Chiều 21.3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp với đại
diện các trường ĐH chủ trì cụm thi phía nam. Vấn đề nóng được các
trường đưa ra bàn luận sôi nổi là chất lượng chấm thi.
Các đại biểu thảo luận căng thẳng về việc chấm thi của kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Hà Ánh |
Không để giáo viên chấm thi chính học sinh mình
|
Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cũng cho biết rất lo việc GV chấm thi. Theo ông Dũng, nên có giải pháp để tăng cường chất lượng đội ngũ chấm thi.
Còn GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt vấn đề: “Lo lắng về chấm thi của các trường là có thực nên Bộ cần có cách thức để tạo công bằng. Các trường cũng lo ngại, với cách tổ chức thi năm nay, TS điểm cao có thực sự là TS giỏi trúng tuyển vào các trường không”.
Trước thực tế này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nếu được thì không nên để GV địa phương chấm thi cho học sinh trên địa bàn. Trong khi đó, bà Mai Hồng Quỳ đề xuất phương án sau khi thi xong nên đưa tất cả bài thi về TP.HCM rọc phách, các địa phương sẽ mang bài thi ngẫu nhiên sau khi được bốc thăm về địa phương chấm. Đồng tình với quan điểm không để GV chấm thi học sinh trường mình, nhưng PGS-TS Đỗ Văn Dũng đề xuất phương án khác: “Chỉ cần ra quy định GV địa phương đó không được chấm thi HS của mình. Chúng ta không nên di chuyển bài thi sẽ gây nhiều áp lực, có thể xảy ra tình trạng lộn xộn và mất thời gian khiến TS chờ lâu”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tán đồng và cho biết chỉ cần có cơ chế kiểm soát tốt trong chấm thi. Bởi kinh nghiệm cho thấy, trước đây các địa phương từng chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cuối cùng biết rõ mã số của nhau.
Vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), giải đáp Bộ chỉ quy định phải có 50% cán bộ chấm thi từ các trường THPT chứ không quy định cụ thể GV phải từ sở nào. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết tùy tình hình có thể mời GV của các sở khác nhau, không nhất thiết phải là GV trên địa bàn tham gia chấm thi.
Đề xuất chỉ thi trắc nghiệm môn tiếng anh
Tại hội nghị này, một lần nữa có nhiều ý kiến cho rằng nên thay đổi hình thức thi môn ngoại ngữ. Đại diện Trường ĐH Tiền Giang nói: “Năm ngoái môn tiếng Anh thi theo 2 hình thức trắc nghiệm và tự luận, trong đó môn tự luận dù chỉ chiếm 20% tỷ trọng điểm nhưng đã gây vất vả cho cả kỳ thi vì thời gian chấm lâu. Kinh phí chấm thi 20% theo quy định này quá nhỏ không đủ để chi trả cho cán bộ chấm thi và không ai chịu chấm. Vì vậy, tôi đề nghị tiến hành thi trắc nghiệm môn tiếng Anh”.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng nếu được thì chỉ thi trắc nghiệm với môn ngoại ngữ. Vị này cho rằng nếu tổ chức thi cả 2 phần trong 90 phút TS sẽ dành thời gian để làm phần trắc nghiệm, năm ngoái TS bỏ trắng phần tự luận rất nhiều. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ nghiên cứu tiếp vấn đề này.
Cân nhắc thêm việc cử giáo viên địa phương chấm thi
Trao đổi riêng với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sở dĩ Bộ quy định như vậy là muốn giao quyền tự chủ cho các trường trong việc mời GV chấm thi. Tuy nhiên, trước ý kiến khác nhau của nhiều trường, Bộ sẽ cân nhắc để có thông tin chính thức về điểm này trong hướng dẫn tổ chức thi sắp tới.
Giải đáp thắc mắc tại sao chỉ còn chưa tới 10 ngày là bắt đầu thời gian đăng ký dự thi, trong khi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ đã ban hành nhưng hướng dẫn tổ chức thi THPT vẫn đang là dự thảo, ông Ga cho hay trong tuần này sẽ công bố chính thức hướng dẫn công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sau khi hội nghị tập huấn này kết thúc và Bộ có đầy đủ ý kiến đóng góp của các đơn vị tham gia chủ trì và tổ chức cụm thi.
Với những trường ĐH địa phương lần đầu chủ trì cụm thi THPT quốc gia, ông Ga cho biết Bộ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa trường ĐH chủ trì cụm thi. Tất cả cụm thi do trường ĐH địa phương chủ trì, Bộ đều phân công thêm trường ĐH T.Ư tham gia phối hợp hỗ trợ tổ chức.
Với cụm thi do Cục Nhà trường tổ chức, ông Ga cho biết cụm thi này thuộc nhóm cụm thi tốt nghiệp do các sở GD-ĐT chủ trì dành cho TS dự thi với mục đích xét tốt nghiệp. Do vậy, TS dự thi tại cụm này không được sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ bằng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ có thể xét tuyển vào các trường bằng phương thức học bạ THPT.
|
Bình luận (0)