Những kỷ niệm khi mình có lúc được ở gần cha mẹ. Tôi từ nhỏ đã xa nhà, lên 8 tuổi thì tập kết ra Bắc cùng má, nhưng tới Nghệ An, tôi đã phải xa má tôi để vào ở tập trung trong một tu viện. Rồi mấy tháng sau, lại được ra Hà Nội để sang Trung Quốc học tập. Năm học lớp ba, về nước gặp được cha mẹ mấy ngày, rồi vào trường học sinh miền Nam tiếp tục học. Chỉ nghỉ hè hay nghỉ Tết mới được về nhà. Rồi tới lúc trưởng thành, vào đại học lại phải sơ tán lên tận vùng núi Vạn Thọ-Đại Từ-Thái Nguyên suốt 4 năm học ở bên suối Đôi cùng các thầy các bạn. Tính ra, trước khi vượt Trường Sơn, tôi cũng chưa được ở cùng cha mẹ mình bao lâu. Có lẽ vì thế, khi đã lên Trường Sơn, tôi mới thực sự cảm thấy từ nay đã thật xa cha mẹ già mình rồi. Nỗi nhớ vì thế, cứ quay về căn nhà khu tập thể 10 mét vuông nơi cha mẹ mình đang ở. Sau này khi kết thúc chiến tranh, khi đã sống trong hòa bình nhiều năm, tôi mới viết được bài thơ ngắn Chợt nhớ, đó là nhớ về căn phòng 10 mét vuông có cha mẹ mình đang vò võ sống chờ đợi con, ngày mình vào chiến trường suốt 5 năm:
"căn phòng thưa đồ đạc
thơm đậm mùi chuối chín
hai hay ba chiếc ghế cũ
bình trà cũ
bóng nắng cũ
cơn mưa rào chiều hè
bom rơi phía cầu Đuống rền như sấm cũ
cha mẹ ở đâu thì đó là nhà
quê hương mười mét vuông
nhưng đất nước rộng hơn và thầy má không giữ con
không phải con đi tìm cầu vồng hay cái chết
con đi cho kim la bàn đời mình
quay mãi về căn phòng cũ"
(Chợt nhớ)
Đúng là đất nước rộng hơn và thầy má không giữ con, dù chỉ có một đứa con duy nhất. Từ trên Trường Sơn, tôi cứ nhớ về bức thư ngày má viết cho tôi lúc tôi lên tàu lửa "Nam tiến", má không được đưa tiễn con, có lẽ vì cấp trên không muốn có một người mẹ khóc lúc đưa con lên đường. Bức thư ấy má viết, những dòng chữ nguệch ngoạc, có lẽ bà viết trong nước mắt: "má gửi cho con một hộp ruốc thịt gà, con đi đường ăn với các bạn con, để nhớ má còn ở miền Bắc". Tôi đã thực hiện đúng lời má dặn, ăn chung hộp ruốc thịt gà với đồng đội mình qua mỗi trạm trên Trường Sơn. Hộp ruốc nhỏ, làm sao ăn được lâu, nhưng tình mẹ thương con thì chứa làm sao cho hết. Bức thư của má, tôi đã giữ suốt Trường Sơn như một bảo vật. Nhưng tới khi tôi xuống chiến trường Mỹ Tho năm 1972, tôi đã mất nó trong một trận càn, cùng với quyển sổ tay chép những bài thơ tôi viết từ Trường Sơn qua chiến khu R, qua Đồng Tháp Mười. May mà hồi ấy tôi trẻ, trí nhớ còn tốt, khi về lại chiến khu tôi đã chép lại được những bài thơ bị mất trong cuốn sổ, nhưng bức thư của má gửi cho tôi thì mất hẳn. May mà sau 5 năm ở chiến trường, khi hòa bình trở lại, sau khi đã về Sài Gòn, trở ra Hà Nội, tôi vẫn còn được gặp lại thầy má mình. Đó là hạnh phúc lớn nhất của gia đình tôi. Xin cảm ơn Trời Phật. "Quê hương mười mét vuông" là căn phòng cha mẹ tôi ở, tôi đã được về đúng căn phòng ấy. Gặp lại đứa con sau 5 năm, thầy tôi đã khóc. Còn má tôi thì chạy quýnh quáng, gần như bà rơi vào tình trạng vô thức. Điều vẫn xảy ra khi người mẹ quá xúc động, quá mừng gặp lại đứa con mình.
Chuyện ấy có thể bình thường trong những trường hợp bình thường khác, nhưng với tôi là quá lớn. Có điều, ngay lúc ấy, tôi vẫn chưa kịp nhận ra.
Có những điều, nhỏ thôi, nhưng mãi sau rất nhiều năm, thậm chí khi đã qua tuổi thanh xuân, đã cập kê tuổi già, mình mới thực sự nhớ lại:
"giờ tôi thấy lại buổi chiều của mình
quả chuối ngọt trên bàn
tay má ngọt trên lưng" (Chợt nhớ)
Ký ức thường chợt ẩn chợt hiện như vậy, nó bất thần như những cơn sóng nhỏ trong tâm hồn.
Như tôi, khi tháng tư lại về, tôi bỗng nhớ hộp ruốc thịt gà má làm gửi cho tôi lên Trường Sơn, "con ăn cùng bạn bè để nhớ má còn ở miền Bắc". Nhiều khi, với một người làm thơ, thì ký ức càng nhỏ bé càng được nhớ lâu, có khi là suốt cả đời mình.
Bình luận (0)