Huyền thoại "hùm xám"
Những năm đầu thế kỷ 20, ở làng An Hòa, nay là xã Phước An, huyện Tuy Phước (Bình Định) có một gia đình rất giỏi võ nghệ. Người con trai duy nhất trong gia đình ấy - Hà Trọng Sơn - từ những ngày ấu thơ đã tỏ ra say mê "nghiệp kiếm cung". Không lâu sau, cậu con trai ấy sớm khiến dân làng thán phục bằng chiến thắng trong lần "so găng" lúc mới 15 tuổi. Bắt đầu từ đó, danh tiếng võ thuật của võ sĩ Hà Trọng Sơn ngày một lan xa với biệt danh "Hùm xám miền Trung".
Là người "ngoại đạo" với làng võ, nghe danh "Hùm xám miền Trung", tôi mạo muội tìm gặp ông, nay đã ở độ tuổi cổ lai hy. Mắt mờ, tai bị lãng, lão võ sư không còn tinh tường như xưa. "Thời vang bóng" của ông chỉ còn đọng lại trong ký ức với một vài kỷ niệm ít ỏi và nhợt nhạt. "Tui chẳng còn nhớ rành mạch những chuyện thời trai trẻ nữa. Cháu muốn biết gì thì tìm hỏi ông Nghĩa, ông Vịnh", ông tâm sự như một chân nhân ẩn mình sau quãng đời dài chịu nhiều nắng, lửa.
Hầu hết võ sĩ thuộc thế hệ đàn em của ông nay đã thành danh. Trong số ấy, có võ sư Hàm Hữu Nghĩa. Kỷ niệm của những tháng ngày không hề biết đến mỏi mệt và thất bại khi cùng với "hùm xám" thượng khắp các võ đài ở ba miền Nam - Trung - Bắc vẫn hằn sâu trong tâm thức của võ sư Nghĩa, giờ nhắc lại, cảm giác tự hào hiện rõ trên từng lời hồi tưởng: "Thời đó, uy lực của những quả đấm mà võ sư Hà Trọng Sơn tung ra khiến các đối thủ khiếp đảm, thất thần mỗi lần giáp đấu. Ông ấy "khai tâm điểm nhãn" võ thuật từ năm lên bảy. Chưa tròn 17 tuổi đã thượng đài ở các giải đấu lớn. Cảm thức võ thuật thiên bẩm, ông sớm tinh thông các trường phái võ học, sử dụng nhuần nhuyễn đủ loại binh khí. Thuần thẩm chiêu thức võ cổ truyền cũng như sở học về võ Trung Quốc, các nước Tây phương. Bàn tay sắc, cứng như móng cọp, nhãn pháp như cú mèo, thủ pháp vững như bàn thạch...".
Thú tiêu dao. (Ảnh: Đ.P) |
...Biệt danh "Hùm xám miền Trung" do báo chí thời ấy phong tặng đã vang khắp xứ. Năm 1944, tại hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức tại Tourane (Đà Nẵng ngày nay), ông đã hạ "đo ván" một tay đấm cừ khôi của Pháp, giật giải quán quân trước sự bàng hoàng, ngỡ ngàng của nhiều người. Liên tiếp các cuộc so tài sau đó, ông đều chiến thắng, ngay cả võ sĩ tên tuổi thời đó là Kid Demsey cũng không thể đánh bại được ông. Chức vô địch miền Trung gắn liền với cái tên Hà Trọng Sơn suốt nhiều năm liền... Vang danh, ông quay về ẩn dật, chỉ giáo cho các võ sinh có chí "tầm sư học đạo". Nhưng dường như ngôi vị độc tôn trong làng võ đã kích thích một số võ sĩ tìm đến thách đấu với người mang biệt danh "hùm xám". Đặc biệt là chuỗi trận đấu kịch liệt nhất kéo dài 17 năm với võ sĩ Huỳnh Tiền, biệt danh là "Cáo già miền Nam". Lần "so găng" đầu tiên giữa hai võ sĩ này vào năm 1966, tại Đà Nẵng, ông Sơn thắng; tại An Thái vào năm 1968, hai tay đấm "bất phân thắng bại"; lần cuối cùng vào năm 1983, tại sân vận động Pleiku (Gia Lai), người đăng quang lại là ông Sơn. Khi đó, "hùm xám" đã bước sang tuổi 57.
Từ những ngày đầu khai sơn mở cõi, mảnh đất này là nơi mà sự khắc nghiệt của tự nhiên luôn là nỗi khiếp đảm của con người. Và, những dấu chân đầu tiên hằn in lên "đất võ trời văn" đều gắn liền với những huyền thoại.
Về với đời thường
Gác lại kỷ vật. (Ảnh: Đ.P) |
Khi đã khắc đậm tên mình giữa làng võ, "hùm xám" sống một cuộc đời dung dị, thủy chung. Dịp mừng thọ "hùm xám" tròn thất thập, thân hữu đề tặng rằng: "Nghiệp võ lừng danh gió bụi không say tâm mãnh hổ/Tài hoa nổi tiếng thủy chung vẹn giữ đức hiền nhân".
Không còn đủ sức để tung chiêu cùng cây đại đao; khẩu quyết về bài roi Thái Sơn, Mai Hoa Kiếm gắn liền danh tiếng “hùm xám", ông cũng không thể nhớ nổi. Chí tang bồng đã thỏa, về với đời thường, ông thanh thản sống phần đời còn lại trong cuộc hành trình nhân thế đầy giông bão. Tôi mạn phép xin được xem những tấm ảnh thời trai trẻ của ông. Xua tay, ông nói không chút tiếc nuối: "Anh em, bạn bè xin làm kỷ niệm hết trọi rồi. Vả lại, hoạn nạn rồi cuộc đời đấm đá lang bạt đây đó, đâu có ảnh gì nhiều". Đoạn chỉ tay lên vách tường, ông trầm ngâm: "... kẻ học võ bất ly cung kiếm, nhưng tui không thể nào cưỡng lại quy luật đời người, rửa tay gác kiếm lâu lắm rồi".
Giờ đây, gánh nặng tuổi tác đã làm nhạt nhòa hào quang từng phủ sáng thời trai trẻ. Lưng bát cơm mỗi bữa, "hùm xám" quẩn quanh trong khu vườn được bao bọc bởi hàng chè tàu xanh ngát. Ngày lại ngày, ông "làm bạn" với chiếc ti vi đen trắng cũ kỹ; chiều chiều, chăm bẵm hai chậu sứ, một gốc mai và một khóm trúc nhỏ đặt trước hiên nhà. Bà Khuê, vợ ông cho biết: "Đó là tất cả thú tiêu dao của ông"!
oOo
Dấu tích tháng năm phủ đầy những binh khí của "hùm xám”. Lão võ sư dường như không màng gì đến những kỷ vật ấy. Khi câu chuyện đã mãn, ông còn cho biết: "Mấy hôm trước, cán bộ của Sở Văn hóa - Thông tin có về thăm tôi. Thật tiếc, tôi không còn đủ sức kể lại những gì mà họ muốn biết".
Sáu người con của ông không ai đi theo nghiệp võ. Võ nghiệp của một võ sư đầu đàn sắp khép lại. Đi giữa hàng chè tàu xanh trong vườn nhà vị võ sư già trong khoảng không vắng lặng, đâu đó như vọng lại câu hát ru: Mặc ai khanh tướng công hầu/Qua (mình) cầu cho hết binh đao qua về/Qua về qua gỡ bùa mê/Trọn lời em bậu hẹn thề cháo rau...
Đình Phú
Bình luận (0)