Ký ức hãi hùng của nạn nhân thời Khmer Đỏ

08/07/2009 23:48 GMT+7

Những tù nhân dưới chế độ Khmer Đỏ xưa kia giờ đây đã xuất hiện trước tòa án xét xử tội ác của chế độ diệt chủng để kể lại quá khứ kinh hoàng mà họ từng trải qua.

Nhà tù Toul Sleng (hay S-21) không bao giờ rời khỏi tâm trí những người từng bị tra tấn trong đó. Và khi có cơ hội kể lại trước tòa án do LHQ hậu thuẫn, các nạn nhân ngày trước vẫn chưa hết kinh hãi. Những gì diễn ra tại đây dưới thời Khmer Đỏ quả thật vượt ra ngoài sức tưởng tượng của hầu hết chúng ta.

Bị đối xử như cầm thú

Van Nath, một trong những người may mắn sống sót từ nhà tù khét tiếng này kể trước tòa rằng cơn đói tột cùng đã khiến ông phải ăn côn trùng rơi từ trên trần xuống.

"Chúng tôi phải vơ vội những con côn trùng để ăn bởi sợ lính gác nhìn thấy", ông kể. Có lần lính gác thấy, chúng hỏi ông ăn gì đấy và đánh ông cho đến khi ông nhổ con châu chấu ra khỏi miệng, một bản tin của NTDTV thuật lại lời kể. "Chúng tôi thậm chí phải ăn bên cạnh những xác chết", ông nói tiếp, "chúng tôi chẳng quan tâm đến điều gì nữa vì khi đó chúng tôi như loài cầm thú".

Ông Van Nath đã chờ đợi phiên tòa này 30 năm và ông được trông đợi là có thể cung cấp các bằng chứng xác thực về những gì xảy ra bên trong S-21. "Điều kiện trong tù thật vô nhân đạo và thức ăn thì vô cùng ít ỏi", ông nói với tòa và bật khóc.

Được cho ăn 2 bữa một ngày, ông Van Nath nói mỗi bữa chỉ tương đương với 3 thìa cháo. Phòng giam thì chật chội, thường từ 20 đến 30 người bị giam chung, chân bị cùm và bị ra lệnh không được nói chuyện hay cử động. Ông Van Nath cùng những người tù khác đã bị rận bâu khắp mình và đầu trong điều kiện không được tắm lâu ngày.

"Tôi gãi khắp người, cuộc sống tôi như loài thú vậy", ông nhớ lại. Theo BBC, ông Van Nath may mắn sống sót bởi ông biết vẽ. Ông bị bắt phải vẽ chân dung của các lãnh đạo Khmer Đỏ. "Cho dù tôi đã gắng hết sức để quên những ký ức hãi hùng nhưng nó vẫn ám ảnh tôi", ông trải lòng, "tôi không bao giờ tưởng tượng được là có thể ngồi tại đây trong phiên tòa này để kể về hoàn cảnh của mình".

"Kẻ tra tấn bắt tôi đếm số roi. Và khi tôi đếm đến 10 hắn nói: Làm sao mà 10 được? Mày mới được 1 roi thôi".

Cựu tù nhân Bou Meng

Người tù S-21 năm xưa ấy về sau đã trở thành họa sĩ nổi tiếng nhất Campuchia với những bức tranh tố cáo tội ác của chế độ Khmer Đỏ.

Tù nhân bị bắt phải đánh nhau

Nếu như ông Van Nath thoát chết nhờ tài vẽ tranh thì cựu tù nhân S-21 Chum Mey lại sống sót nhờ khả năng sửa xe. Là nạn nhân thứ 2 ra làm chứng trước tòa, Chum Mey kể ông đã bị những kẻ tra tấn rút móng chân, cho điện giật để ép phải thú nhận là làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Năm nay 63 tuổi, ông Chum Mey trước đây là một công nhân nhà máy sản xuất máy may cho đến khi bị bắt vào năm 1978 vì bị tình nghi là gián điệp, theo AFP. Nói với chủ tọa phiên tòa, ông kể mình bị chụp ảnh, lột hết quần áo, còng tay và bị nắm tai kéo đi.

"Họ yêu cầu tôi phải khai là chúng tôi gia nhập CIA và KGB (Cơ quan Tình báo Liên Xô). Tôi thực sự còn không biết mấy cụm từ đó là gì". Sau đó, ông bị những kẻ thẩm vấn tra tấn dã man suốt 12 ngày đêm và phải van xin tha mạng. Sau cùng, không thể chịu đựng được nữa, ông Chum Mey đành nhận bừa là đã gia nhập CIA và KGB. Những đòn tra tấn ông chỉ kết thúc khi những kẻ thẩm vấn nhận ra ông biết sửa xe và để ông làm công việc sửa máy. Cũng giống như Van Nath, Chum Mey nói ông cảm thấy mình như thú vật khi bị tra tấn.

Cựu tù nhân thứ 3 ra làm chứng trước tòa là ông Bou Meng. Người đàn ông 68 tuổi này đã yêu cầu cựu cai ngục nhà tù S-21 Duch nói lên sự thật về việc vợ ông bị giết hại cách đây 3 thập niên để ông có thể tìm được hài cốt của bà đem về an táng, theo AFP. Ông Bou Meng cũng bị tra tấn dã man và bị ép phải nhận là gián điệp của CIA. Hai vợ chồng ông bị bắt vào năm 1977. Vợ ông sau đó bị hành quyết. Còn ông thì may mắn sống sót nhờ biết vẽ và bị bắt phải vẽ chân dung Pol Pot.

"Kẻ tra tấn bắt tôi đếm số roi. Và khi tôi đếm đến 10 hắn nói: Làm sao mà 10 được? Mày mới được 1 roi thôi", ông Bou Meng vừa nói vừa lấy khăn tay ra lau nước mắt. Chủ tọa phiên tòa trấn an và yêu cầu ông mạnh mẽ lên để có thể tiếp tục làm chứng, AFP tường thuật. Có lần Duch đã ra lệnh cho ông và một tù nhân khác đánh nhau bằng ống nhựa đen. "Ông ta ngồi nhìn chúng tôi đánh nhau. Sau một hồi, ông ta ra lệnh cho chúng tôi dừng lại", ông Bou Meng kể. "Ông ta đối xử như thể chúng tôi không phải là con người nữa".

Cho dù các lãnh đạo Khmer Đỏ có phải chịu án như thế nào đi chăng nữa, những ký ức hãi hùng về một chế độ diệt chủng có lẽ không thể phai trong tâm trí mỗi nạn nhân.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.