Ngày 29.6, các thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa đã làm việc với cụm thi Đà Nẵng, Nghệ An, Tuyên Quang. Những băn khoăn của lãnh đạo ở các cụm thi này liên quan đến việc bảo mật đề thi, đảm bảo công bằng giữa các địa phương.
Niêm yết danh sách thí sinh tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chiều 29.6
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Hơn 20 cán bộ an ninh ở một điểm thi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nhiều cụm thi địa phương do điều kiện đi lại khó khăn nên sẽ được bàn giao đề thi 8 môn một lần. Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, những địa phương sẽ thực hiện phương pháp bàn giao đề thi tất cả các môn cùng một lúc là Quảng Nam, Thanh Hóa và một số tỉnh miền núi phía bắc.
|
Chính vì vậy, công tác thắt chặt an ninh tại các cụm thi địa phương bàn giao toàn bộ đề thi cùng lúc được tăng cường ở mức cao nhất. Tại Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết tại các điểm thi của tỉnh, lực lượng cán bộ đứng điểm thi cùng lực lượng an ninh được tăng cường trực 24/24 để bảo đảm an toàn cho đề thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. “Bảo quản đề thi an toàn tối đa là việc chúng tôi đặt lên hàng đầu nên có những điểm thi chúng tôi phải tăng cường đến 20 cán bộ an ninh”, ông Quốc nói thêm.
Cùng việc bảo mật đề thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng yêu cầu các địa phương phải đặc biệt lưu ý khi mở đề thi, phải tránh hoàn toàn việc mở nhầm đề. “Bất cứ một sai sót nào dù rất nhỏ cũng ảnh hưởng đến kỳ thi toàn quốc với hàng triệu thí sinh (TS), nên nhất định không để xảy ra sự cố nào để ảnh hưởng đến tinh thần của TS”, ông Bùi Văn Ga nhắc nhở các địa phương.
Có nơi làm nghiêm, nơi không
Làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng khó khăn nhất là việc bảo đảm kỷ luật phòng thi do ở cụm thi này học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Ông Vinh cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương thực hiện kỳ thi nghiêm túc, khách quan, tránh tình trạng nơi làm chặt, nơi lại thả lỏng, gây mất công bằng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, Bộ đã ban hành nhiều văn bản, phối hợp các ngành khác để thực hiện mục tiêu kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Chiều qua, dù tại Tuyên Quang, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD-ĐT không chỉ đạo các địa phương về “tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đẹp” nhưng bà Vũ Thị Bích Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho rằng cá nhân bà không lo lắng quá cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mà chỉ lo cho kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ của TS tỉnh nhà. “Tôi lo nhất các cụm thi khác của toàn quốc có nghiêm không. Đến lúc điểm của học sinh Tuyên Quang thấp quá rồi trượt ĐH cả loạt chúng tôi cũng chết, cả người dân, cả Bộ sẽ phê bình chúng tôi”, bà Việt nói. Bà Việt còn chia sẻ, việc để cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lần 1 năm 2007 của Tuyên Quang chỉ chưa đến 15% là một “bài học đau đớn”, bởi thanh tra làm quá ghê khiến học sinh mất hết cả tinh thần - nhuệ khí để làm bài. “Tôi cũng đã quán triệt ngay từ đầu với hai cụm thi là phải làm nghiêm nhưng cũng phải tâm lý cho các em thấy thoải mái. Nhưng chúng tôi vẫn lo lắng nhất ở chỗ Tuyên Quang làm thật nghiêm, các nơi khác không nghiêm thì sao?”.
Những điểm lần đầu tiên trong kỳ thi
- Là kỳ thi đầu tiên do Bộ GD-ĐT tổ chức với tên gọi kỳ thi THPT quốc gia, thay thế cho 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm trước. Được tổ chức một đợt trong năm vào 4 ngày: 1, 2, 3, 4.7. Vì vậy, kỳ thi được tổ chức đồng thời cho 2 mục đích để TS xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
- Đề thi sẽ có khoảng 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và 40% câu hỏi phân hóa nâng cao dần để xét tuyển ĐH và CĐ.
- Có 2 loại cụm thi: Cụm thi tỉnh do sở GD-ĐT địa phương chủ trì phối hợp với các trường ĐH tổ chức cho TS chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT; Cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức dành cho TS từ 2 tỉnh trở lên thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH và CĐ.
- Cả nước có 38 cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các trường ĐH còn lại đều có đại diện về địa phương để hỗ trợ các sở GD-ĐT tổ chức cụm thi tỉnh.
- Kỳ thi có sự phối hợp của UBND tỉnh thành phố, sở GD-ĐT, các trường ĐH và THPT.
- Lần đầu tiên qua kỳ thi này, thông qua phần mềm quốc gia mỗi TS được cấp một tài khoản truy cập thông tin của mình.
- Sau khi các cụm thi hoàn tất việc chấm và công bố kết quả thi của TS, các sở GD-ĐT thực hiện việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh địa phương và các trường ĐH, CĐ tiến hành xét tuyển TS theo tiêu chí tuyển sinh trường mình. Thời gian xét tuyển ĐH, CĐ bắt đầu từ 1 - 20.8 (đợt 1), các đợt tiếp theo kéo dài đến 31.10 (trường ĐH) và 15.11 (trường CĐ).
- Trên 1 triệu TS đăng ký dự thi, trong đó có 27,8% dự thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT; 59% vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét vào ĐH và CĐ; số còn lại là TS tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
Hà Ánh (ghi)
|
Trường ĐH cử cán bộ giám sát về các cụm thi địa phương
Theo chỉ đạo của Bộ, các trường ĐH không tổ chức cụm thi sẽ phối hợp với các sở GD-ĐT để tổ chức các cụm thi địa phương đảm bảo sự khách quan, nghiêm túc.
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Trường được Bộ GD-ĐT phân công phối hợp với các sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Công việc của chúng tôi là giám sát các địa điểm thi, mỗi cán bộ làm việc tại một hội đồng”. Tiến sĩ Hoàng thông tin thêm, những cán bộ này đều là những người có kinh nghiệm trong công tác coi thi, giám sát đến từ các phòng khảo thí, đào tạo, thanh tra và công tác học sinh, sinh viên. “Tôi tin rằng việc để các trường ĐH cùng tham gia vào việc tổ chức các cụm thi địa phương sẽ giúp cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc và khách quan hơn”, ông Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cử khoảng 100 cán bộ, giảng viên đi các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng cho hay: “Mỗi điểm thi tại hai tỉnh trên sẽ có 3 cán bộ của trường làm công tác giám sát quá trình thi từ khâu giao nhận đề, coi thi... Sau khi kỳ thi hoàn thành, những cán bộ này còn tham gia chấm thi”.
Mỹ Quyên
|
Nắng nóng 38 - 390C trong những ngày thi
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết thời tiết nắng nóng sẽ diễn ra ở Bắc bộ và ven biển Trung bộ trong những ngày thi THPT quốc gia (từ 30.6 - 4.7). Tại Bắc bộ trong những ngày này ngày nắng nóng, đêm không mưa; nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 380C, có nơi trên 380C.
Thủ đô Hà Nội ngày nắng nóng, đêm không mưa; nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 37 - 390C. Thời gian xuất hiện nhiệt độ cao nhất vào khoảng 13 - 15 giờ hằng ngày. Các tỉnh ven biển miền Trung (từ Thanh Hóa - Ninh Thuận) ngày nắng nóng, đêm không mưa; nhiệt độ cao nhất từ 36 - 390C, có nơi trên 390C. TP.Đà Nẵng ngày nắng nóng, đêm không mưa; nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 36 - 380C.
Thời gian xuất hiện nhiệt độ cao nhất vào khoảng 13 - 15 giờ hằng ngày. Các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ từ ngày 30.6 - 2.7 ngày trời nắng, chiều tối có mưa rào và giông vài nơi; nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ từ 32 - 350C, Tây nguyên 30 - 330C. Từ 3 - 4.7 có mưa rào và giông trên diện rộng, trong cơn giông có khả năng xuất hiện gió giật mạnh; nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ từ 30 - 330C, Tây nguyên 27 - 300C. TP.HCM từ ngày 30.6 - 2.7 ngày trời nắng, đêm không mưa, nhiệt độ cao nhất phổ biến 33 - 350C; từ 3 - 4.7 có mưa rào và giông kèm gió giật mạnh, nhiệt độ cao nhất phổ biến 30 - 330C.
M.Vọng
|
Bình luận (0)