(TNO) Hàng ngàn kỹ sư “lão làng” ở Nhật, vốn được xem là những tài năng góp phần đưa các công ty Nhật trở thành "gã khổng lồ" trên thế giới trong thập niên 1980, đang phải nỗ lực tìm kiếm hợp đồng làm việc tại Trung Quốc.
"Chuyên môn của tôi không còn được dùng ở các công ty Nhật", Masayuki Aida, 59 tuổi, người từng làm khuôn mẫu cho một công ty có trụ sở tại Tokyo trong 30 năm, nói với Reuters. Hiện ông đang làm việc cho một công ty ở Đông Quan, Trung Quốc.
Đối với Aida và nhiều kỹ sư Nhật khác đang tiến đến tuổi hưu (theo luật Lao động Nhật là 60 tuổi), họ buộc phải chọn sẽ nhận khoản lương hưu trong ít năm nữa, hoặc tranh thủ sang Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục làm việc.
Cuộc "di cư" của các kỹ sư Nhật là lời đe dọa mới từ các công ty đối thủ tại Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp tại đây muốn tiếp cận bí quyết công nghệ và kỹ năng lao động đằng sau thành công của dòng chữ "Sản xuất tại Nhật Bản" trên các sản phẩm ăn khách trên thị trường.
|
Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, có đến 2.800 người Nhật đang sống và làm việc ở Đông Quan, một thành phố hơn 8 triệu dân.
"Các nước mới nổi đang tiếp nhận nguồn nhân lực tốt mà chúng ta đã phát triển. Vì vậy, nó thật sự là một vấn đề cần quan tâm", ông Yasushi Ishizuka, Giám đốc Văn phòng chính sách sở hữu trí tuệ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay.
Nhật Bản bị chảy máu chất xám công nghệ cao đầu tiên cách đây 20 năm, khi các công ty Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics Inc không ngừng bỏ tiền thuê các kỹ sư thuộc những tập đoàn điện tử lớn của Nhật sang làm việc.
Kể từ đó, các nhà sản xuất thiết bị điện tử Hàn Quốc đã góp mặt vào các thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ toàn cầu, bằng con đường chuyển giao công nghệ thông qua nguồn nhân lực. Trong khi những "gã khổng lồ" công nghệ ở Nhật liên tiếp gặp khó khăn. Tập đoàn Sony, Panasonic, Sharp - ba nhà sản xuất tivi lớn nhất Nhật Bản - đã mất khoảng 21 tỉ USD doanh thu trong năm qua, một phần vì các đối thủ cạnh tranh từ nước láng giềng.
Để tránh tình trạng chảy máu chất xám, nhiều người lao động Nhật Bản đề xuất chính phủ điều chỉnh tuổi hưu, vốn được xem là cứng nhắc để họ tiếp tục làm việc.
Thanh Châu
Bình luận (0)