Xúc động hình ảnh tân kỹ sư nhận bằng trên xe lăn và căn bệnh nguy hiểm…
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp các kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân ngày 24.4. Trong số hơn 900 người được trao bằng đợt này, Vũ Kiều Hải Hòa là một trường hợp đặc biệt và gây xúc động mạnh với những người tham dự buổi lễ. Khác với các bạn cùng trang lứa, Hòa được mời lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp trên chiếc xe lăn, phía sau có chả cha và mẹ cùng chứng kiến sự trưởng thành của Hòa.
Hải Hòa (23 tuổi, quê Bình Phước) tốt nghiệp ngành khoa học máy tính với số điểm trung bình tích lũy 7.9. Hòa chia sẻ: "Em rất vui khi được ra trường, lúc mới vào em còn nghĩ không thể thực hiện được việc này. Giờ ra trường được, em vui và mừng lắm”. Cũng theo tân kỹ sư này: “Trong cuộc sống lẫn trong học tập, em nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ bạn bè và thầy, cô như làm thủ tục, hồ sơ, miễn giảm các môn học về thể lực... Bí quyết học tập của em khá đơn giản, trên lớp em chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài và về nhà tự học, tự nghiên cứu là chính".
Sinh ra với căn bệnh khuyết tật thần kinh vận động, mọi hoạt động đi lại của Hòa đều cần có người và máy móc hỗ trợ. Sau khi tốt nghiệp Trường THPT thị xã Bình Long (Bình Phước), Hòa đứng trước 2 lựa chọn nghề nghiệp: nghề giáo và công nghệ thông tin. “Em thích nghề giáo và muốn sau này được đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, xét tình hình sức khỏe bản thân, em quyết định chọn học về công nghệ thông tin vì phù hợp hơn. Sau một thời gian theo học em cũng đã cảm nhận được sự phù hợp của ngành học này với bản thân hơn”.
Giờ cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, Hải Hòa mong muốn tìm được một công việc phù hợp với ngành đã học ngay tại TP.HCM để phụ đỡ ba mẹ lo cho bản thân. “Làm việc ở công ty sẽ hay hơn vì được học hỏi mọi người nhiều hơn. Tuy nhiên, với thể trạng sức khỏe bản thân, em chắc chỉ có thể xin làm việc từ xa”.
… và người cha 4 năm ròng rã ở chung KTX nuôi con
Câu chuyện xúc động của tân kỹ sư Vũ Kiều Hải Hòa không chỉ hình ảnh nhận bằng trên xe lăn, mà còn một chặng đường dài vất vả hơn 10 năm của ba mẹ cậu kể từ ngày Hòa không thể tự đi lại.
Về căn bệnh khuyết tật thần kinh của mình, Hòa bùi ngùi : “Căn bệnh này nguy hiểm lắm vì không có phương pháp điều trị. Cả một quá trình từ nhỏ em luôn cố gắng luyện tập để mong khỏi bệnh nhưng không có kết quả. Em tìm hiểu nhiều tài liệu nước ngoài về bệnh của mình nhưng không có tí hi vọng nào. Có thời gian em buồn và mất đi động lực cố gắng luôn”.
Tân kỹ sư tiếp tục chia sẻ: “Em bị căn bệnh này từ nhỏ nhưng mới năm ngoái mới biết chính xác tên bệnh. Lúc nhỏ em không khỏe nhưng vẫn đi lại được nhưng bước vào cấp 2 thì yếu hơn và không còn tự đi được nữa. Khi học phổ thông gần nhà, ba mẹ đã thay nhau đưa đón em đến trường. Khi bắt đầu học ĐH, em tới Sài Gòn học và chỉ mình ba đi theo. Chặng đường ấy cũng hơn chục năm…”.
Hải Hòa đã hoàn thành việc học ĐH trong 4,5 năm – đó cũng chính là quãng thời gian ròng rã ông Vũ Đức Vĩnh (57 tuổi) chuyển từ Bình Phước lên TP.HCM theo từng bước chân đứa con út của mình. Hòa và ba được bố trí ở tại tầng trệt của khu KTX A (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nơi dành cho sinh viên khuyết tật. Ở đây, ngoài việc chăm sóc và hỗ trợ con đi lại, ông Vĩnh còn xin làm công nhân chăm sóc cây xanh tranh thủ kiếm thêm tiền trang trải.
“Học phí toàn khóa học em đã được Tỉnh Đoàn Bình Phước hỗ trợ nhưng ba phải đi làm để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt phí cho ba con. Việc di chuyển không thuận lợi nên lâu thật lâu hai ba con mới về nhà thăm mẹ”, Hòa nói.
Chia sẻ về người con Út Hải Hòa trong số 3 người con của mình, ông Vũ Đức Vĩnh cũng thật nhiều tâm trạng. Ông nói: "Những ngày tháng đưa đi học, đến trường thấy con người ta tung tăng, con mình phải ngồi một chỗ muốn đứt ruột. Nhưng số phận đã vậy biết làm sao, chỉ nghĩ dù ăn xin ăn mày cũng cố gắng lo cho con ăn học".
Giờ đây Hòa đã hoàn thành việc học như ý nguyện ban đầu nhưng với người cha như ông Vĩnh, nỗi lo vẫn chưa nguôi. "Hết lo cho con đi học, giờ lại lo lắng không biết con có tìm được việc làm không".
Chia sẻ về những điều đang nghĩ ngay thời điểm này, tân kỹ sư trăn trở: “Em biết ơn ba mẹ và chặng đường ba mẹ đã trải qua cùng em suốt nhiều năm tháng qua. Chưa biết tương lai ra sao, nhưng em hi vọng tìm được công việc để làm, để chia sẻ phần nào gánh nặng của ba mẹ những ngày sắp tới…”.
Bình luận (0)