Chưa đầy 10 tuổi, tôi đã biết đi chợ thay cho má. Và chính trong ngôi chợ nhỏ ở cái quận lỵ Đức Tôn (thuộc tỉnh Sa Đéc trước 1975) tôi đã tìm thấy những ấn phẩm tuyệt vời cho máu mê vọng cổ, cải lương của mình.
Những cuốn bài ca khổ nhỏ (10x15 cm), chỉ có tờ trước tờ sau gập lại như tấm thiệp, bên ngoài trang 1 in hình nghệ sĩ hát bài đó, các trang trong in nội dung bài vọng cổ, vừa đủ gọn trong lòng bàn tay dễ cầm mà hát, dễ bỏ túi đem theo, lại xinh xắn, làm luôn công tác sưu tầm hình nghệ sĩ được ái mộ. Giấy thì không quá xịn, kỹ thuật in không bằng bây giờ, chỉ đủ lên màu lên nét cho gương mặt nghệ sĩ tươi tắn. Giá rất rẻ, tương đương một gói xôi, cho nên tôi có thể để dành tiền quà sáng mà mua thường xuyên.
Tôi còn nhớ như in một bài có hình Thanh Kim Huệ ngoài bìa. Lúc ấy Thanh Kim Huệ trẻ măng, chừng 16 tuổi, mặc cái áo vàng, bừng sáng như một bông hoa. Tôi cũng sưu tầm rất nhiều bài có hình nghệ sĩ Thanh Sang, Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu… cất trong cặp đem theo vô lớp để khoe với chúng bạn.
Tôi còn mua những cuốn cải lương nữa, cũng in với khổ giấy như thế, nhưng bên trong ruột có tới gần chục trang mới in hết tuồng cải lương và giá thì gấp ba lần cuốn vọng cổ. Thực ra họ không in hết tuồng, mà lược bớt thoại, chỉ để lại bài ca là chính và in chữ nhỏ xíu, nhưng hồi ấy mắt mọi người còn rất tinh, đọc ro ro. Ngoài bìa 1 thì in màu hình các nghệ sĩ trong tuồng. Quanh đi quẩn lại thì cũng toàn những người thuộc “thế hệ vàng” như: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Tuấn, Diệp Lang… mà thật lạ, khán giả cứ nhìn hoài không chán. Tôi nhớ có hình Minh Phụng đẹp không thể tả, đúng là “Hoàng tử” của cải lương. Còn Mỹ Châu thì đôi mắt buồn kinh khủng; Lệ Thủy miệng lúc nào cũng cười.
|
Sức sống cải lương một thời và tình yêu của khán giả
Thời ấy thịnh hành cải lương kiếm hiệp và hồ quảng, cho nên tôi cứ ôm cuốn bài ca mà hát hoài cái đoạn trong tuồng Đêm lạnh chùa hoang. “Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu/Ta gối đầu trên đá thèm giấc mơ yêu/Để yêu em được trọn lòng, không ngăn cách bởi biên thùy/Sầu đêm này và ngàn đêm nữa đi/Em vẫn yêu, vẫn yêu một mình anh…”. Còn tuồng Chung Vô Diệm thì thuộc lòng câu mà Minh Vương hát với Lệ Thủy: “Á này con xủ phụ kia chớ có lắm lời vô lễ/Ta là vua nước Đông Tề đang lạc lối giữa rừng sâu/Mi là ai mà mặt mũi dị thường? Ý, đừng có ăn thịt ta, để ta bù bằng vàng bạc…”.
Rất nhiều câu ca đã được lớp khán giả như tôi nghe từ radio rồi luyện giọng y chang, chứ nào có biết nó là bài bản gì. Mua được cuốn tuồng, thì thấy ghi rõ là Lý con sáo, Nam Ai, Phảnh phá… nhưng có khi cũng chả để ý, cứ ca giống nghệ sĩ trong radio là được. Có cuốn tuồng thì ca theo rất dễ, mau đúng giọng, mau thuộc, càng tăng thêm tình yêu cải lương. Thế nên tôi sưu tầm rất nhiều tuồng như Lan và Điệp, Mạnh Lệ Quân, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Tuyệt tình ca… Vào những buổi trưa, buổi tối ru em ngủ, tôi lấy cuốn tuồng ra hát cho nó nghe, nhỏ em tôi bay vào giấc ngủ với những xê hò xự xang ngọt ngào…
Giờ nhớ lại mới thấy sức sống của cải lương và tình yêu của khán giả. Một cái chợ quận nhỏ xíu, không hề có nhà sách, vậy mà các ấn phẩm cải lương vẫn có thể tràn ngập, len lỏi vào các tiệm tạp hóa. Khán giả nghe cải lương thôi chưa “đã”, cần được hát theo, luyện giọng thì cải lương mới thẩm thấu sâu hơn. Một thời, cả tai, mắt, miệng người ta đều có thể nghe, thấy và hát cải lương một cách tự nhiên như thế, bảo sao cải lương không ngấm vào máu.
Rồi đến 1975, mọi thứ biến mất. Tôi ca riết mấy cuốn vọng cổ và cải lương rách bươm. Tôi cứ ra chợ tìm mãi, hy vọng người ta có in lại, dù là tuồng mới, vọng cổ mới cũng được, nhưng không có. Bẵng đi mười mấy, hai chục năm thì thấy có in nguyên một cuốn dày cộp chừng 30-40 bài vọng cổ, y như kiểu in cuốn tiểu thuyết đen trắng, nhìn vô toàn chữ là chữ, giá lại cao, không phải ai cũng mua nổi. Vả lại, có khi trong đó chỉ có 5-10 bài người ta thích mà phải mua nguyên cuốn thì người ta lắc đầu. Người ta vẫn thích mua đúng những bài mà họ ưng thôi, và có hình nghệ sĩ hát bài đó. Thế rồi mấy quầy sách bán ế, nghỉ luôn, chẳng thấy in nữa. Tình yêu vọng cổ, cải lương dần phai nhạt. Ít thấy những đứa trẻ ngân nga hát, ngay cả người lớn cũng ít hát.
Giờ trên mạng đã có người tải lên lời bài ca và các vở tuồng rất nhiều. Nhưng vẫn là chữ, nếu lấy về, in ra giấy thì vẫn không phải là ấn phẩm xinh xắn như ngày xưa. Nó không thể tạo được cảm xúc, sự hấp dẫn cho vọng cổ, cải lương như trước đây.
Bình luận (0)