Ký ức

01/12/2013 03:15 GMT+7

Con suối Điệp chảy qua xã tôi dài chỉ vài cây số nhưng có đến bốn năm cái vực sâu: nào vực Tàu Bay, vực Đá Trắng, vực Đá Xanh… Những tên đó do bọn trẻ trâu đặt ra, chúng không có trên bản đồ.

Ông Huân sống bên mấy vực đó. Ông có một mình. Nhà ông là cái túp dựa bên hốc hõm của gốc phách cổ thụ to mấy người ôm. Chúng tôi hay vào xin nước uống trong những ngày hè và xin lửa sưởi ngày đông giá rét.

Ông có biệt tài câu cá chầy (chày) đất. Mùa hè, những ngày không mưa đứng trên bờ vực nhìn qua làn nước xanh trong vắt có thể thấy cả đàn cá chầy đất vây đỏ như hai hàng cờ, cắn đuôi nhau lượn lờ. Chúng khôn ngoan, ẩn sát đáy vực nên chẳng mấy khi bị mắc lưới. Chỉ mỗi ông Huân là biết cách bắt chúng. Ông bắt bằng mồi câu vào lúc trời chạng vạng. Chỉ một lúc ông đã tóm được vài con. Cá chầy đất, con to đến vài ba cân, con nhỏ cũng bảy tám lạng. Ông chỉ bắt đủ số theo lời dặn của mấy cái mồm sành ăn trong xóm. Cá ấy đắt vì thịt rất ngon, chả kém gì loại dầm xanh, anh vũ.

Cũng vì thế, và dù chả ai giao, tự nhiên ông thành người cai quản mấy cái vực có đàn cá chầy. Ông sống một mình và ung dung mấy chục năm bên bờ vực. Không biết đã bao lần ông làm lại lán ở. Lán chẳng to ra, cũng chẳng bao giờ hẹp đi. Có hôm cao hứng ông đãi bọn trẻ chúng tôi cả con cá chầy to nấu bung với cà chua. Dư vị ngọt ngào của món cá ấy còn đọng mãi đến ngày hôm nay.

Những năm 60, nông trường quốc doanh mang tên Bắc Sơn (Thái Nguyên) ra đời, nó được quy hoạch trên cánh rừng già có tên Tàu Bay rộng đến cả ngàn héc ta. Sau đó nửa năm trời cánh rừng  rung lên trong tiếng máy ủi. Cây lớn cây bé đều chung số phận. Rừng nguyên sinh bị phá để biến thành nông trường trồng sắn.

Rồi chỉ sau đó mươi năm là những trận lũ lụt liên miên do đồi trơ đất trống. Lúc nông trường trồng sắn tan rã thì con suối cũng đã bị dăm chục trận lũ quét khiến đổi dòng. Những vực sâu xưa cát đá đùn đầy. Dòng suối trơ ra như sợi dây héo vắt qua sa mạc cát đá vào mùa nước cạn.

Giờ đây ông Huân đã già. Tôi ngồi hỏi chuyện ông về những vực cá mà mấy chục năm trước ông từng cai quản. Ông bảo tiếc quá cậu ạ, mất suối mất nghề luôn. Sông suối bây giờ không còn vực nên mất giống cá chầy rồi. Có lần vào buổi chiều tà tôi bắt gặp ông ra ngồi trầm lắng trên mỏm của vực Đá Trắng. Nơi đây xưa kia có đàn cá chầy bơi lờ lững, chúng từng nuôi sống ông cả một thời.

Đỗ Đức

>> Người không ký ức
>> Gặp lại... ký ức
>> Dây đeo tay ghi ký ức
>> Ký ức mưa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.