Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009: Để thi môn Địa lý đạt điểm cao

02/04/2009 00:14 GMT+7

Về lý thuyết Cần nắm toàn bộ chương trình và bao quát chương trình. Với chương trình không giới hạn, đòi hỏi học sinh (HS) trong quá trình học cần phải biết hệ thống kiến thức theo từng phần, từng chương, từng bài hay từng chủ đề, nội dung một cách rõ ràng.

Trong từng bài, từng nội dung cũng cần nắm cấu trúc một cách chặt chẽ. Nên học từ tổng thể đến các thành phần rồi đến chi tiết. HS cần nắm các kiến thức cơ bản một cách rõ ràng, súc tích; không học vẹt, vì học vẹt sẽ chóng quên và khó có thể vận dụng kiến thức để giải quyết các yêu cầu của đề thi.

Ví dụ: Trình bày thế mạnh của các khu vực đồi núi nước ta đối với phát triển kinh tế xã hội. Yêu cầu HS nêu được: 

- Khoáng sản: Khu vực đồi núi tập trung nhiều loại khoáng sản như đồng, chì, thiếc, sắt, crôm, niken, vàng, bôxit, apatit, đá vôi, than đá... Đó là nguyên nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.

- Rừng và đất trồng: Cơ sở để phát triển lâm - nông nghiệp nhiệt đới như phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc lớn...

- Nguồn thủy năng dồi dào

- Tiềm năng du lịch lớn, nhất là du lịch sinh thái.

Học lý thuyết cần phải gắn với các số liệu để chứng minh một hiện tượng địa lý hay dẫn chứng làm rõ các nội dung kiến thức. Tuy nhiên, việc thuộc nhiều số liệu là vấn đề khó khăn, nên HS cần nắm các số liệu cần thiết và phù hợp nhất.

Ví dụ: Hãy nêu các nhà máy thủy điện lớn đã và đang được xây dựng ở trung du và miền núi Bắc Bộ nước ta.

Yêu cầu HS phải nêu được 4 nhà máy thủy điện sau:

- Các nhà máy đã được xây dựng:

+ Hòa Bình, trên sông Đà, công suất 1.920 MW

+ Thác Bà, trên sông Chảy, công suất 110 MW

- Các nhà máy đang được xây dựng:

+ Sơn La, trên sông Đà, công suất 2.400 MW

+ Tuyên Quang,  trên sông Gâm, công suất 342 MW

Cần biết vận dụng kiến thức. Đây là một yêu cầu cao hơn so với mức nhận biết và thông hiểu kiến thức.  

Ví dụ: Vì sao trung du miền núi Bắc Bộ là vùng trồng nhiều chè nhất nước ta?

Yêu cầu HS phải nêu được:

Trung du miền núi Bắc Bộ có nhiều lợi thế: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, đồng thời chịu sự chi phối bởi độ cao của địa hình. Đất feralit, đất phù sa cổ (ở trung du). Dân cư có nhiều kinh nghiệm, truyền thống sản xuất và chế biến chè. Thị trường tiêu thụ lớn (trong nước, ngoài nước)...

Về kỹ năng

HS cần hết sức chú trọng rèn luyện các kỹ năng:

1. Bảng số liệu: Tính toán, nhận xét

 - Về tính toán: Chuyển đổi số liệu tuyệt đối sang tương đối (%); tạo đại lượng mới như từ diện tích (km2) và dân số (người) để tính mật độ dân số (người/km2); từ sản lượng (tấn) và diện tích (ha) để tính năng suất (tấn/ha; tạ/ha)...

 - Về nhận xét: Cần phải nêu được bản chất của hiện tượng, của vấn đề. Nếu hiện tượng có nhiều năm thì cần nêu sự biến động của nó qua thời gian (cả thời kỳ, từng giai đoạn) nhưng cần tránh nêu quá chi tiết mà không nêu được nội dung chủ yếu.

Ví dụ: Cơ cấu sản lượng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long  (Đơn vị: %)

 

Nhận xét sự thay đổi cơ cấu sản lượng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1995-2005.

Yêu cầu HS phải nêu được:

- Sự thay đổi cơ cấu sản lượng thủy sản phân theo ngành diễn ra mạnh mẽ.

- Sự thay đổi diễn ra theo hướng giảm nhanh tỷ trọng sản lượng ngành đánh bắt, tăng nhanh sản lượng ngành nuôi trồng.

- Năm 1995 sản lượng ngành đánh bắt chiếm ưu thế, nhưng đến năm 2005 sản lượng ngành nuôi trồng chiếm ưu thế.

2. Biểu đồ:

- Vẽ biểu đồ: Cần rèn luyện các dạng biểu đồ cột, biểu đồ đường hay đồ thị, biểu đồ tròn, biểu đồ miền (thể hiện cơ cấu của hiện tượng địa lý). Vẽ biểu đồ đòi hỏi sự chính xác về phân chia số lượng, tỷ lệ thời gian (đặc biệt đối với biểu đồ đường, biểu đồ miền), sử dụng các ký hiệu để thể hiện nội dung khác nhau, có ghi chú. Trên biểu đồ phải ghi đầy đủ các yếu tố khác như đơn vị, tên biểu đồ.

 
Học sinh phải nắm kỹ năng vẽ biểu đồ - Ảnh: Hạ Huy

- Về giải thích: Cần biết vận dụng kiến thức đã học để giải thích hiện tượng địa lý, biết chọn lựa kiến thức để giải thích phù hợp và sát với yêu cầu, tránh giải thích dông dài.

3. Bản đồ: Yêu cầu sử dụng Atlat do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ 2005 trở lại đây, và HS cần nhớ phải: nắm vững hệ thống ký hiệu, ước hiệu bản đồ (ở trang bìa và các trang bên trong); xác định được các phạm vi không gian của lãnh thổ (vùng, tỉnh...); xác định đúng yêu cầu của đề thi; nhận biết, đọc và mô tả được các đặc điểm của hiện tượng địa lý trên bản đồ; biết vận dụng các kiến thức để giải thích hiện tượng một hiện tượng địa lý (nếu đề bài có yêu cầu).

Ví dụ: Dựa vào Atlat địa lý Việt Nam các trang công nghiệp và kiến thức đã học, hãy:

a. Kể tên các nhà máy thủy điện theo nhóm có công suất trên 1.000 MW, dưới 1.000 MW.

b. Giải thích sự phân bố các nhà máy thủy điện của nước ta.

(Đề thi tốt nghiệp THPT phân ban năm 2006)

Yêu cầu HS nêu được:

Kể tên và sắp xếp các nhà máy thủy điện:  Nhà máy thủy điện trên 1.000 MW: Hòa Bình. Các nhà máy thủy điện dưới 1.000 MW: Yali, Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An, Đa Nhim, Thác Mơ, Thác Bà...

Giải thích: Các nhà máy thủy điện phân bố trên các con sông ở trung du miền núi. Trung du miền núi có địa hình cao, dốc, nước chảy xiết. Địa hình chia cắt tạo các thung lũng xen kẽ dãy núi cao thuận lợi để xây dựng hồ chứa nước.

Đoàn Văn Xuân
(Giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Khánh Hòa)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.