Cuốn sách giúp độc giả nhìn lại hình ảnh từng cung đường, lối ngõ, hẻm hóc… của một góc nhỏ Sài Gòn - Gia Định xưa, nơi mà khu vực trung tâm là ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ… đặc biệt là ký ức về tết xưa, đậm phong tục Việt ngay ở chương đầu tiên.
Chợ trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) giáp tết Mậu Thân 1968 - ảnh tư liệu trong sách |
Harold Boehle |
Tác giả kể khá chi tiết về Ông Tạ thuở ấy, trước tết là một trời vui: “Từ trung tuần tháng chạp, những sạp lá dong, khuôn gỗ gói bánh chưng lại thấy xung quanh trường Tân Bình (trước 1975 là Thánh Tâm). Từ sáng sớm, đã thấy dưa hành, kẹo lạc Quế Hương, giò chả Ông Tạ… bày dọc các cung đường, lối ngõ khu Ông Tạ. Quá nửa đêm, hai cửa hàng Tơ Hồng (tiệm ảnh Á Đông cũ), Ngọc Vân… ngay ngã ba Ông Tạ vẫn giăng đèn kết hoa rực rỡ, chợ lá dong trước trường Tân Bình thì chong đèn suốt đêm”…
Nếp văn hóa đó cứ bừng sáng lên mỗi dịp xuân về: “Bánh chưng Ông Tạ ngon không đâu bằng. Mở chiếc bánh ra: nếp, đậu, thịt thơm phưng phức - đúng hương vị Bắc 54 mang từ quê nhà, không lẫn vào đâu được. Màu lá dong xanh biếc trong những cọng lạt mềm buộc chặt (…) Đêm 30, cứ cách vài nhà lại một nồi bánh chưng đầu nhà cuối sân. Chuyện canh nồi bánh thường của nam thanh nữ tú, trải chiếu ngồi, nằm canh; chuyện trò, chọc phá nhau ran như pháo tết…”.
Bìa sách |
Phố mà cứ như quê, quê nằm trong phố, dân tứ xứ trước lạ sau quen quây quần khu Ông Tạ. Những cư dân mới vừa gan góc dãi nắng dầm mưa, đầu trần chân đất khai phá, vừa yêu thương, chia sẻ từ những ngày mái lá, lều tranh, nền đất… biến vùng Ông Tạ trở thành một nếp văn hóa tươi đẹp giữa lòng Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM hôm nay, nơi những người con sinh ra tại đây gắn liền với câu nói cửa miệng: “Dân Ông Tạ đó!”.
Bình luận (0)