Ôn theo đề minh họa
Vào thời điểm này năm trước, hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đã cho học sinh (HS) lớp 12 hoàn thành các môn học để dành thời gian luyện đề, làm các bài tập khó vượt qua kỳ tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, năm nay Bộ quy định kiến thức thi sẽ chỉ có trong chương trình lớp 12 nên việc tổ chức ôn tập có nhiều thay đổi.
Để HS nắm vững kiến thức sau mỗi chương bài, giáo viên thường cho HS luyện tập theo hình thức cuốn chiếu. Bên cạnh đó, trong quá trình học chính khóa lớp 12, nếu có phần kiến thức nào liên quan đến các lớp dưới, giáo viên kết hợp nhắc lại để tạo thành hệ thống kiến thức cho HS tiện ôn tập.
Ông Trần Văn Bình, giáo viên môn toán Trường THPT Hồng Đức (Q.Tân Bình), cho biết nhiều giáo viên căn cứ số lượng các câu được phân bố trong đề thi minh họa để dồn trọng tâm ôn cho HS. Cụ thể, với môn hóa, đề thi minh họa chỉ có một câu hỏi các chương như 8 - 9 nên sẽ cho HS học chương này ít hơn. Còn với các chương 6 - 7 có nhiều câu hỏi hơn thì HS cần đặt trọng tâm ôn nhiều hơn.
tin liên quan
[VIDEO] Hướng dẫn chi tiết khai hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2017Rõ ràng nhất. Cụ thể nhất. Chuyên gia tuyển sinh Bộ Giáo dục - Đào tạo lưu ý điều cần nhớ quanh việc ghi phiếu đăng ký thi THPT quốc gia, nguyện vọng vào các trường đại học - cao đẳng 2017.
Ông Đoàn Ngọc Đính, phụ trách chuyên môn Trường THPT Hồng Đức (Q.Tân Bình), cho hay các môn lý - hóa - Anh do đã tổ chức thi trắc nghiệm từ nhiều năm trước nên thời điểm này giáo viên mạnh dạn mở rộng phạm vi ôn tập. Nhiều giáo viên đã tổ chức các chuyên đề có những câu hỏi thực tế theo kiểu bám sát thời sự để hướng dẫn HS. Ông Đính cũng cho rằng năm nay việc ôn tập những môn này sẽ nhẹ nhàng hơn cho HS vì khối lượng kiến thức không quá lớn.
Ngược lại, các môn sử - địa - giáo dục công dân vì là năm đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm, hầu hết giáo viên đều chưa có kinh nghiệm làm đề trắc nghiệm trước đó nên việc ôn tập đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một giáo viên phụ trách lớp 12 tại Q.3 chia sẻ: “Vì không có kinh nghiệm nên cứ tổ chức cho HS ôn tập tới đâu rút kinh nghiệm tới đó”. Hầu hết giáo viên các môn này đều dựa vào sách giáo khoa, sách bài tập và bám vào ma trận đề thi minh họa để làm câu hỏi, tạo tình huống cho HS ôn tập.
tin liên quan
TP.HCM sẵn sàng cho học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017Ông Nguyễn Tiết Đạt - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết Sở GD-ĐT TP.HCM đã tiến hành giao phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia năm 2017 về các trường phổ thông.
“Phiên tòa” giả định giúp học sinh ôn Giáo dục công dân
Đặc biệt, ở nhiều trường phổ thông, việc ôn tập môn giáo dục công dân đang sôi nổi nhất.
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (Q.7), cho biết: “Với kiến thức chủ đạo trong chương trình lớp 12 về pháp luật, trường cũng mời một số luật sư tư vấn tình huống giúp HS ôn tập tốt hơn”.
Tương tự, bà Phan Thị Trang, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc), chia sẻ: “Đến thời điểm này, nhiều HS vẫn còn rất lúng túng và chưa thực sự chắc chắn sẽ chọn thi bài thi khoa học xã hội chỉ vì ngại môn giáo dục công dân. Kiến thức lớp 12 chủ yếu liên quan tới pháp luật, nếu chỉ học thuộc thì HS rất khó trả lời đúng đáp án của câu hỏi trắc nghiệm. Để giúp HS ôn thi, chúng tôi xây dựng những tình huống cụ thể liên quan đến pháp luật. Sau đó, cho HS đóng vai nhân vật trong tình huống để phân tích giúp HS hiểu bài, nắm chắc bài hơn. Ở một số chương có nhiều chi tiết phức tạp, giáo viên sẽ tổ chức bài học thành các “phiên tòa” giả định. Ở những vị trí cụ thể như luật sư, thẩm phán, tội phạm... HS sẽ có cách nhìn nhận và hiểu biết vấn đề toàn diện hơn. Theo cách này, HS sẽ có thể phân biệt được đáp án của câu hỏi trắc nghiệm mà không sợ bị nhầm lẫn khi các đáp án gần giống nhau.
Học cách giải nhanh bài tập
Giáo viên cũng hướng dẫn HS các phương pháp giải nhanh bài tập đáp ứng với hình thức thi trắc nghiệm. HS không chỉ học các bước để làm ra kết quả một câu hỏi mà cần học các cách giải bài tập. Sau đó, chọn ra cách nào nhanh nhất, ít tốn công sức và thời gian nhất để đi đến kết quả. Với kỹ năng này, HS sẽ tiết kiệm thời gian và có thêm thời gian tập trung cho những câu hỏi hóc búa.
Ngoài ra, giáo viên cũng cố gắng giúp HS tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các vật dụng được mang vào phòng thi như máy tính cầm tay, Atlat địa lý... Ông Trần Văn Bình cho biết: “Một trong các kỹ năng mà tôi đang cố tập cho HS là sử dụng thành thạo máy tính cầm tay. Với việc sử dụng máy tính thành thạo, HS sẽ xử lý nhiều câu hỏi nhanh hơn”.
Ông Hoàng Sơn Hải cũng cho rằng với một số câu hỏi về đồ thị trong môn toán, chỉ cần biết cách quan sát, HS có thể nhận ra đó là phương trình bậc mấy, sau đó làm phương pháp loại trừ là có thể ra kết quả đúng nhất. Theo ông Đoàn Ngọc Đính, với những thông tin có trong Atlat, chỉ cần sử dụng thông thạo biết cách đọc số liệu thì HS có thể làm được khoảng 30 - 40%.
|
tin liên quan
Danh sách 63 cụm thi THPT quốc gia 2017Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có quyết định giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp tổ chức 63 cụm thi THPT quốc gia 2017, đặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bình luận (0)