Kỳ thú bản tường trình nhà cổ - Kỳ 6: Họa sĩ 'ma Hời'

08/11/2014 04:30 GMT+7

Nghỉ hưu sớm rồi về vùng ngoại vi Mỹ Sơn dựng nhà lá mái theo phong cách Bình Định, nhiều người tưởng Nguyễn Thượng Hỷ đã chịu nghỉ ngơi nhưng thực ra anh lại đang nghiên cứu nhiều hơn.

>> Kỳ thú bản tường trình nhà cổ - Kỳ 5: Bài học vỡ lòng từ Nhật
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 3: Báu vật lưu lạc 
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 2: “Cãi” với Gourou
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 1: Nhà lá mái chống cháy

Kỳ thú bản tường trình nhà cổ - Kỳ 6: Họa sĩ 'ma Hời'
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bên bức phù điêu composite “Thần linh và vũ nữ” - Ảnh: H.X.H

Bạn bè gọi Nguyễn Thượng Hỷ là “ma Hời” kể từ lúc anh theo kiến trúc sư Kazik nghiên cứu trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Khương Mỹ, Chiên Đàn… “Mình nhớ mùa đông năm 1980, mưa lớn lắm, lần đầu tiên được cơ quan phân công đi đón kiến trúc sư Kazik và dẫn vào Mỹ Sơn. Những năm 1982 - 1984, Kazik thường ra vào Mỹ Sơn khi 2 ngày, khi 1 tuần. Có năm mình ăn tết luôn với Kazik trong khu tháp cổ”. Anh kể thêm, chỉ cần nhìn cách mài viên gạch của kiến trúc sư người Ba Lan cũng học được nhiều điều. 

Nghỉ hưu sớm vì... viên gạch Chăm

Đam mê nghiên cứu tháp Chăm như vận vào người, đến ngày nghỉ hưu sớm lại quay về làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn bên ngoài Khe Thẻ dựng nhà trú ngụ. Trong rất nhiều lý do khiến anh nghỉ hưu sớm 4 năm, có chuyện bất đồng quan điểm khi tranh luận với đồng nghiệp về giá trị của… viên gạch Chăm.

Ngôi nhà tranh của anh đã quá quen thuộc với giới văn nghệ sĩ cả nước. “Họa sĩ ma Hời” bán nhà ở TP.Tam Kỳ, mang tiền lên mua đất, dựng nhà lá mái, xây hồ. Anh thiết kế nhà, tự tay trát vách đất, thuê thợ tre trong vùng thi công, bày họ cách làm mái đất. Bức phù điêu Thiên thần và vũ nữ có hình ảnh vũ nữ Chăm bên trong đôi mắt thần Siva sáng tác hồi tháng 6.2013, giờ được anh đặt ngay lối dẫn vào nhà. Từ bên trong cửa sổ nhìn theo hướng ấy, thấy thấp thoáng đỉnh Hòn Đền thiêng liêng.

Vợ anh vẫn ở Đà Nẵng chăm mẹ già, cuối tuần dẫn cháu nội lên thăm. Anh dành nhiều thời gian cho việc viết lách, vẽ tranh và… đón tiếp bạn bè. Trong không gian tĩnh lặng ấy, nhà nhiếp ảnh Hồ Xuân Bổn từng xin phép đưa người mẫu đến chụp ảnh khỏa thân. Trên vách đất ngay chỗ người mẫu tạo dáng, bây giờ đang treo tác phẩm với dòng đề tặng: “Tôi và cái bóng, chụp tại nhà của ma Hời - họa sĩ Thượng Hỷ”. Nhạc sĩ Phan Văn Minh, tác giả ca khúc Cả nhà thương nhau, sau một lần ghé chơi cũng viết: “Có những việc tưởng như đơn giản nhưng không mấy ai làm được. Ở như thế này chắc rằng lòng rất sạch, tâm rất tịnh và trái tim rất yêu đời”. 

Nơi nào có nhà xưa là tìm đến

 

Kỷ lục đeo bám nhà cổ

Trong hàng trăm ngôi nhà cổ xứ Quảng, hầu như di tích nào cũng in dấu chân Nguyễn Thượng Hỷ với khoảng 350 nhà. Có nhà anh lui tới 4 - 5 lần, đến độ chủ nhân nhẵn mặt ông họa sĩ nói giọng Huế. Anh giữ kỷ lục đến đo vẽ nhiều nhất tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở làng cổ Lộc Yên (H.Tiên Phước, Quảng Nam): 15 lần trong vòng 11 năm.

Nhà nhiếp ảnh Vũ Công Điền từng chụp được cảnh họa sĩ Hỷ đeo chiếc máy ảnh Pentax của kiến trúc sư Kazik trước ngực, cách đây 21 năm nhân lễ hội văn hóa miền núi Quảng Nam. Nhìn ảnh cũ, họa sĩ Hỷ nhớ những ngày cực khổ băng rừng đo vẽ. Nhiều khi cả nhóm lội bộ từ sáng đến tối mịt mới vào đến làng Cơ Tu sát biên giới Việt - Lào để nghiên cứu về âm nhạc, sưu tầm hiện vật, đo vẽ nhà truyền thống. Nên “gia tài” quý nhất của anh có lẽ là bản vẽ hoàn chỉnh về những ngôi nhà cổ tiêu biểu cùng hàng trăm tài liệu khác về tỷ lệ, hướng nhà...

Có người bảo họa sĩ Hỷ “ở ẩn” để về chơi với cỏ, nhưng anh nào đã nghỉ ngơi. Vừa từ Nhật Bản nhận tặng thưởng Daifumi về, anh vội đón xe vào Ninh Thuận đo vẽ nhà cổ truyền Chăm, quay về Đà Nẵng thăm vợ ốm rồi lên Mỹ Sơn chừng 2 ngày định “trả nợ” nốt các bản thảo khảo tả cho Viện Bảo tồn di tích VN. Anh vừa lục tìm tư liệu bản vẽ cho chúng tôi xem, vừa nhận lời hẹn của nhóm họa sĩ TP.HCM và Đà Nẵng muốn ghé thăm vào đầu tháng 11.2014. Lại thêm “đơn đặt hàng” của một hội thảo về làng quê sắp đến hạn, trong đó anh chọn trình bày về nhà cổ truyền VN. Chưa kịp nghỉ ngơi đã bị giục vào Quảng Ngãi để tư vấn về mô hình nhà đồng bào Co, kiến trúc đối diện nguy cơ thất truyền mà bản thân anh cũng muốn la cà hầu chuyện các già làng vùng giáp ranh Quảng Ngãi - Quảng Nam.

“Hầu như nơi nào có nhà xưa tôi đều tìm đến. Nhưng đi nhiều chưa hẳn là mình đã đi hết”, họa sĩ Hỷ khiêm tốn. Những chỗ xa hơn như Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên…, anh chỉ tranh thủ vào dịp nghỉ phép thời còn làm việc tại bảo tàng và trung tâm quản lý di tích. Bỏ tiền túi ra mà đi, 5 - 7 ngày cho một lần đo vẽ. Những chuyến khảo tả thầm lặng như thế đã làm dày thêm vốn kiến thức. Nhìn bộ vì nóc trên ngôi nhà cổ truyền Nam bộ, anh quả quyết chính kíp thợ Bình Định đã thi công. Nhận định này khiến nhiều người ngạc nhiên vì kết quả nghiên cứu lâu nay vẫn khẳng định hầu hết nhà ở Nam bộ do thợ vùng Ngũ Quảng (từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi) thực hiện…

Nguyễn Thượng Hỷ tự nhận mình chỉ là người “lon ton” theo kiến trúc sư Kazik, sau đó may mắn được sang Nhật Bản học về kiến trúc gỗ, sống trọn vẹn với việc đo vẽ nhà cổ truyền và tu bổ di tích Chăm... Nhưng sau hành trình 35 năm đo vẽ, bản thân “họa sĩ ma Hời” này cũng chính là một bản tường trình thú vị về nhà cổ.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Ngôi nhà cổ của những đoàn làm phim
>> Khai trương Bảo tàng kiến trúc nhà cổ VN
>> Không gian nhà Việt Nam là bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất nước
>> Trùng tu ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.