Trước khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ảnh) đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thanh Niên xung quanh những thay đổi quan trọng về kỳ thi này.
* Theo ông, những điểm mới trong Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi và trách nhiệm của thí sinh (TS)?
- Rõ ràng áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều đối với TS, gia đình và xã hội. Thay vì phải thi 4 kỳ (1 kỳ thi THPT, 2 kỳ thi ĐH và 1 kỳ thi CĐ) như trước đây, nay TS chỉ thi 1 kỳ thi với 2 mục đích. TS chỉ cần thi tại cụm thi ở địa phương đang cư trú hay địa phương lân cận, không phải đi xa. Quy trình đăng ký xét tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp cho TS tránh được rủi ro khi có kết quả thi cao nhưng vẫn trượt như trước đây.
Việc tăng số tổ hợp các môn xét tuyển cũng như cho phép TS đăng ký 4 nguyện vọng với mỗi giấy báo kết quả thi vào các ngành/nhóm ngành giúp TS có nhiều sự lựa chọn để thể hiện năng lực sở trường của mình. Tất cả những đổi mới này đều nhằm tạo thuận lợi tối đa cho TS. Nội dung thi, đề thi chưa có thay đổi gì nhiều nên không ảnh hưởng đến cách học và sự chuẩn bị của TS từ trước.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 trao đổi về đề thi môn tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
* Điều mà TS quan tâm là với kỳ thi có hai mục đích như kỳ thi THPT quốc gia 2015, cấu trúc đề thi sẽ được ra theo hướng nào? Bộ có phân định phần đề nào dành cho xét tốt nghiệp THPT và phần đề nào để tuyển sinh ĐH, CĐ không?
- Về lâu dài đề thi sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp để đánh giá năng lực của TS. Việc này liên quan đến đổi mới cách dạy, cách học ở phổ thông. Do đó, trong những năm trước mắt đề thi cơ bản không thay đổi gì nhiều so với những năm gần đây. Những kinh nghiệm tốt trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm vừa rồi như đề thi dạng mở, tăng cường hướng ứng dụng, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng máy móc sẽ được áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh. Đề thi sẽ không có sự phân định rạch ròi phần để xét tốt nghiệp THPT, phần để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hai loại cụm thi cho 3 đối tượng thí sinh
* Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức bao nhiêu cụm thi liên tỉnh? Những cụm thi này được thành lập dựa trên nguyên tắc nào khi mà trên thực tế tỉnh nào cũng mong muốn cụm thi đóng ở gần để TS đi lại thuận tiện hơn? TS có được quyền lựa chọn và thay đổi cụm thi phù hợp với điều kiện của mình hay không?
- Kỳ thi THPT quốc gia có 3 đối tượng TS tham gia dự thi: TS sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; TS đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển và TS chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT. TS thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho TS ít nhất 2 tỉnh, được xác định dựa trên cơ sở thống kê số lượng TS hằng năm cũng như có trường ĐH đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chủ trì cụm thi. TS thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH được xác định trên nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho TS.
Bộ đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và sẽ tiếp tục làm việc với Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng với các địa phương trong vùng để bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi tại những vùng khó khăn. Những TS sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa dùng để xét tuyển ĐH, CĐ cần phải đăng ký thi tại các cụm thi quy định để tránh quá tải ở một số cụm thi.
Tạo thêm nhiều cơ hội để HS trúng tuyển vào ĐH, CĐ
* Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ông có lời khuyên gì đối với TS và các cơ sở giáo dục để tránh tâm lý hoang mang và lo lắng?
- Như đã nói, tất cả những đổi mới trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đều giúp làm giảm nhẹ áp lực đối với TS, tạo thêm nhiều cơ hội để các em trúng tuyển vào trường mà các em yêu thích, giảm tối đa các rủi ro như quy định về cụm thi, xét tuyển, đề án tự chủ tuyển sinh của các trường... Những thay đổi ảnh hưởng đến cách dạy, cách học ở phổ thông, kế hoạch ôn tập của TS từ trước đều phải thực hiện theo lộ trình để TS có thời gian chuẩn bị. Ví dụ quy định về xác định tổ hợp các môn xét tuyển vẫn duy trì tổ hợp các môn truyền thống, các môn thi, đề thi theo hướng mở... được đổi mới từng bước để TS quen dần. Khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, cách dạy, cách học được đổi mới căn bản theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh thay cho việc cung cấp kiến thức là chính như hiện nay thì cách thi cũng sẽ thay đổi căn bản. Vì vậy các TS chuẩn bị thi năm nay yên tâm, chuẩn bị ôn tập theo chương trình phổ thông đã học để tham gia thi đạt kết quả tốt, không có gì băn khoăn, lo lắng cả.
Những điểm đổi mới trong kỳ thi 1. TS chỉ thi 1 kỳ thi duy nhất (kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia) để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. 2. TS sẽ thi tại các cụm thi liên tỉnh nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi với 2 mục đích hoặc thi tại cụm thi ở địa phương nếu chỉ sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. 3. TS nộp đơn xét tuyển vào các trường sau khi đã có kết quả thi. 4. Quy trình xét tuyển như sau: Đợt đầu tiên TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường với 4 nguyện vọng thuộc ngành/nhóm ngành của trường, trong các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo TS có thể sử dụng cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả thi, mỗi giấy được xét tuyển vào 4 nguyện vọng của một trường. Ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các trường có thể tuyển sinh theo đề án tự chủ tuyển sinh đã công bố. 5. Về tổ hợp các môn xét tuyển, các trường có thể công bố tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, trong đó phải duy trì các khối thi truyền thống và chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các khối thi này chiếm ít nhất 75% tổng chỉ tiêu của ngành. Trên cơ sở tổ hợp các môn xét tuyển mà các trường đã công bố, TS chọn các môn thi phù hợp bên cạnh các môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT. |
Bình luận (0)