Kỳ tích giữ rừng: Đời người giữ rừng

13/06/2013 09:57 GMT+7

Ở Quảng Trị, nhắc về Rú Lịnh ai cũng biết vì đây là khu rừng nguyên sinh còn sót lại giữa đồng bằng phía đông H.Vĩnh Linh.

Kỳ tích giữ rừng: Đời người giữ rừng

Với hơn 35 năm “chự rú” ông Trọng hiểu khu rừng này hơn ai hết - Ảnh: Nguyễn Phúc

Vác tù và hàng tổng

Nhưng đã nhắc đến Rú Lịnh thì cũng không thể quên “ông chự rú” Nguyễn Đình Trọng. Đơn giản, đời ông đã gắn 35 năm có lẻ với chốn thâm u này. Trong thổ ngữ của dân gốc Vĩnh Linh, chự là giữ, rú là rừng. Đời “chự rú” của ông có niềm vui nhưng cũng có không ít đớn đau thể xác lẫn tinh thần từ nghiệp đó mà ra. Đối với người dân thôn Tân Hòa (xã Vĩnh Hiền, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), ông Trọng là một thứ “đồ cổ” vì chẳng có ai giữ rừng nhiệt tình như ông. Người địa phương thương ông nhiều, mà ghét ông cũng không ít, nhất là những kẻ thường xuyên “ghé” Rú Lịnh chặt cây, trộm gỗ.

Buổi sáng, lúc tôi đến, nhà ông Trọng vắng teo, gọi khản cổ chẳng thấy tiếng trả lời. Tầm giữa trưa thì ông Trọng về, cười toe: “Cái điện thoại cục gạch tuần trước đi rú mất rồi, chưa có tiền mua lại nên không biết chú ghé chơi”. Người đàn ông có đôi mắt sâu hoắm và mái tóc bạc đối diện tôi đã bước qua tuổi 58. Sau năm 1973, ông làm công nhân thủy lợi, quăng quật khá nhiều nơi. Đến cuối 1977, ông Trọng về lại Tân Hòa và xung phong làm anh “chự rú” từ đó. “Tôi bén duyên với Rú Lịnh còn trước cả khi gặp... vợ. Hồi đó, đi rừng hùng hục, ngày đi mấy vòng, gặp “lâm tặc” là bắt giao cho xã. Thời ăn công điểm nếu làm cho xong nhiệm vụ thì sao giữ được rừng”, ông Trọng khẳng khái. Trong trí nhớ của ông Trọng thì ngày đó, dù vẫn còn lực lượng kiểm lâm nhưng vẫn không đủ sức ngăn từng đoàn người quanh Rú Lịnh vào rừng, chặt cây đốn gỗ như đi... chợ. Thương bà con nhưng xót xa trước mảnh rừng còn sót lại, ông Trọng quyết làm cứng. “Rừng của Nhà nước, dù họ có xin, tôi cũng không có quyền mà cho. Đến cả em vợ tôi cũng bắt. Thực ra, người dân cũng đang giám sát tôi, nếu tôi làm bậy, du di một tí là chết với họ”, ông Trọng chia sẻ.

Giữ rừng là giữ cho mình

 

Rừng nguyên sinh Rú Lịnh có diện tích 170 ha, có thảm thực vật phong phú như lim xanh, gụ lau, huyệnh, dẻ rừng, trầm hương, ngũ gia bì...; 73 loài chim; 12 loài thú. Hiện, có 3 người dân được giao bảo vệ Rú Lịnh, và ông Nguyễn Đình Trọng là người có thâm niên nhất...

Nếu theo lối suy nghĩ thông thường thì khó có thể giải thích vì sao ông Trọng gắn bó ngần ấy năm trời với Rú Lịnh khi trợ cấp không đủ cho vợ con ăn ngày 3 bữa. Ông Trọng bấm đốt ngón tay nhẩm đếm rằng, trước được công điểm, sau Nhà nước trả cho 60.000 đồng/tháng, mỗi lần tăng vài chục, đến bây giờ mỗi tháng ông cũng chỉ nhận vỏn vẹn 415.000 đồng. “Vậy mà từ tháng 1.2013 đến giờ chưa có xu nào đấy chú”, vợ ông, bà Nguyễn Thị Xuân, từ dưới bếp nói vọng vào. Ông Trọng vội lắc đầu, xua tay: “Nếu làm vì ngần đó thì tôi đã bỏ nghề cách đây từ lâu rồi”. “Vậy thì vì cái gì?”, tôi hỏi. Ông Trọng trầm ngâm một hồi lâu, nhìn ra vườn cao su cao vút trước nhà, rồi chép miệng: “Vì làng, vì nước, vì người đi trước, vì kẻ sinh sau, vì tôi, vì con tôi... Nhiều lắm chú ạ”.

Ông Trọng cười xòa: “Muốn làm nghề này thì phải có gan. Quen như tôi mà đi rừng vẫn bị vắt cắn, trật chân té là chuyện thường. Nhưng đi rừng mệt nhất là gặp người”. Ông kể, cách đây chừng dăm năm, khi đang tuần rừng ở khe Mài Rạ Mến Lện, phát hiện một nhóm người đang bứng 1 gốc đa to. Chỉ có một mình nên ông chờ cho chúng kéo cây đa ra ngoài Rú Lịnh mới hô hoán để dân làng vây bắt. Bị ông Trọng “phá đám”, cả bọn xúm lại đánh ông một trận nhừ tử. Tưởng ông... “chừa”, nào ngờ chỉ vài ngày sau, khi những vết bầm tím chưa kịp tan người ta đã thấy ông vác rựa lên rừng đi tuần. Suốt nhiều năm ông Trọng cũng là nạn nhân của “lâm tặc”, trên rừng thì chúng chặn đường dọa đánh, xô xe máy của ông xuống vực, về nhà thì chúng hết mua chuộc đến rình ném đá vào nhà, hăm dọa vợ con ông... “Nghề giữ rừng nhiều khi cũng chua chát lắm. Tôi được giao nhiệm vụ vậy chứ có quyền chi đâu. Lúc bị đánh thì không ai bảo vệ nhưng khi mình đánh trả, người ta có chuyện gì thì mình đi tù như chơi”, ông Trọng hắng giọng.

Nhìn ông Trọng “chự rú” cười nói nguểnh ngoãng vô tư lự giữa rừng tôi chỉ còn lo lắng một điều rằng: “Mai kia, khi ông Trọng chết đi, ai sẽ giữ màu xanh Rú Lịnh?”. Nhưng người đàn ông gắn đời mình với vùng rừng thâm u này vẫn lạc quan nói: “Tôi cũng chỉ như một cái cây trong Rú Lịnh, sinh ra, lớn lên rồi già nua, nhưng khi chết sẽ hóa thành mùn, tạo dưỡng chất cho cây con khác đâm chồi mà lên”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.