Kỳ thú tường trình nhà cổ: Nhà lá mái chống cháy

03/11/2014 05:00 GMT+7

Trở thành người VN đầu tiên nhận giải thưởng quốc tế về kiến trúc gỗ mang tên Daifumi của Nhật Bản hồi tháng 10.2014 nhưng hành trình đo vẽ và trùng tu nhà cổ của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (Quảng Nam) đã khởi sự từ 35 năm trước.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bên những phác thảo về nhà lá mái Lý Sơn - Ảnh: H.X.H
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bên những phác thảo về nhà lá mái Lý Sơn - Ảnh: H.X.H 

Họa sĩ này say nghề một cách đặc biệt, lặn lội khắp miền Trung để có những bản tường trình đẫm mồ hôi về nhà cổ. Dọc miền Trung, hầu như ở đâu có kiến trúc gỗ và nhà cổ truyền là Nguyễn Thượng Hỷ tìm đến đo vẽ, thậm chí đến rất nhiều lần, để “phác thảo” giá trị lẫn nguy cơ mà di sản đang đối diện.

Kiểu nhà chống giặc Tàu Ô

Chạy xe máy từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, gửi xe đâu đó rồi theo thuyền ra đảo, ít nhất 5 lần như thế Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam) đến Lý Sơn nghiên cứu nhà lá mái. Không chỉ vì tò mò trước kiểu nhà 2 lớp mái hiện diện trên đảo, họa sĩ 58 tuổi này còn muốn giải tỏa thắc mắc: Vì sao người dân ngoài đó lại sử dụng kiến trúc này?

La cà ngoài đảo, các cụ già Lý Sơn đã nhắc chuyện người dân làm nhà kiểu này “để chống bọn giặc biển” nhưng ban đầu anh không để ý lắm, chỉ tập trung đo vẽ. Trong các lần ra đảo kể từ năm 2007, anh khảo tả 9 ngôi nhà lá mái, sau đó thống kê được khoảng 19 ngôi nhà rường làm bằng gỗ lớn còn nguyên kết cấu kiến trúc cũ. “Lúc đó, thậm chí tôi không tin rằng có bọn giặc biển kéo vào đốt phá nhà dân”, anh nhớ lại. Cho đến khi tiếp cận tư liệu về hải tặc ở Quảng Ngãi dưới thời Nguyễn từ một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, họa sĩ Hỷ lại lên đường.

Những sử liệu trích dẫn từ cuốn Đại Nam thực lục chính biên cho hay từ năm 1843, đã có 20 chiếc thuyền giặc Tàu Ô đến đóng ở cửa Đại Chiêm - Quảng Nam, khi bị đánh đuổi chạy qua cửa biển Sa Kỳ - Quảng Ngãi cướp lấy binh khí rồi đốt cháy nhà dân ở Lý Sơn. Năm 1867, lại thêm 22 chiếc nữa vào cửa Sa Kỳ với hơn 300 tên giặc kéo lên cạn. Tỉ mỉ nghiên cứu các lớp mái, vách nhà, kết cấu khung, để ý “hạng mục” rầm hạ gần sát nền để cất giấu tài sản hoặc hầm bí mật chôn giấu của cải trên núi… và xâu chuỗi với địa danh hang Kẻ Cướp để gọi nơi bọn cướp ẩn nấp trên đảo Bé, Nguyễn Thượng Hỷ nhận ra từ xưa người dân Lý Sơn đã biết cách đối phó giặc Tàu Ô.

Anh hồ hởi thông báo về chứng tích kỳ thú này như một kinh nghiệm thú vị trong lịch sử chống ngoại xâm ở vùng đảo tiền tiêu. Tiếc rằng đến cuối tháng 10.2014, anh nhận thông tin nhiều ngôi nhà ở làng chài cổ đã thay mái ngói. Chỉ còn chừng 4 - 5 nhà lá mái giữ được hình hài cũ, nhưng chủ nhân cũng phá đi lớp mái bằng đất bên dưới như một kiểu trần bích mà người xưa phòng khi bị cháy thì đồ đạc bên dưới vẫn bảo toàn. “Lẽ ra địa phương phải gấp rút phục dựng một kiến trúc đặc biệt ở một nơi chốn đặc biệt như Lý Sơn”, anh lo lắng.

Thay ngói cho nhà lá mái

Trong khu vườn rợp bóng cây có di tích cổ làm nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước (Quảng Nam), lâu nay khách phương xa quen với hình ảnh mái ngói cổ kính. Nhưng Nguyễn Thượng Hỷ đã gây ngạc nhiên lớn khi gửi bản tham luận phân tích về… ngôi nhà lá mái, nhân hội thảo khoa học về thân thế - sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng tổ chức hồi đầu năm 2012. Nhiều chuyên gia khen cách tiếp cận hay và lạ, vì anh chịu khó gặp gỡ chủ nhân để kể lại câu chuyện kỳ công thay từng viên ngói trên mái tranh.

Mái nhà 2 lớp của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã được thay ngói. Qua lời kể của ông Huỳnh Thoàn, cháu cụ Huỳnh, ngôi nhà này tu sửa sau năm 1940, trải qua các công đoạn nhọc nhằn mấy lần đi đò, đi xe, gánh bộ… Ông Thoàn lưu ý họa sĩ Hỷ về kiểu lợp 2 mái lá ban đầu rất lạ, kết nhau bằng sợi dây mây để lỡ xảy ra hỏa hoạn thì đứng bên dưới giật đứt dây tách các mái ra, “chia nhỏ” đám cháy.

Cụ Nguyễn Huỳnh Anh, chủ nhân ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên (Tiên Phước) từng 2 lần bị Ngô Đình Diệm gạ mua nhưng bất thành, đã trực tiếp đi áp tải ngói từ Hội An về để thay mái lá hồi năm 1941. Thông tin quý giá này anh Hỷ “lượm lặt” được trong các chuyến khảo tả ở Lộc Yên từ năm 1993 khi cụ Huỳnh Anh còn khá minh mẫn (cụ mất năm 2006). “Vùng này hồi đó làm gì có ngói để lợp. Chỉ những nhà giàu mới tính chuyện mua ngói từ dưới Hội An. Ngói được chuyển theo đường thủy vô đến Tam Kỳ, sau đó chuyển xe đò lên đến Tiên Kỳ rồi lần lượt gánh từng chuyến lên làng cổ. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh vẫn nhớ lúc đó mỗi viên ngói giá 1 xu”, anh Hỷ kể.

Kết quả nghiên cứu về nhà lá mái - kiến trúc nhà ở tại đảo Lý Sơn cùng với những đề xuất về bảo tồn kiến trúc sinh thái, môi trường, về ý nghĩa văn hóa… đã giúp Nguyễn Thượng Hỷ trở thành tác giả duy nhất ở khu vực miền Trung đoạt giải tại cuộc thi do Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn tổ chức về kiến trúc cổ truyền VN hồi năm 2010.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống Việt - Nhật
>> Ngôi nhà cổ của những đoàn làm phim
>> Khai trương Bảo tàng kiến trúc nhà cổ VN
>> Thăm Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt
>> Trùng tu ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn
>> Cơ chế đặc biệt cho nhà cổ Hội An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.