Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025

02/01/2025 22:08 GMT+7

Chào đón năm mới 2025, những hiện tượng kỳ thú nào trên bầu trời sẽ chờ đợi người yêu thiên văn Việt Nam trong năm nay?

Dưới đây là dự báo của Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) về một số sự kiện thiên văn nổi bật nhất 2025 trên bầu trời Việt Nam.

1. Mưa sao băng Quadrantids (3.1)

Mưa sao băng Quadrantids hoạt động hàng năm từ ngày 26.12.2024 đến ngày 16.1.2025 với cực điểm năm nay rơi vào lúc 23 giờ sáng ngày 3.1.2025. Vì vậy, thời gian quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này sẽ là rạng sáng ngày 4.1.2025. Trong điều kiện quan sát thuận lợi, bạn có thể nhìn thấy từ 60 đến 200 vệt sao băng bay ngang bầu trời mỗi giờ vào lúc cực điểm.

Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025- Ảnh 1.

Chào đón năm mới 2025, bầu trời Việt Nam sẽ có những hiện tượng thiên văn kỳ thú nào?

HUY HYUNH

Mặc dù được coi là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, Quadrantids vẫn không được đánh giá cao do thời gian cực đại ngắn, chỉ kéo dài trong vài giờ. Năm 2025, trăng lưỡi liềm đầu tháng sẽ lặn đi vào đầu buổi tối và gần như không ảnh hưởng gì tới buổi quan sát của bạn.

2. Mưa sao băng Eta Aquariids (ngày 6.5)

Eta Aquariids là trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 15.4 đến ngày 27.5 với cực đại năm nay dự kiến rơi vào lúc 10 giờ ngày 6.5. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là vào rạng sáng ngày 6.5. Nhìn chung, chúng ta có thể nhìn thấy khoảng 30 vệt sao băng xuất hiện mỗi giờ vào lúc cực điểm.

Eta – Aquariids nổi tiếng với các vệt sao băng di chuyển rất nhanh (khoảng 66 km/s) và để lại các vệt ion hóa phát sáng kéo dài sau đó vài giây đến vài phút. Mặt trăng trong chòm sao Leo sẽ lặn đi sau 2 giờ sáng và không gây ảnh hưởng gì đến buổi quan sát của bạn.

Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025- Ảnh 2.
Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025- Ảnh 3.

Đừng bỏ lỡ những trận mưa sao băng đổ xuống bầu trời

ẢNH: HUY HYUNH

Thăm dò ý kiến

Bạn thích quan sát hiện tượng thiên văn nào nhất?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

3. Mưa sao băng Perseids (ngày 13.8)

Mưa sao băng Perseids diễn ra hàng năm từ ngày 14.7 đến ngày 1.9 với cực đại năm nay dự kiến rơi vào lúc 3 giờ sáng ngày 13.8. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là rạng sáng ngày 13.8.

Perseids được mệnh danh là một trong những trận mưa sao băng đẹp và ấn tượng nhất năm 2025 với tần suất vào lúc cực điểm lên tới 100 đến 120 vệt sao băng mỗi giờ. Chúng xảy ra vào những đêm cuối hè mát trời dễ chịu, cho phép người quan sát thoải mái chiêm ngưỡng.

4. Nguyệt thực toàn phần (ngày 7 - 8.9)

Mặt trăng sẽ đi qua vùng bóng tối của trái đất vào tối ngày 7.9, rạng sáng ngày 8.9 tạo ra nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được tại khu vực rộng lớn của châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Đại Dương, trong đó có Việt Nam.

Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025- Ảnh 4.

Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025- Ảnh 5.

Nguyệt thực toàn phần được xem là sự kiện thiên văn được mong chờ nhất 2025

ẢNH: HUY HYUNH

Không giống như nhật thực, nguyệt thực có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường mà không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào đi kèm. Một chiếc ống nhòm có thể giúp bạn có góc nhìn tuyệt vời hơn về bề mặt của vệ tinh này trong thời gian diễn ra nguyệt thực. Trong thời gian nguyệt thực toàn phần, bề mặt của mặt trăng sẽ chuyển sang màu nâu đỏ đầy ngoạn mục nhưng cũng vô cùng huyền bí.

5. Sao Thổ đạt vị trí trực đối (ngày 21.9)

Sao Thổ sẽ đạt vị trí trực đối, vị trí đối diện với mặt trời trên bầu trời khi quan sát từ trái đất vào lúc 12 giờ 37 phút ngày 21.9. Từ Hà Nội, sao Thổ sẽ có thể được bắt đầu quan sát từ 18 giờ 43 phút khi hành tinh này đang nằm cao khoảng cao 11° so với đường chân trời phía đông.

Nó sẽ đạt đến vị trí cao nhất trên bầu trời vào lúc 23 giờ 50 phút, cao 65° so với đường chân trời phía nam và lặn đi ở phía tây vào lúc 5 giờ 48 phút sáng ngày hôm sau. Trong đêm, sao thổ sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 0,6 trong khu vực của chòm sao hoàng đạo Pisces.

Kỳ thú nguyệt thực toàn phần, mưa sao băng rực rỡ… chờ người Việt năm 2025- Ảnh 6.

Các chòm sao, hành tinh trong hệ mặt trời cũng sẽ có nhiều hiện tượng thú vị

ẢNH: HUY HYUNH

6. Mưa sao băng Geminids (ngày 14.12)

Mưa sao băng Geminids có thể quan sát từ ngày 19.11 đến ngày 24.11 hàng năm và năm 2025 sẽ đạt cực điểm vào lúc 15 giờ sáng ngày 14.12. Vào lúc cực điểm, bạn có thể nhìn thấy khoảng từ 120 đến 150 vệt sao băng bay ngang qua bầu trời mỗi giờ trong điều kiện quan sát l‎ý tưởng.

Geminids bao gồm những vệt sao băng sáng và di chuyển nhanh, mang đến một cảnh tượng không thể tuyệt vời hơn đối với những người quan sát ở Bắc Bán Cầu, đặc biệt vào những năm không có sự xuất hiện của ánh trăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.