong hồi ức Hành trình Cần Thơ - Hà Nội (NXB Trẻ, 1999).

Kỹ sư Nguyễn Đăng - Nho tướng trấn giữ Cần Thơ- Ảnh 2.

Kỹ sư Nguyễn Đăng (trái) trao đổi về tờ báo Hỏa xa với ông Khuất Minh Trí - Chủ tịch Công đoàn đường sắt VN

ẢNH: KHẢI MÔNG CHỤP LẠI

Pháp đánh úp rồi chiếm đóng Nam bộ phủ ở Sài Gòn (23.9.1945). Lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến được Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ phát động. Cần Thơ tuy ở xa nhưng cũng đã tích cực tổ chức tập luyện quân sự, tuần tra canh gác, chuẩn bị chiến đấu. Ủy ban Kháng chiến tỉnh Cần Thơ được thành lập do ông Trần Văn Khéo làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Đăng làm ủy viên phụ trách giao thông liên lạc của Ủy ban.

Từ một kỹ sư canh nông, trong khi thế nước lâm nguy, tiếp nối truyền thống cha ông Nam bộ quật khởi, ông Nguyễn Đăng trở thành Nho tướng trên chiến trường kinh rạch Tây Nam bộ. Nho tướng Nguyễn Đăng - Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Cần Thơ đã cùng các nhà quân sự Phan Trọng Tuệ (Thiếu tướng năm 1955) - Chỉ huy trưởng mặt trận Cái Khế (sau là Bình Thủy) và Văn Viên, Dương Thành Nhựt vừa chặn đánh quân Pháp vừa huấn luyện quân sự cho quân đội non trẻ của ta. Nguyễn Đăng - Phó tư lệnh Khu 8, Tham mưu trưởng Nam bộ đã cùng các nhà quân sự Trần Văn Trà - Tư lệnh Khu 8, Nguyễn Văn Vịnh - Chính ủy Khu 8, Huỳnh Phan Hộ - Chỉ huy trưởng Cộng hòa vệ binh Cần Thơ, Tư lệnh Khu 9… lập nên những chiến công lẫy lừng: trận Cái Răng, trận Tầm Vu… tiếp tục tỏa sáng hào khí Nhật Tảo anh hùng. Nổi tiếng nhất là trận Tầm Vu (lần thứ 3) ngày 3.5.1947 đã đốt cháy 6 xe cam-nhông, diệt trên 100 tên địch, thu 8 súng đại liên, 2 súng cối, 4 trung liên và 47 súng trường... Chiến thắng Tầm Vu lần thứ 3 gây tiếng vang lớn, làm nức lòng quân và dân miền Tây Nam bộ. (còn tiếp)

Ông Nguyễn Đăng, người gốc Tây Ninh, sinh trong gia đình khá giả, học tới đại học ở Hà Nội, trước năm 1945 đã lấy được bằng kỹ sư Canh nông Đông Dương.

Nguyễn Đăng sớm có tinh thần yêu nước, tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Sài Gòn và Hà Nội rồi đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh chống Pháp, hoạt động bí mật tại Cần Thơ. Tháng 8.1945, ông đã tham gia cướp chính quyền tại đây.

Kỹ sư Nguyễn Đăng đại biểu Quốc hội 5 khóa trong 36 năm: 25 năm từ khóa I (1946) đến khóa III (1971) và 11 năm tiếp theo khóa VI (1976) khóa VII (1987), trong đó có thời gian ông là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT). Ghi nhận công lao của ông, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã trao tặng cho ông: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.