Gặp lại... ký ức

19/09/2013 10:45 GMT+7

Không có chuyến đi nào khiến chúng tôi náo nức như chuyến đi Ukraine, nhất là khi Thanh Niên mang Khát vọng trẻ 6 đến đất nước này.

Thành phố Kiev cổ kính - d
Thành phố Kiev cổ kính - Ảnh: N.T.T

Chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airlines hạ cánh xuống sân bay Dnipropetrovsk vào buổi chiều tà. Mùa thu của Ukraine khiến hành khách đều có chung cảm giác bình yên, thanh thản đến nao người. Bất chợt nhớ câu hát nổi tiếng (dù đó là hát về Moscow): Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào... Một cô gái trong đoàn thốt lên, thật đáng yêu...

Tôi run rẩy khi đặt chân lên mảnh đất mà từ rất lâu đã ước mơ có dịp trở lại vì đối với thế hệ chúng tôi, thì đó là một ký ức trinh nguyên.

Vào thời điểm đoàn đến, sân bay chỉ đón một chuyến bay thương mại. Mọi người mang theo đồ đạc, đạo cụ lỉnh kỉnh phục vụ đêm diễn nhưng nhà ga tuyệt nhiên không có một chiếc xe đẩy hành lý. Mấy thanh niên của làng Thời Đại, một địa chỉ nổi tiếng, biểu tượng sinh động về tình đoàn kết, tính cộng đồng của người Việt ở Kharkov lên đón đã rất hiểu điều này nên mang theo hai chiếc xe đẩy dã chiến.

Chùa Việt ở Kharkov
Chùa Việt ở Kharkov

Kharkov đây rồi. Những hàng bạch dương, những rặng phong vàng rực dưới nắng chiều. Chiếc tàu điện cổ xưa màu gỉ sắt thay cho màu sơn vẫn rung lên trên đường ray giữa đường phố tráng lệ, giữa những tòa nhà cao tầng cổ kính xen kẽ hiện đại. Nó không hề bị lạc lõng mà thậm chí rất hòa quyện, vì nó chính là ký ức.

Quảng trường Tự Do nằm giữa trung tâm TP.Kharkov. Tôi thực sự ngỡ ngàng, dù đã được kể trước, khi ngắm nhìn tượng đài Lenin sừng sững. Không chỉ vì sự ngưỡng mộ của mình với Lenin mà vì ngưỡng mộ người dân Ukraine vĩ đại.

Người ta bảo con gái Kharkov đẹp nhất châu u, điều đó quả không sai. Tôi thì thấy họ không chỉ đẹp mà gương mặt rất thanh thoát. Người có một đời sống dù đầy đủ đến mấy nhưng tâm hồn suy nghĩ lăn tăn thì không bao giờ có gương mặt đó. Kharkov (và Kiev) vẫn như xưa, như là nhận ra ngay người yêu mình sau bao nhiêu năm xa cách. Cảm giác như thành phố có bàn tay tài ba của một kiến trúc sư trưởng từ thời Liên bang Xô Viết. Sự phát triển mà chúng ta có thể nhìn thấy được rõ nhất là những bảng hiệu kèm thêm tiếng Anh. Thành phố rất phát triển, nhưng là sự phát triển giống như một cô gái biết trang điểm cho hợp thời, hợp cảnh hơn là phẫu thuật thẩm mỹ.

Như trở về nhà !

Suốt những ngày ở Kharkov, ở trong làng Thời Đại, chúng tôi có cảm giác như mình không phải đi xa mà đang được về nhà. Mỗi ngày hai bữa đến nhà hàng Cây Dừa, nơi mà mấy chị em chăm chút việc ăn uống cho đoàn. Vẫn là phở bò, miến ngan, bún giò... vẫn là cơm, cá kho tộ, tôm thịt rim và “tám” bằng tiếng Việt.

Ngồ ngộ cảnh mỗi buổi sáng, những bảo mẫu người Kharkov (bên ta gọi là osin) đưa con của các gia đình người Việt đi dạo, những cô gái Ukraine phục vụ trong nhà hàng bưng phở cho khách, ông trung niên Ukraine tóc vàng chăm lo mặt sân tennis đất nện của người Việt. Thế mới biết vì sao ông Tỉnh trưởng Kharkov nói rằng, người Việt là những công dân số 1 của nơi này.

Loanh quanh trong làng Thời Đại, ngắm nhìn tượng đài Thánh Gióng uy nghi, viếng chùa Việt, tôi thật không thể cắt nghĩa được vì sao cộng đồng người Việt ở đây lại có thể tạo nên kỳ tích này giữa đất nước bạn. Điều hành một cơ quan đã khó, một làng ở Việt Nam càng khó. Vậy thì làm sao có thể xây dựng và điều hành một làng Việt Nam ở nước ngoài? Phải là người có đầu óc cực thông minh và một trách nhiệm với cộng đồng cực kỳ cao mới khơi dậy và làm cho cộng đồng gắn bó đến nhường này.

Thời gian chúng tôi ở Kharkov, không chỉ đoàn Khát vọng trẻ 6 bao gồm cả trăm nghệ sĩ và nhà tổ chức mà thời gian đó có trên 200 doanh nghiệp VN ở 12 nước châu u và đoàn doanh nghiệp Mỹ về dự diễn dàn thường niên do Hiệp hội Doanh nhân VN ở Ukraine đăng cai tổ chức, thế mà việc đi lại, tổ chức diễn đàn, tổ chức chương trình nghệ thuật Khát vọng trẻ đều do “người làng” lo liệu không chút sơ suất.

Tượng đài Thánh Gióng trong làng Thời Đại
Tượng đài Thánh Gióng trong làng Thời Đại

Không đủ thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về sự thành công của người Việt ở Ukraine, về những sinh viên du học quyết định ở lại lập nghiệp, và bây giờ đã thành ông chủ của những tập đoàn nổi tiếng, về đầu tư trở lại trong nước với Vinpearl, Bà Nà Hills... và hàng loạt công trình tầm cỡ, nhưng may mắn thay, tôi được dự diễn đàn doanh nghiệp VN tại châu u lần thứ 7 bàn về chủ đề xây dựng hệ thống bán lẻ và kinh doanh nhà hàng, cửa hiệu.

Sự trăn trở của các doanh nhân thành đạt qua diễn đàn cho tôi cảm nhận họ không phải lo cho họ (vì họ đã hướng đến điều lớn hơn) mà lo cho cộng đồng - đó là điều quý nhất.

Bên lề diễn đàn, tôi rất thích tâm sự của một doanh nhân: “Thời đó sinh viên đi du học về nước gọi là người yêu nước, những sinh viên ở lại nước ngoài lập nghiệp thì tiếng ra tiếng vào nhưng chúng tôi ở lại là vì nước. Nay thành công ở nước ngoài về đầu tư ở trong nước thì người yêu nước và người vì nước đã hòa nhập làm một”.

Riêng tôi, chuyến đi dù ngắn nhưng nhận nhiều trải nghiệm, qua đó lý giải được phần nào về sự thành công của cộng đồng người Việt tại Ukraine nói riêng và châu u nói chung. Người ta có nhiều quan điểm khác nhau về các nước trước đây là XHCN, không ít những người báng bổ, tôi thì nghĩ khác. Nếu không phải đã từng XHCN anh em thì làm sao cộng đồng người Việt lại có thể xây được cả ngôi làng với tượng đài Thánh Gióng sừng sững, với khu chùa VN hoành tráng đậm chất tâm linh ngay giữa lòng Kharkov? Và kiến trúc, quy hoạch của TP.Kharkov hay Kiev hôm nay có nền tảng từ thời XHCN đã chứng minh ở các nước này XHCN không phải cái gì cũng không thành công.

Tôi rất thích những tượng đài, rất thích những phù điêu từ thời Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn trên những tòa nhà như thích người yêu đầu tiên vẫn để tóc dài và mặc áo dài cách điệu... Không gì đẹp bằng ký ức.

Ukraine, tháng 9.2013

Nguyễn Thế Thịnh

>> Dấu ấn Khát vọng trẻ 6 ở Ukraine
>> Đêm khai diễn 'Khát vọng trẻ': Ấm tình kiều bào
>> Khát vọng trẻ: Khai diễn
>> Khát vọng trẻ xuất ngoại
>> Đoàn hoa hậu, á hậu lên đường đi Ukraine tham dự 'Khát vọng trẻ
>> Đan Trường - Cẩm Ly háo hức tập luyện cho 'Khát vọng trẻ
>> Đưa 'Khát vọng trẻ' bay xa

 Khát vọng trẻ 6
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.