Ký ức ngày tết : Những chiều 30 gió rét, bước yên lặng bên cha

24/01/2020 14:10 GMT+7

Tất cả những ký ức ngày tết sở dĩ đẹp đẽ, thiêng liêng là bởi chúng luôn gắn với hình ảnh của những người thân yêu nhất…

Những ký ức ngày tết luôn ám ảnh chúng ta. Có quá nhiều điều để chúng ta nhắc nhớ cho nhau, tiết trời se lạnh, mưa phùn bay bay, đào mai khoe sắc, mùi bánh chưng thơm ngát hương Xuân…

Tết bắt đầu khi mẹ trải tấm khăn hoa

Tôi nghĩ mãi về chuyện tôi nhớ thương điều gì nhất trong vô vàn những ký ức về tết ngày xưa của mình. Những mùa xuân ấu thơ ấy có biết bao nhiêu điều đẹp đẽ. Nào là rửa lá gói bánh chưng bánh tét, ngồi nhìn nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút trong đêm giao thừa, chợ hoa xuân những ngày tháng cũ… Thế rồi tôi chợt nhận ra rằng, tất cả những kỷ niệm đó trở nên tuyệt vời vì tôi trải qua nó cùng những người thân yêu của mình. Với riêng tôi, tết thực sự bắt đầu vào khoảnh khắc mẹ trải tấm khăn hoa lên bàn khách, cắm bình hoa đủ màu thật đẹp và cả gia đình cùng dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cho sạch sẽ tinh tươm.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về tết thực ra vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay. Tôi còn nhớ như in buổi chiều 30, năm tôi 6 tuổi, đang loay hoay giỡn với chú chó thì bố kêu tôi đi dạo phố với bố. Trẻ con được đi chơi thì thích lắm, tôi hớn hở chạy theo bố ngay. Chiều cuối năm ấy, bố tôi còn trẻ trung phong độ, ông cười hiền khô và dắt tay tôi đi dọc bờ hồ Tam Bạc Hải Phòng.
Những cơn gió rét buốt thổi xây xẩm mặt mũi tôi, dù đội mũ len, choàng khăn kín mít vẫn len lỏi vào bên trong cơ thể cấu véo. Trời đột nhiên hửng nắng nhẹ, dường như có điều gì đó từ thinh không đổ tràn xuống thế gian, nắng trong vắt trải trên phố phường làm mọi thứ như tinh khôi, lấp lánh hơn. Tôi không biết bố dẫn đi đâu, cứ ngó nghiêng mọi điều đang xảy ra quanh mình, bố tôi thì cứ thong dong, chẳng nói câu nào, ông có lẽ cũng đang trôi về một cái tết năm nào đó của mình.
Buổi đi dạo phố được kết thúc trong một tiệm cà phê bên hông nhà hát lớn, tôi được uống ly ca cao rõ thơm ngon. Hôm đó lần đầu tôi thấy bố hút thuốc. Nghe mẹ nói bố tôi bỏ thuốc lá khi mẹ sinh tôi ra. Chiều hôm đó, ông chỉ hút một điếu duy nhất và uống cà phê, sau đó hỏi tôi có thích không… Bố lẩm nhẩm ca một bài tôi nghe không hiểu gì hết nhưng lại thấy sao mà hay quá, có lẽ hay vì bố hát trong buổi chiều cuối năm gió rét và đầy cảm xúc: “…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều em ơi…”.

Bên bố chiều cuối năm thấy mình thơ bé như ngày nào

Kể từ đó, mỗi năm đến chiều 30 tết, tôi và bố luôn dành vài giờ đồng hồ đi dạo phố, đúng từng ấy con phố và luôn dừng ở quán cà phê cũ. Mỗi năm bố tôi hút đúng một điếu thuốc vào chiều 30. Tôi có thể thấy mình lớn lên dần trong những chiều giao thừa ấy. Có năm lên trung học mải chơi với bạn quên cả giờ thiêng mà hai bố con thường bắt đầu chuyến đi chiều 30, lúc chạy về, trời đã gần tối hẳn, thấy bố mặc chỉn chu đứng trước sân nhìn tôi. Tôi gãi đầu nói với bố, thôi năm nay bố con mình đi một vòng bờ hồ thôi kẻo mẹ chờ cơm.

Tác giả  và cha vẫn giữ thói quen đi dạo cùng nhau chiều 30 tết

NVCC

Thời gian trôi qua, tôi lớn dần và xa nhà lập nghiệp trong Sài Gòn. Có những năm hết tiền không về thăm nhà được, đúng 3 giờ chiều ngày 30, tôi cứ ngơ ngẩn và tự hỏi liệu bố có đang uống ly cà phê nơi quán quen và lẩm nhẩm ca bài Chiều mưa biên giới, Sơn nữ ca không.
Có những năm có thể về nhà ăn tết thì truyền thống đó của hai bố con vẫn tiếp tục. Lớn lên tôi có lẽ cũng trở nên đa cảm hơn. Tôi đếm từng mùa xuân còn được đi dạo cùng bố chiều 30, được đi giữa phố phường quê hương, hít hà, ngắm nghía từng dòng người xe cộ ngược xuôi, nhìn những cánh đào bơ vơ hiu hắt trên phố chiều cuối năm. Mùi tết tràn về muôn nẻo, lất phất mưa bụi quyện trong mùi khói hương thơm thơm… Ở bên bố chiều cuối năm, tôi lại trở thành đứa con nít ngày nào.

Vẫn chờ những chiều 30 tết

Tôi nhớ có một năm, tôi gặp lại tiết trời chiều 30 của cái hồi tôi 6 tuổi! Đang rét căm căm thì trời hửng chút nắng nhưng chưa đủ để tạo thành ánh nắng, cả vòm mây sáng lên như thứ mật ong mỏng dịu trong vắt đẹp đến ngây cả người. Lâu lắm rồi tôi mới ngơ ngẩn đi mãi trên phố cảm nhận một cái tết trong lành tinh khôi đến thế. Cảm giác này chỉ có từ lúc tôi còn bé xíu, thành phố chưa bị đô thị hóa, đông đúc nghẹt thở. Thỉnh thoảng trên phố lại gặp các cụ già áo veston xám, chống ba-toong, quàng khăn len đi một mình thong dong ngắm phố phường. Dường như bánh xe thời gian quay ngược lại quá khứ, thành phố ấu thơ của tôi được bọc trong thứ nắng lụa vàng tuyệt đẹp. Bố vẫn như mọi năm, chậm rãi thong dong từng bước. Tôi cảm nhận được niềm vui của bố.

Tôi đếm từng mùa xuân còn được đi dạo cùng bố chiều 30, được đi giữa phố phường quê hương, hít hà, ngắm nghía từng dòng người xe cộ ngược xuôi, nhìn những cánh đào bơ vơ hiu hắt trên phố chiều cuối năm. Mùi tết tràn về muôn nẻo, lất phất mưa bụi quyện trong mùi khói hương thơm thơm

Thiên Ca

Bố vẫn còn phong độ dù tóc đã bạc nhiều. Thời gian cứ trôi qua, chớp mắt vài cái đã vài lần 10 năm trôi qua. Tôi cũng trở thành gã trung niên, bố cũng đã già. Cả hai chúng tôi đều chờ cái buổi chiều 30 tết để chậm rãi đi bên nhau.
Tôi luôn cười khi có ai đó đòi bỏ tết âm lịch để tiết kiệm. Chắc họ nghĩ không ăn tết cổ truyền là nước ta thành cường quốc ngay. Khi xã hội ngày càng hiện đại, thực dụng hơn, sự thiêng liêng ngày tết dường như cứ mai một dần, thậm chí với nhiều người đó chỉ còn là thủ tục cần phải chu toàn. Tuy nhiên, dẫu thời thế thay đổi thế nào, tết vẫn là một tín hiệu thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Có câu hát rất đúng tâm trạng của người Việt trong dịp xuân về: “Ai xuôi ngược trên khắp nẻo đường quê hương, nhớ quay về đón mùa xuân yêu thương...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.