Kỹ sư thủy sản bỏ việc về quê nuôi ốc kiếm tiền triệu

Bá Cường
Bá Cường
05/10/2022 16:55 GMT+7

Từng là một kỹ sư làm việc trong ngành thủy sản, sau nhiều năm làm việc ở các tỉnh thành phía Nam, anh Cường quyết định quay về quê nhà để khởi nghiệp với nghề nuôi ốc.

Mong muốn đóng góp cho quê nhà

Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế), năm 2014 anh Nguyễn Hùng Cường (32 tuổi, xã Vạn Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) khăn gói vào miền Nam lập nghiệp. Với tấm bằng kỹ sư thủy sản, anh đã bôn ba khắp các tỉnh thành phía Nam, làm việc tại các công ty, viện nghiên cứu về ngành thủy sản.

Sau thời gian bôn ba khắp nơi, anh Cường quyết định quay về quê hương khởi nghiệp

bá Cường

"Tôi từng có thời gian làm việc tại công ty thuốc, viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu và Nha Trang. Mức lương cao vẫn giúp tôi sống tốt suốt gần 8 năm ở trong đó, nhưng trong lòng vẫn luôn mong muốn làm một điều gì đó, góp phần phát triển ở quê nhà", anh Cường nói.

Một góc trang trại nuôi ốc bươu đen của anh Cường

Bá Cường

Khoảng thời gian này, anh Cường cũng tham gia nhiều dự án nuôi trồng, điển hình là nuôi tôm theo công nghệ sinh học ở Sóc Trăng. Cũng nhờ đó, nhiều ý tưởng để khởi nghiệp một mô hình nuôi trồng ở quê hương cũng hé lên trong đầu kỹ sư trẻ tuổi.

Năm 2017, anh Cường quay trở về quê hương, ban đầu anh làm công việc tạm thời tại một công ty sản xuất thuốc thủy sản. Thời gian này, anh nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng cùng các loài thủy sản có thể phù hợp, phát triển tốt ở Quảng Bình.

Tận dụng ao cá bỏ hoang để nuôi ốc

Trong một lần đi qua các ao cá tại khu vực xã An Ninh (H.Quảng Ninh) người dân bỏ hoang sau khi nuôi cá không thành, anh Cường nảy sinh ý tưởng tận dụng nuôi ốc bươu đen hoặc cua đồng.

Ốc bươu đen là loài thủy sản được anh Cường chọn để khởi nghiệp

bá Cường

"Mình mất nhiều thời gian để tìm hiểu về hai loài thủy sản này, nhưng cuối cùng chọn ốc bươu đen vì chúng dễ nuôi hơn, phù hợp phát triển và sinh sản khi sống trong môi trường nước ở đây. Cua đồng cũng đáp ứng được nhưng lại rủi ro cao khi bị hao hụt số lượng trong quá trình nuôi", anh Cường chia sẻ.

Tháng 6.2021, anh Cường quyết định bỏ vốn cùng với vay mượn thêm một số nơi để đủ khoảng 100 triệu đồng, thuê lại 1 hecta các hồ cá bị bỏ hoang, cải tạo và chia thành 6 ao để phục vụ cho việc nuôi ốc.

Ngoài bán ốc thương phẩm, anh Cường còn bán cả giống ốc cho các trang trại khác trên địa bàn

Bá Cường

Anh Cường cũng lặn lội ra Nghệ An để lấy giống ốc về nuôi với giá 350-400 đồng/con và 1,2 triệu đồng/1kg trứng ốc. Theo anh Cường, qua nghiên cứu ốc bươu đen ở Nghệ An là phù hợp với môi trường ở Quảng Bình nhất.

"Thời gian đầu mình gặp khá nhiều khó khăn về vốn, khi có vốn để thực hiện thì cũng thất bại từ những vụ đầu khi nước ở đây nhiễm phèn quá nhiều. Mình phải chạy lên các hồ thủy điện, xin xả nước trữ ở đó về các mương rồi dẫn vào hồ", anh Cường nói.

Anh Cường kết hợp nuôi bèo, trồng hoa súng để tạo môi trường mát mẻ cho ốc phát triển

Bá cường

Với cách tận dụng hiệu quả cùng với kiến thức sẵn có về ngành thủy sản, sau nhiều khó khăn, trang trại ốc của anh Cường đã phát triển thành công. Chỉ sau hơn 1 năm khởi nghiệp, anh Cường đã thu hồi lại vốn và bắt đầu có lời.

Một vụ ốc kéo dài khoảng 4 tháng, với trang trại rộng 1 hecta, anh Cường có thể bán ra khoảng 1,5 tấn ốc/năm. Khi ốc đạt chuẩn để thu hoạch anh Cường nhập bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP.Đồng Hới với giá bán từ 70.000-100.000 đồng/1kg. Trung bình mỗi tháng anh thu về khoảng 15 triệu đồng.

Bèo tấm là thức ăn chính được anh Cường cho loài ốc bươu đen ăn.

bá Cường

Ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ninh cho biết, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Cường là mô hình mới, hy vọng mô hình sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn.

"Mô hình nuôi ốc của anh Cường có chi phí đầu tư không quá cao nhưng lại mang lại hiệu quả tốt. Với kinh nghiệm làm kỹ sư trong ngành thủy sản nhiều năm, hy vọng mô hình này sẽ được bà con địa phương học hỏi, nhân rộng", ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.