Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thay đổi theo hướng nào?

06/06/2022 06:02 GMT+7

Giai đoạn 2017 - 2021 có nhiều thay đổi với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh những tích cực trong đổi mới thi cử, tác động đến dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, vẫn còn không ít bất cập cần giải pháp cải tiến.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn tăng theo từng năm

Mặc dù thay đổi mục tiêu và ảnh hưởng của đại dịch, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước vẫn tăng dần qua từng năm, năm 2017 (97,42%), 2018 (97,57%), 2019 (94,06%), 2020 (98,34%) và 2021 (98,6%). Tỷ lệ tốt nghiệp cao, xã hội phấn khởi nhưng kết quả này sẽ khó thực hiện phân luồng sau THCS vì đa số học sinh (HS) muốn học lên để có bằng tốt nghiệp THPT; hạ thấp yêu cầu đầu ra dẫn đến không nâng cao chất lượng HS sau THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong đại dịch Covid-19

NGỌC THẮNG

Điểm môn lịch sử và ngoại ngữ thấp nhất

Do nhiều yếu tố khác nhau tác động và cũng vì mục tiêu của kỳ thi nên phạm vi kiến thức ra đề thi thay đổi dẫn đến độ khó đề thi thay đổi theo từng năm. Nếu tính trung bình các môn thi theo từng năm cho thấy sự khác nhau, giai đoạn 2017 - 2019 có điểm trung bình dưới 6 và giai đoạn 2020 - 2021 có điểm trung bình trên 6. Năm 2018, đề thi khó nhất, trung bình điểm thi các môn thấp nhất (5 điểm); năm 2021, đề thi dễ nhất nên trung bình điểm thi các môn là 6,43; năm 2018 chỉ có 447 điểm 10; năm 2021 là năm “lạm phát” với 24.555 điểm 10.

Tính trung bình điểm thi theo môn qua 5 năm đổi mới thi tốt nghiệp THPT cho thấy, điểm trung bình môn lịch sử thấp nhất (4,64 điểm), kế đến là ngoại ngữ (4,7), sinh học (5,03), hóa học (5,81), vật lý (5,87), ngữ văn (5,97), toán (6,11), địa lý (6,36) và giáo dục công dân (GDCD) (7,79). Môn GDCD năm 2021 bất thường, khi trung bình điểm thi (8,37) cao hơn điểm học bạ (8,19).

So sánh trung bình số điểm 10 trong 5 năm của các môn cho thấy, môn ngữ văn ít nhất (bình quân 1 điểm 10/năm), vật lý (21), toán (116), lịch sử (169), sinh học (229), địa lý (230), hóa học (420), ngoại ngữ (1.256) và GDCD (4.844).

Phổ điểm môn ngoại ngữ có 2 đỉnh

Xem xét phổ điểm của tất cả môn thi đều có hình chuông, riêng phổ điểm môn ngoại ngữ năm 2021 có sự khác biệt, khi có tới 2 đỉnh. Điều này phản ánh có sự phân hóa về chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng: Vùng có điều kiện kinh tế phát triển chất lượng môn ngoại ngữ tốt hơn, trong khi vùng sâu, vùng xa, miền núi và HS dân tộc có chất lượng ngoại ngữ thấp hơn. HS vùng thuận lợi có điều kiện thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi ngoại ngữ, tương đương đạt điểm 10.

Giải pháp cải tiến kỳ thi

Trước hết, luôn cảnh giác với gian lận thi cử.

Kế đến, đề thi THPT cần phải phân hóa HS cao hơn để phân loại HS xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu; tăng tỷ lệ các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao; tăng độ khó đối với môn GDCD hoặc có thể cho môn GDCD thi thêm tự luận; môn ngoại ngữ nên có 2 đề thi để HS lựa chọn: một đề cơ bản và một đề nâng cao, những thí sinh muốn xét tuyển ĐH môn ngoại ngữ phải thi đề nâng cao; cải tiến đề thi môn sử giảm kiểm tra các sự kiện, con số.

Chậm nhất trong năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT phải công bố các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để các cơ sở giáo dục có kế hoạch dạy và học.

Từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính như thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Bộ GD-ĐT có biện pháp khoa học, hiệu quả hơn trong xây dựng ngân hàng đề thi, chuẩn bị tốt đội ngũ tinh thông về chương trình giáo dục phổ thông 2018, vững vàng về kỹ năng xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo ma trận, với các tiêu chí, mức độ phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông 2018 và tương đương với các nước tiên tiến.

5 năm đổi mới thi tốt nghiệp THPT

Năm 2017: Năm đầu tiên thí sinh tự chọn theo tổ hợp

Tiếp nối kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, kỳ thi năm 2017, ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, HS được quyền lựa chọn thêm bài thi, giữa 2 tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, GDCD). Tất cả các môn, bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan (môn ngữ văn thi tự luận).

Kỳ thi giao cho địa phương chủ trì, với sự giám sát và coi thi của giảng viên ĐH, CĐ.

Năm 2018: Tiêu cực gian lận thi cử chưa từng có

Đề thi THPT quốc gia được khó hơn so với năm 2017. Nhờ đó, qua đối sánh số điểm 9, điểm 10 giữa các tỉnh, đã phát hiện vụ gian lận điểm chưa từng có trong lịch sử giáo dục, có 221 thí sinh gồm (Hà Giang: 114, Sơn La: 44, Hòa Bình: 63) được nâng điểm; có thí sinh được nâng hơn 9 điểm/môn, đưa tổng điểm 3 môn thi lên trên 29,0. Vụ gian lận này khiến cho 16 cán bộ, gồm cả phó giám đốc sở GD-ĐT, giáo viên, công an... bị khởi tố và kết án tù giam. Nhiều thí sinh được nâng điểm bị xóa khỏi danh sách trúng tuyển hoặc buộc thôi học.

Năm 2019: Địa phương chủ trì thi, trường ĐH chấm trắc nghiệm

Năm 2019, rút kinh nghiệm kỳ thi THPT 2018, Bộ GD-ĐT triển khai áp dụng nhiều giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong tổ chức kỳ thi theo hướng tăng cường vai trò của trường ĐH, CĐ, địa phương chủ trì thi nhưng chấm thi trắc nghiệm do trường ĐH phụ trách; tăng cường kỹ thuật giám sát trong tổ chức thi. Đặc biệt là mã hóa bài thi trắc nghiệm của thí sinh trước khi chấm, giúp chấm thi được công bằng, minh bạch và chống gian lận.

Năm 2020: Năm đầu tiên thực hiện luật Giáo dục 2019

Năm 2020, sau khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi “Tốt nghiệp THPT”, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Các trường ĐH tự chủ tuyển sinh, có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đầu vào.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HS cả nước chuyển sang học trực tuyến thời gian dài, Bộ GD-ĐT giảm tải chương trình, kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức thành 2 đợt: đợt 1 dành cho TS không ảnh hưởng dịch bệnh, đợt 2 dành cho những TS bị ảnh hưởng dịch bệnh. Do đề thi dễ hơn, điểm thi ở các môn cao dẫn đến điểm chuẩn ĐH tăng.

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh giữa điểm thi và điểm học bạ.

Năm 2021: Kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp

Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nặng nề, phải chia thành hai đợt. Lần đầu tiên, các địa phương phải xin đặc cách tốt nghiệp cho hơn 15.000 thí sinh. Đề thi tiếp tục được giảm tải do HS phải học trực tuyến kéo dài. Điểm thi 2021 tăng mạnh, đặc biệt là môn GDCD và môn tiếng Anh. Số điểm 10 kỳ thi lên tới 24.555 (gấp 4 lần năm 2020). Cùng với đó, là việc tuyển sinh các trường ĐH đa dạng bằng nhiều hình thức nên số chỉ tiêu theo xét điểm thi THPT giảm, dẫn đến điểm chuẩn một số ngành ĐH tăng rất nhiều, một số trường ĐH xuất hiện mức chuẩn từ 30 trở lên; có 165 em đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt ĐH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.