>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 2: “Cãi” với Gourou
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 1: Nhà lá mái chống cháy
|
"Tác phẩm điêu khắc" nơi xóm vắng
Thời điểm đó, khảo sát nhiều nhà cổ dọc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định…, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ vẫn không tìm thấy ngôi nhà cổ nào lớn hơn. Nó vượt xa kích cỡ của những ngôi nhà rường thường thấy vốn chỉ dài đến 14,5 m với đủ rầm thượng, rầm hạ, 2 buồng gói (nơi cất giữ đồ đạc, lúa gạo). Lối chống trộm của chủ nhân cũng rất kỹ với thanh gỗ lim lớn làm ngạch cửa để chống bị đào ngạch, hay lắp 9 đòn tay dày đặc ngay trên buồng gói phòng kẻ trộm dỡ ngói tháo rui lẻn xuống…
Có doanh nhân ở TP.HCM đặt thợ làm xong công trình theo lối nhà rường Huế, nghe lời đồn về ngôi nhà cổ đẹp nhất Quảng Nam liền tìm đến chiêm ngưỡng và thừa nhận mình thiếu duyên may khi biết tin về di tích này quá trễ. Bề ngoài sơ sài với đám rau lang trồng ở sân trước, hàng rào tre đơn giản… nhưng nhà của ông Ngô Văn Sĩ ở xã Quế Xuân 1 (H.Quế Sơn) lại lưu giữ nhiều báu vật. Đẩy cửa bước vào bên trong ngôi nhà 3 gian 2 chái, khách sẽ thấy ngồn ngộn kiến trúc cầu kỳ. Nguyễn Thượng Hỷ từng ghi vào sổ tay những cấu kiện đẹp và gọi đó là tác phẩm điêu khắc. Những bức võng ở gian thờ. Những tấm liên ba cách điệu hình rồng, giao, chim trĩ, bát bửu. Kèo lòng ba cách điệu hoa văn lá xoắn xít. Đầu giao chạm lộng…
|
Tài hoa trôi dạt
Ít ai ngờ bức hoành phi khắc bài thơ thứ 7 trong Thu hứng bát thủ (8 bài thu hứng) của thi hào Đỗ Phủ (Trung Quốc) treo trang trọng ở gian giữa ngôi nhà của ông Sĩ lại lưu lạc từ một chủ cũ nào đó từ Hội An. Nguyễn Thượng Hỷ tìm thấy “vết tích” này rồi vất vả nhờ nhiều người am tường chữ Hán giúp đỡ để lần ra gốc gác bài thơ. Thử đọc lại 4 câu cuối rất hào sảng trong bài Đường thi khắc theo lối thảo thư bay bổng qua bản dịch của Lê Nguyễn Lưu: Cô chìm sóng dạt mờ mây xám/Sen rụng sương sa lạnh phấn hồng/Quan ải ngất trời chim mở lối/Giang hồ khắp chốn một ngư ông.
|
Nhóm kiến trúc sư Nhật Bản cũng không khỏi kinh ngạc vì ẩn sau khu vườn trồng hoa của bà Trần Thị Thao ở xã Đại Nghĩa (H.Đại Lộc) lại có nhà cổ chứa đựng nhiều kiến trúc lạ như vậy. Thoạt nhìn, ngôi nhà trên 200 năm tuổi và trải qua 6 đời này khá đơn giản, nhưng khảo sát kỹ các dấu vết từ bức tường nham nhở, đế đá kê cột… lại hé lộ về công trình từng rộng đến 7 gian. Dính bom thời chiến tranh, chủ nhân đành phải “gọt” bớt 2 hàng cột ở 2 chái kép (thường mỗi chái chỉ có 1 hàng cột, nhà này gấp đôi), còn 3 gian chính và mái giọt gianh. Với kiến trúc tam gian tứ hạ, nhà bà Thao phải phục dựng tổng cộng 108 cột mới trả lại nguyên mẫu. Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) có lý do để xếp loại 1 đối với di tích này. Đối chiếu kỹ hơn về 2 nhà cổ đặc biệt mới thấy nhiều điểm “hơn thua”: kích thước nhà bà Thao lớn hơn (dài 17,42 m) nhưng không gian sử dụng bên trong lại nhỏ hơn nhà ông Sắc (ít hơn 0,28 m chiều dài).
Nhưng điều bất ngờ nhất vẫn chưa dừng lại, khi các kiến trúc rực rỡ một thời này bây giờ đã “trôi dạt” mỗi nhà mỗi kiểu. Nhà ông Sắc bán năm 2005 với giá chưa đến 100 triệu đồng, nhưng chủ kinh doanh nhà cổ sửa và ráp dựng lại đã có khách đòi mua tiền tỉ. Nhà bà Thao tháo dỡ khỏi mảnh vườn cũ 2 năm sau đó và có vẻ “may mắn” hơn khi phục dựng tại Không gian nhà VN tại H.Điện Bàn. Đặt ở vị trí trang trọng ngay phía sau Chính môn, di tích 108 cột này liền ẵm một trong số 5 kỷ lục quốc gia mà Trung tâm VietKings công bố xác lập cho Không gian nhà VN hôm 18.10.2014.
Thời điểm nhà bà Thao được nâng lên hàng kỷ lục quốc gia, ngôi nhà đẹp nhất Quảng Nam của ông Ngô Văn Sĩ đang vẫn loay hoay với tập hồ sơ khoa học. Những ngày này, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đang tất bật viết bài khảo tả theo đơn “đặt hàng” của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL). “Anh Hỷ nhiều lần khuyên tôi làm hồ sơ di tích. Tôi cũng ưng tu bổ nhà lắm vì nhà dột nhiều chỗ, nhưng lực bất tòng tâm. Chắc tôi sẽ phải sớm gõ cửa các cơ quan quản lý thôi”, ông Sĩ thổ lộ.
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Ngôi nhà cổ của những đoàn làm phim
>> Khai trương Bảo tàng kiến trúc nhà cổ VN
>> Thăm Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt
Bình luận (0)