(TNO) Ông Lê Văn Huỳnh thường không cầm được nước mắt khi nhớ lại hình ảnh những nấm mồ đồng đội xếp dài trong một chiều Tây Bắc hun hút gió chiều 7.5. Những đồng đội của ông đã không kịp chứng kiến giây phút chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Nuốt sung chát thay cơm
Sinh năm 1930, là người con độc nhất trong một gia đình thuần nông ở Trùng Khánh, Cao Bằng, sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Lê Văn Huỳnh tham gia đội tuyên truyền của Cao Bằng. Tháng 10.1945, Trung đoàn 72 - Bắc Kạn tuyển quân, ông Lê văn Huỳnh muốn cầm súng ra chiến trường đã giấu bố mẹ đăng ký nhập ngũ. Chiều cao, cân nặng không đủ, ông Huỳnh mượn giầy để tăng chiều cao, bỏ thêm 2 đầu chiếc búa sắt vào túi quần để đủ tiêu chuẩn 1,51 mét và 45 kg.
“Con biết là nếu nói trước thì mẹ sẽ giữ con ở lại, con đã làm đơn rồi, khám rồi, trúng tuyển rồi”, anh thanh niên vừa 16 tuổi nói với mẹ già lúc đó đang nước mắt ngắn dài khi nhìn người con trai độc nhất chuẩn bị ba lô lên đường. Ông Huỳnh được thử thách ở vai trò thám báo, nhiều lần lọt vào tay địch, nhờ can đảm, nhanh trí, ông đã thoát vòng vây, trở về an toàn.
Tháng 10.1947, giặc Pháp nhảy dù ở Chợ Mới, Bắc Kạn, ngày đó đồng bào ta có phong trào vót chông chống quân nhảy dù, chông tre nứa nhọn hoắt cắm khắp nơi giăng bẫy địch. Lúc này, ông Huỳnh đang ở Đại đội 648, Tiểu đoàn 19, Đại đội trưởng là ông Phạm Trung Hoàng.
Một trận đánh tháng 10.1947, giặc Pháp đóng quân Chợ Mới. Đơn vị của ông Huỳnh nhận lệnh đánh Chợ Mới. Giặc Pháp cứ 5 giờ sáng đổ bộ trên cầu Chợ Mới, tối lại rút về. Quần thảo nhiều ngày, địch đuối sức phải rút đi, để lại la liệt đồ hộp khu vực cầu Suối Bốc, Suối Bén.
Ông Lê Văn Huỳnh, người đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - Ảnh: Lê Nam
|
Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lê Văn Huỳnh thuộc Tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308 quân tiên phong. Ông là cán bộ trung đội, chỉ huy 30 người ở đơn vị phòng không tầm thấp, dùng súng 12 ly 7, vừa đánh được bộ binh, vừa bắn được máy bay tầm thấp.
“Thời gian truy kích quân Pháp chạy sang Lào, trung đoàn đóng quân ở sông Nậm Hu, đói quá phải ăn cả ngọn chuối, rau rừng, lá rau tàu bay. Bên cạnh bờ sông có cây sung, người đi trước hái hết quả chín. Người đi sau chỉ còn quả xanh nhưng vì đói quá, bộ đội ta bứt xuống ăn. Sung chát, khô khốc nghẹn lại ở cổ họng. Nhổ ra không được, nuốt vào không xong, phải vốc ngụm nước suối để miếng sung trôi xuống ruột, qua cơn đói”, ông Huỳnh nhớ lại.
Ám ảnh cái đói trong ông Huỳnh còn là những lần thiếu gạo ăn, anh em vác gỗ làm hầm trú ẩn đói lả, đồng đội lại san sẻ nhau từng miếng cơm nấu bằng những hạt gạo vỡ vụn trong chiếc vỏ thịt hộp giữa rừng. Cứ thế, những hầm hào được dựng lên bằng sức người và tinh thần đoàn kết của quân giải phóng.
Những nấm mộ trước ngày giải phóng Điện Biên
Chinh chiến qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có những trận đánh ông Lê Văn Huỳnh vẫn còn "bầm gan tím ruột" vì căm thù quân địch khi nhớ lại.
Đó là ngày 28.3.1954, trận đánh phía Tây sân bay Mường Thanh, Điện Biên Phủ. Trận này địch bị tổn hại quân số rất nhiều, một phó chỉ huy của tướng De Castries lệnh cho quân lính, làm cách nào phải diệt được đội 12 ly 7. Máy bay Pháp vừa rải bom, vừa tà tà bay trên đầu, quân ta nã súng 12 ly 7, bắn địch. Ông Huỳnh ở Đại đội 241. Tham gia trực tiếp ở tuyến 1, đối mặt với giặc Pháp là Đại đội 78.
“Quân Pháp thiệt hại nhiều, một tên lính buộc cờ trắng vào lưỡi lê tiến sát vào trước hàng quân. Đại đội trưởng Đại đội 78 Nguyễn Viết Quỳ hô lớn bằng tiếng Pháp “Hạ súng xuống”. Lính Pháp giả vờ hạ vai súng, sau đó ngay lập tức, chúng nã súng, xả ngược vào quân ta. Cứ thế cả đoàn quân Pháp tiến sâu vào. Cả Đại đội 78 có 35 người thì 32 người hy sinh. Không ai còn hình hài nguyên vẹn, vũ khí vụn nát. Giặc Pháp trước khi rút đi còn ném bom xuống hầm. Tất cả hầm hào sụp đổ”, giọng ông Huỳnh run run.
Ở tuổi 86, ông Lê Văn Huỳnh vẫn minh mẫn, sử dụng máy vi tính thành thạo, ông có sở thích chơi bóng bàn, chụp ảnh - Ảnh: Lê Nam
|
5 giờ chiều ngày 28.3.1954, giặc Pháp rút về Mường Thanh. Một trung đội của Đại đội 241 được cử sang tập hợp thi hài liệt sĩ.
“Chúng tôi đào mộ cho anh em, mỗi ngôi mộ phải sâu ít nhất 50 cm, nhưng đất gan gà vùng Tây Bắc cứng lắm, bổ cái cuốc của pháo binh xuống đất nhát nào, lưỡi cuốc nảy lên chan chát. 6 giờ chiều, Tây Bắc sương giăng mù mịt. Chúng tôi lặng lẽ đào mộ, vun đất cho anh em, đến sáng sớm ngày 29.3, những hàng mộ hiện ra. Chúng tôi đứng lặng thật lâu, nước mắt cứ thế chảy ra, chưa bao giờ ý chí phải giải phóng Điện Biên, trả thù cho đồng đội lớn như thế trong mỗi người”, ông Huỳnh nắm chặt hai bàn tay lại.
|
Đúng 5 giờ chiều 7.5.1954, tướng De Castries
xin hàng, tất cả đồng đội nhảy lên reo hò. Nhiều đơn vị được phân công thu chiến lợi phẩm của quân giặc, gồm cả đồ hộp, súng ống, tiền Đông Dương.
Xâm xẩm tối, ông Huỳnh và đồng đội đứng chết lặng trước những hàng mộ của đồng đội đã nằm lại nơi Tây Bắc hun hút gió. Họ đã ngã xuống trước ngày Điện Biên giải phóng.
Tháng 6.1954, ông Lê Văn Huỳnh về Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 250, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không không quân đóng quân ở Hà Nội.
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1971 ông được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị vận tải, trao trả tù hàng binh qua sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Từ năm 1971 đến năm 1973, ông làm nhiệm vụ đào tạo những người lính lái xe Trường Sơn cho chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, người lính về làm cán bộ phòng Tham mưu, Cục Hậu cần Quân khu 1, đóng ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên, chức vụ đại úy.
Đất nước thống nhất tròn 40 năm, Điện Biên giải phóng 61 năm, ông Huỳnh đã ở vào tuổi 86. Người lính năm xưa vẫn minh mẫn, sử dụng máy vi tính thành thạo, ông có sở thích chơi bóng bàn, chụp ảnh. Căn nhà nhỏ của ông ở thành phố Thái Nguyên treo đầy những tấm ảnh phong cảnh, ảnh chân dung đồng đội, bạn bè, con cháu hoặc những người ông tình cờ gặp trên những miền đất người cựu binh từng đi qua. Trong đó, ông nâng niu nhất tấm ảnh mình vinh dự được chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày trở lại Điện Biên lịch sử.
Bình luận (0)