Ký ức những ngày nhập học đại học, trở thành tân sinh viên của bạn ra sao?

Lê Thanh
Lê Thanh
18/08/2022 20:05 GMT+7

Có những khoảnh khắc, câu chuyện, hình ảnh về những ngày tháng nhập học đầu tiên khi tân sinh viên chính thức bước vào giảng đường đại học đã trở thành kỷ niệm đẹp không bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhiều người…

Tân sinh viên tại TP.HCM tham dự một chương trình văn nghệ do Ký túc xá TP.HCM tổ chức nhân dịp chào đón sinh viên bước vào năm học mới

lê thanh

Khoảnh khắc để lại những ấn tượng khó quên trong cuộc đời

Lật lại miền ký ức của mình, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, hồi tưởng: “Ngày tôi chính thức đặt chân vào giảng đường của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đã trôi qua gần 20 năm. Thời gian ấy, một cô bé từ vùng Tây Nguyên lặn lội xuống TP.HCM học đại học khó khăn hơn các bạn trẻ bây giờ. Những chiếc xe khách cũ kỹ hơn, những con đường xấu và nhiều ổ gà hơn, những nỗi buồn xa nhà, xa quê cũng da diết hơn vì lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ… Tuy nhiên, niềm vui được đến sống và học tập ở một thành phố hiện đại khiến tôi trở nên háo hức”.

Thạc sĩ Xuân Dung kể: “Những năm đại cương, tôi học tại Làng đại học Thủ Đức nên làm thủ tục nhập học tại đó. Là một người khá cẩn thận, kỹ tính nên tôi đến làm thủ tục ngay từ buổi sáng đầu tiên của ba ngày nhập học. Lúc đó, số lượng sinh viên không quá đông và đa phần là sinh viên từ các tỉnh tranh thủ làm thủ tục nhập học xong sẽ làm thủ tục đăng ký ở ký túc xá nên tay xách nách mang đủ thứ hành lý".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, hiện là Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

D.T

Thạc sĩ Xuân Dung kể tiếp: “Người này nhìn người kia, rụt rè hỏi nhau rồi hỏi thăm những thầy cô hướng dẫn, các anh chị tình nguyện viên hỗ trợ đàn em. Lúc đó, chúng tôi không được đọc trước những quy trình hướng dẫn trên website như bây giờ, cũng không có những bảng chỉ dẫn cụ thể từng bước khi đến địa điểm nhập học… Tưởng như là khó khăn, nhưng lại thú vị, vì nhờ vậy mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác bỡ ngỡ dễ thương của mình và cả những bạn đồng lứa. Chúng tôi vừa lo lắng khi bước vào một môi trường xa lạ để bắt đầu một chặng đường mới, vừa cảm thấy tò mò về những con người mới xuất hiện quanh mình, vừa hứng khởi và khao khát được bắt đầu chinh phục một điều gì đó đáng tự hào ở phía trước. Có lẽ, thế hệ chúng tôi chưa nhận được sự “ưu ái” của công nghệ, nên mọi thứ diễn ra chậm hơn, có khi “rườm rà” hơn, nhưng cũng vì thế mà để lại những khoảnh khắc ấn tượng khó quên hơn trong cuộc đời…”.

Vui mừng không thể tả khi trở thành tân sinh viên

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm (cựu sinh viên K25, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), hiện là Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và đào tạo chuyển giao công nghệ sinh trắc vân tay phía Nam (Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ Việt Nam), nhớ lại: “Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày tôi rời xa ghế nhà trường phổ thông, rời xa mái ấm gia đình để đến TP.HCM học đại học nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm ngày ấy".

Ông Nguyễn Thanh Liêm, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

T.T

“Tôi nhớ mùa hè năm 1999, được cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tôi rất vui mừng và vinh dự không thể tả khi biết mình chắc chắn trở thành tân sinh viên. Ngày ấy, không có quá nhiều trường, nhiều sự lựa chọn cho việc học như bây giờ và việc đậu đại học nó cũng vất vả, khó khăn hơn. Khi từ vùng quê ở tỉnh Đắk Lắk, bước đến chân đến thành phố phồn hoa đô hội, văn minh, náo nhiệt nhưng cũng đầy sự phức tạp đối với một đứa ở quê như tôi là cả 1 sự thử thách. Cảm giác bước vào trường làm thủ tục nhập học nó vừa vui vừa lo lắng, căng thẳng vì tôi còn bỡ ngỡ, không có bạn bè, còn e ngại chưa quen với môi trường mới. Do đó, tôi đã mất một thời gian dài để làm quen và thích nghi với cuộc sống ở thị thành”, ông Liêm kể.

Ông Liêm, kể tiếp: “Với tôi khi ấy, ngôi trường tôi được học nó to hơn mình mường tượng. Lần đầu tiên tôi đặt chân vào thành phố quá rộng lớn, đường xá thì không biết, xe cộ thì tấp nập. Hồi đó, tôi muốn liên lạc với bạn bè thường thường viết thư từ, chứ không có Zalo, Facebook như bây giờ. Còn mỗi lần nhớ nhà, điện thoại về cho gia đình thì phải ra bưu điện hoặc gọi nhờ chủ nhà trọ, mỗi lần gọi như thế là tốn tiền hết 1, 2 dĩa cơm bụi chứ không phải ít”.

Ngược miền ký ức hơn 20 năm về trước, ông Liêm nhớ lại: “Hôm khai khóa, nhà trường tổ chức buổi lễ long trọng lắm, rất vinh dự, vui sướng và cảm thấy tự hào được trở thành tân sinh viên”.

Trải nghiệm nhiều để không hối tiếc về quãng đời sinh viên

Với sinh viên đang còn học đại học thì họ có những cảm nhận, ký ức về những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường ra sao?

Đỗ Ngọc Thành Danh, sinh viên năm 4, ngành cơ điện tử (Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

L.T

Đỗ Ngọc Thành Danh (sinh viên năm 4, ngành cơ điện tử, khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) chia sẻ: “Đối với một chàng tân sinh viên đến từ vùng quê như em, những ngày đầu đặt chân đến TP.HCM để học đại học mọi thứ khi ấy đều khá là mới lạ. Với tâm trạng háo hức của một người trẻ mới lên thành phố, thời gian đầu học đại học, em hay đón xe buýt từ Làng đại học ở Thủ Đức vào trung tâm thành phố và đi bộ khắp nơi để khám phá, nghĩ lại em thấy sao hồi đó mình chịu khó đến thế”.

Rồi Danh kể: “Những ngày mới học đại học, em có chút choáng váng vì một bài giảng với khối lượng kiến thức khủng lồ và tốc độ giảng bài của các thầy, cô nhanh hơn thời mình còn học ở bậc phổ thông rất nhiều”.

Tuy nhiên, Danh cũng cho biết: “Em cảm thấy vui vì chính nhờ môi trường học đại học mà bản thân đã quen được những người bạn tuyệt vời. Tụi em đã có rất nhiều kỷ niệm khi ở chung phòng ký túc xá, cùng nhau học tập và hỗ trợ trong cuộc sống như anh em trong một nhà vậy. Cũng có nhiều người bạn mà mình chỉ gặp nhau một vài lần rồi sau đó không gặp lại nữa vì học khác ngành, du học hoặc là bạn chọn lại hướng đi mới, nhưng mỗi người bạn mà em may mắn từng tiếp xúc đều cho bản thân mình những góc nhìn đa dạng về cuộc sống”.

Sau 3 năm đại học, Danh cảm nhận: “Em thấy bản thân rất hài lòng với những gì mình đã có, chỉ tiếc một chút là chưa đi trải nghiệm nhiều hơn do những năm cuối đại học thường bận rộn. Vì thế, theo em các bạn tân sinh viên nếu có cơ hội thì cứ trải nghiệm cho thoả sức trẻ, trải nghiệm nhiều để có nhiều kỷ niệm đáng nhớ sau này và để không nói hai từ hối tiếc về quãng đời sinh viên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.