Năm 1980, tôi đang là học sinh lớp 5 tại một trường cấp 1-2 của TP.Nha Trang. Một ngày không đẹp cũng chẳng xấu trời, cô Oanh nói rằng tôi sẽ đại diện lớp thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố.
Có một điều mà các bạn học và gia đình sẽ không bao giờ hiểu được, là bất chấp những điểm số đẹp cùng sự ưu ái của các cô giáo dạy Văn, tôi chưa bao giờ yêu thích môn học này trong suốt chương trình phổ thông. Thời niên thiếu, tôi có thể chỉ uống nước cầm hơi mà vẫn cắm mặt đọc tiểu thuyết từ sáng đến tối, tuy nhiên việc phải trải qua 2 tiết Văn liên tục vẫn luôn là nỗi ám ảnh của đời học sinh.
Chính vì thế, sau khi tiếp nhận thông tin từ cô giáo chủ nhiệm, trong đầu tôi lập tức xuất hiện một phản hồi đen tối: “Không thi, cô giáo hỏi sẽ nói là quên”.
Nhưng bà chị Ba của tôi lại không nghĩ như vậy.
Chị Ba tôi giờ là một nhà văn, thời điểm 1980 đang là sinh viên trường cao đẳng sư phạm, trước đó cỡ chục năm đã đoạt một giải thưởng văn chương danh giá cấp tỉnh. Tấm ảnh lúc chị Ba nhận thưởng được ba tôi lộng kiếng, treo ở một vị trí trang trọng trong phòng khách suốt hàng chục năm.
Có lẽ vì tình yêu văn chương, hay niềm hứng khởi vì một truyền nhân le lói xuất hiện mà chị Ba tôi bằng mọi cách, vừa động viên vừa đe dọa, cưỡng chế tôi đi thi cho bằng được. Cuối cùng chị Ba cũng thành công vì xét cho cùng, tôi dù lười nhưng vẫn là trò ngoan.
Rồi một sáng sớm không đẹp cũng chẳng xấu trời, đích thân chị Ba áp giải tôi đến điểm thi bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Tôi ngồi phía sau, lo lắng không biết thi xong có kịp đi tắm biển với mấy đứa con nít hàng xóm hay không.
Đến nơi, chị Ba mua cho tôi đồ ăn sáng từ một người đàn ông bán hàng rong trên vỉa hè. Đối với một thằng nhóc lớp 5, đó là món ăn vô cùng kỳ lạ và ngon nhất mà nó từng bỏ vào mồm tính tới thời điểm đó.
Lát bánh mì năm đó là một trải nghiệm ẩm thực mà tôi sẽ mang theo trong suốt cuộc đời mình |
ảnh minh họa: shutterstock |
Đó chỉ là một lát bánh mì cỡ bằng bàn tay người lớn, với đúng một con tôm nằm trên, được chiên vàng ruộm. Thơm phức, nóng hổi, giòn tan, béo ngậy và ngọt ngào. Vâng, tôi chỉ có thể “review” được đúng 2 câu, vì không thể nói nhiều hơn về một món ăn đơn giản như thế. Tuy nhiên, nó thật sự là mỹ vị, là một trải nghiệm ẩm thực mà tôi sẽ mang theo trong suốt cuộc đời mình.
Vì sao nó là mỹ vị?
Tôi vào lớp một chỉ 1 năm sau khi chiến tranh kết thúc, tiếng súng mới ngưng trên suốt một dải Việt Nam. Đất nước vừa bước vào quá trình tái thiết thì giặc ngoại xâm đã quấy nhiễu ở hai đầu Nam - Bắc, rồi tình trạng bao vây cấm vận và những hạn chế trong chính sách phát triển kinh tế… Trong những năm gian khó đó, bữa ăn sáng của chúng tôi chỉ là lưng chén cơm nguội, củ khoai lang hoặc khoai mì luộc, nửa trái bắp, hoặc món điểm tâm có mỹ danh “bánh xe lịch sử”. Đó là món bánh được làm bằng bột khoai mì hấp chín, nắn thành hình tròn dẹp nhìn giông giống loại bánh pita của vùng Trung Đông. Hôm nào nhà có điều kiện, má tôi sẽ xoa lên một chút mỡ hành, còn không thì cứ để nguyên chấm muối mà ăn. Loại bánh này khi hấp xong có màu vàng xỉn, khô xác, ngấy và hầu như không có chút mùi vị gì cả, sứ mệnh của nó chỉ đơn giản là dập tắt cơn gào thét của cái bao tử rỗng mà thôi. Điểm cộng của nó là… mau no, vì nhai một miếng là phải uống một ngụm nước, sau đó phải mất một quá trình dài để tiêu hóa và bài tiết.
Bánh mì vào thời điểm đó rõ ràng ở một “level” khác biệt và chỉ dành cho người tiền bạc rủng rỉnh. Và tôi, trong buổi sáng đó đã được trải qua cảm giác của tầng lớp thượng lưu trước khi bước vào phòng thi với tâm trạng như Messi chuẩn bị đá trận chung kết World Cup 2022.
***
Năm lên cấp 2, trường tôi học lâm vào một cuộc khủng hoảng nho nhỏ về phòng ốc. Đó là thời điểm khái niệm “học ca 3” ra đời.
Do thiếu phòng, ban giám hiệu chia thời gian học thành 3 ca. Ca 1 và 2 đầu giờ sáng, chiều theo đúng truyền thống; ca 3 từ 10 giờ 30 - 14 giờ. Lớp tôi được phân vào nhóm ca 3, và không ngờ thời gian học oái oăm đó lại trở thành những ngày tháng vô cùng thú vị.
Đầu tiên, đối với bọn trẻ con tràn trề năng lượng vốn không màng đến giấc ngủ trưa thì việc học ca 3 đem lại cảm giác rảnh rang cả buổi sáng lẫn buổi chiều.
Thứ hai, đi học giờ đó sẽ không kịp ăn buổi trưa cùng gia đình, và má tôi đã xử lý rất linh hoạt bằng cách cho tôi tiền mua bánh mì.
Thực ra má tôi biết thừa chiêu trò của thằng con. Hồi đó, tuy đã qua thời cơm độn bo bo hay khoai bắp, nhưng mâm cơm cả năm hầu như vắng bóng thịt thà, chỉ với cá kho rau luộc trứng dầm mắm là chủ lực… thì việc thằng con khoái bánh mì hơn cũng là điều dễ hiểu.
Cứ thế mỗi buổi sáng, vào cỡ 10 giờ kém tôi lại hân hoan ra xe bánh mì ở ngay chợ Xóm Mới và mua một ổ loại rẻ tiền nhất. Tức là nó hoàn toàn không có pate, bơ, thịt xíu, chả lụa hay cá hộp, mà chỉ là một lớp đu đủ xanh bào mỏng nhét vào ruột bánh cộng với một loại nước sốt. Dù thế nó vẫn ngon không tưởng và thể hiện đẳng cấp khác biệt so với bánh mì không chấm xì dầu (nước tương) hay sữa đặc mà má tôi, bằng một cách thần kỳ nào đó thỉnh thoảng “săn” được trong thời buổi nhu yếu phẩm cực kỳ khan hiếm.
ảnh minh họa: shutterstock |
Bánh mì vào thời điểm đó rõ ràng ở một “level” khác biệt và chỉ dành cho người tiền bạc rủng rỉnh |
Trong những ngày tháng đó tôi có một “giấc mơ con”, là sau này kiếm đủ tiền để có thể đàng hoàng mua một ổ bánh mì “full topping” và thưởng thức trọn vẹn hương vị của nó.
Thời gian trôi qua, tôi đã trải nghiệm đủ loại bánh mì Việt Nam khắp mọi miền đất nước, thậm chí tại các khu người Việt dọc tiểu bang California bờ tây nước Mỹ. Tôi cũng đã đủ tiền để có thể vào lúc 10 giờ kém, ra mua hết tất cả bánh mì với đầy đủ pate, bơ, thịt xíu, chả lụa hay cá hộp chất trong chiếc xe bên chợ Xóm Mới. Trong một lần trở lại quê hương, tôi đã tìm đến xe bánh mì đó và hỏi cô gái (có lẽ là con của bà chủ năm xưa) rằng có thể làm cho tôi một ổ bánh mì chỉ có đu đủ xanh bào mỏng và nước sốt hay không. Cô gái trẻ nhìn tôi ngơ ngác…
***
Cũng như Messi đã tỏa sáng rực rỡ trong trận chung kết, tôi đã vượt qua cuộc thi Văn cấp thành phố để tiếp tục vào vòng thi cấp tỉnh (mà tôi đã không tham gia vì một lý do không liên quan gì đến chủ đề của bài viết này).
Cho đến bây giờ tôi đã quên sạch những gì đã viết trong bài luận, nhưng hình ảnh và mùi vị của lát bánh mì chiên tôm thì vẫn hiển hiện rõ ràng, sống động mỗi khi nhớ về buổi sáng đẹp trời năm ấy.
Bình luận (0)