Đất chín rồng, miền Tây hay vựa lúa là những cái tên dân dã mà người ta vẫn thường dùng khi nhắc đến 13 tỉnh thành ĐBSCL. Một vùng đất may mắn được mang trong mình nhiều lợi thế so với các vùng miền khác trong cả nước. Vùng đất này không chỉ là vựa lúa của cả nước và thế giới mà còn có nhiều thế mạnh khác về thủy hải sản, cây ăn trái và nguồn nhân lực dồi dào. Tất cả những tiềm năng, thế mạnh đó đang được phát huy hiệu quả, thay da đổi thịt từng ngày.
Trong 10 năm qua (2001 - 2010), nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ở mức tương đối cao so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng bình quân 11,7%/năm, cao hơn 1,8 lần so bình quân cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2 lần, duy trì mức xuất khẩu gạo trung bình hằng năm trên 6 triệu tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp cũng đạt ở mức cao 15,6%/năm. Tổng mức doanh thu bán lẻ tăng 11,8%/năm, cao hơn bình quân cả nước. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của vùng trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của cả nước như: gạo, tôm sú, cá tra… mỗi năm mang về nguồn thu nhiều tỉ USD. Với những thành tựu nổi bật trong những lĩnh vực nói trên nhiều người đã không quá khi dùng từ “kỳ tích”. Chính những thế mạnh đó là điểm tựa cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở những lợi thế so sánh về mặt tự nhiên, ĐBSCL còn sở hữu một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá - nguồn nhân lực. Trong thời buổi hiện nay, nhân tố con người được xem là yếu tố quyết định trong sự phát triển thì ĐBSCL lại đang sở hữu một cơ cấu “dân số vàng”. Hiện ĐBSCL có tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động đến 75,1%, tỷ lệ phụ thuộc là 30,7%, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đây được xem là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển của cả vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng trên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy chất lượng của sự phát triển của vùng ĐBSCL chưa cao, chưa mang yếu tố bền vững, mức sống người dân còn thấp, sự phát triển đang ở giai đoạn đầu - dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên là chính. Sản phẩm làm ra chưa có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng còn thấp. Do vậy, để có thể phát huy hết những tiềm năng lợi thế của mình một cách bền vững, ĐBSCL rất cần một sự đầu tư có chiều sâu của Chính phủ bằng vốn, cơ chế chính sách đặc thù...
Thời gian qua, đất chín rồng đã chuyển mình mạnh mẽ, giờ chỉ còn chờ thời cơ để vươn mình bay lên.
Bảo Nguyên
Bình luận (0)